Băn khoăn về bệnh sợ trách nhiệm

(PLO)- Căn bệnh sợ trách nhiệm ở một bộ phận công bộc xuất phát từ nhiều nguyên nhân như năng lực kém, trình độ hạn chế, và điều không thể phủ nhận là bất cập về thể chế
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phiên họp toàn thể thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong hai ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đã phản ánh hiện tượng cán bộ, công chức, nhất là trong ngành y tế từ khi nổ ra vụ tham nhũng Việt Á, có biểu hiện chùng xuống.

Tình hình nghiêm trọng đến mức thuốc, vật tư y tế thiếu, đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng các bệnh viện cũng không dám mua sắm, đấu thầu.

Tuy nhiên, không nhiều ý kiến phân tích khía cạnh khác của câu chuyện: Bệnh sợ trách nhiệm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nói: “Trong thực thi công vụ, tôi muốn nói về căn bệnh sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó không phải là những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà là những người ngay thẳng, trung thực”.

Căn bệnh sợ trách nhiệm ở một bộ phận công bộc ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng mặt chủ quan cần nhấn mạnh là năng lực, trình độ.

Năng lực kém, trình độ hạn chế nên họ không thông thạo công việc, không hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực công tác của mình.

Với đội ngũ công bộc như vậy, giải pháp là gì? Câu trả lời là cần có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ và tăng cường hơn nữa sự tham gia của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa, cảnh báo.

Nhưng như vậy chưa đủ. Một nguyên nhân không thể phủ nhận, mà suy cho cùng cũng là nguyên nhân chủ quan từ chất lượng cán bộ, công chức là bất cập thể chế, mà ngay trong kỳ họp này có thể thấy rõ từ những ách tắc kéo dài năm năm qua từ khi Luật Quy hoạch được ban hành năm 2017.

Chưa vội đánh giá về chủ trương trong Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI nhưng đến thời điểm này, có thể kết luận là công tác thể chế hóa và tổ chức thi hành có rất nhiều hạn chế, yếu kém.

Một ví dụ khác là BLHS 2015 - điển hình về chất lượng thể chế hóa, đến mức chưa kịp có hiệu lực thi hành đầy đủ thì năm 2017 đã phải sửa đổi.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí - từ thực tiễn công tác công tố toàn ngành, là rất nhiều vụ án kinh tế, chức vụ như là kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ông là thành viên - tỏ ra băn khoăn về tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí vốn được tách ra từ tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng của BLHS 1999.

Ở luật cũ, chỉ khi cố ý, gây hậu quả 100 triệu đồng mới bị truy cứu hình sự. Còn theo luật mới, chỉ cần gây hậu quả vật chất 100 triệu đồng, tức chưa nghiêm trọng lắm vì tiền mất giá đi rất nhiều sau 23 năm và lỗi vô ý thôi cũng có thể đi tù.

Khắt khe, nghiêm khắc là tốt nhưng định lượng mới như vậy thật không tương xứng với khối lượng công việc, giá trị tài sản phải quản lý ngày càng lớn trong khi biên chế bộ máy nhà nước liên tục phải tinh giản.

Vậy nên theo ông Trí, chỉ Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là chưa đủ. QH, Chính phủ, các bộ cần sớm rà soát, ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ, công chức yên tâm thực thi nhiệm vụ. Có vậy chủ trương, chính sách của Đảng mới phát huy tác dụng trên thực tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm