Bán lẻ trên mạng xã hội: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

(PLO)- Loại hình kinh doanh thông qua mạng xã hội được nhiều doanh nghiệp đánh giá là dễ triển khai và mang lại hiệu quả tối ưu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) 2023 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), kinh doanh trên mạng xã hội (MXH) đang tiếp tục bùng nổ. Trong năm 2022 có tới 65% doanh nghiệp (DN) đã triển khai hoạt động kinh doanh trên MXH, tăng 8% so với năm 2021.

Tỉ lệ gia tăng này nhờ vào xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertaiment) đang diễn ra trong tâm lý của người tiêu dùng.

Doanh số tăng nhờ tỉ lệ người dùng mạng xã hội

Ông Trần Lâm, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Natural House, cho biết trong năm 2023, doanh số bán hàng trên MXH của các thương hiệu thuộc công ty đang tăng trưởng cao nhất trong kênh phân phối online, vượt qua kênh TMĐT.

Bán hàng qua mạng xã hội được đánh giá là mang lại nhiều hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bán hàng qua mạng xã hội được đánh giá là mang lại nhiều hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Chỉ tính riêng đối với kênh bán hàng TikTok Shop, mỗi tháng doanh thu bán hàng thông qua các phiên livestream và giỏ hàng trực tuyến trên nền tảng này ước đạt 1,5 tỉ đồng/tháng/thương hiệu. Điều này có được là do hành vi mua sắm của người tiêu dùng liên tục thay đổi, theo hướng mua sắm kết hợp giải trí. Với xu hướng này, các nền tảng MXH đã và đang đáp ứng tốt điều trên” - anh Lâm nói.

Một nghiên cứu của TikTok cho biết có tới 97% người dùng quyết định sẽ mua hàng sau khi xem quảng cáo từ các nhãn hàng và 72% người dùng chi 50 USD cho mỗi mùa mua sắm.

Anh Lâm nhìn nhận cùng với các kênh mua bán trên nền tảng TMĐT thì kinh doanh trên MXH đang giúp DN tiếp cận được nhiều khách hàng, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Tương tự, ông Ngô Duy Linh, Giám đốc thương mại của hãng dược phẩm Livespo Pharma, cũng nhìn nhận dù dược phẩm vốn được coi là lĩnh vực nhạy cảm đối với mô hình kinh doanh online, khi chúng liên quan mật thiết tới sức khỏe con người nhưng thực tế kênh bán hàng này lại đang đem lại doanh thu cao cho đơn vị.

“So với mô hình kinh doanh cũ thì việc bán trên các nền tảng MXH thông qua hình thức livestream hoặc các dạng video ngắn quảng cáo trên TikTok Shop đang giúp chúng tôi tăng trưởng doanh thu 300%. Điều này cũng chứng minh một thực tế kinh doanh online không có một giới hạn cho ngành nghề này” - ông Linh thông tin.

Bà Minh Trang, nhà sáng lập Hộp Háo Hức, một mô hình hộp sách và đồ chơi giáo dục cho trẻ, cũng từng thông tin, Hộp Háo Hức bán hàng 100% qua web, trong đó 80% đến từ Facebook, chạy quảng cáo, sử dụng KOLs (những người có sức ảnh hưởng) và các sàn TMĐT. DN này ghi nhận trung bình mỗi tháng bán ra khoảng 7.000 hộp qua các kênh này.

Nền tảng mạng xã hội đón đầu xu hướng

Đánh giá xu hướng kinh doanh online trên MXH, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing tại Haravan, nhìn nhận trong năm 2023-2024, kinh doanh trên MXH, trong đó xu hướng Shoppertainment đang là giải pháp hiệu quả nhất cho các DN tiếp cận nhanh với nhiều nhóm khách hàng tiềm năng.

“Không còn chỉ dùng bởi những bạn trẻ GenZ, mà MXH đang được những thế hệ lớn hơn, có khả năng chi trả dùng ngày càng phổ biến, thậm chí còn dành nhiều thời gian hơn giới trẻ. Chính vì thế DN đa ngành, không chỉ bán lẻ, dịch vụ, đào tạo, hay công nghệ B2B (buôn bán giữa DN với DN) đều có thể thích nghi và vận dụng xu hướng này để tăng trưởng thương hiệu và doanh thu” - ông Tấn đánh giá.

Bà Nhi Nguyễn, Giám đốc kinh doanh khối khách hàng của nền tảng video ngắn TikTok, cũng cho biết với sự phát triển và kết hợp giữa giải trí và mua sắm, chỉ tính riêng trong sáu tháng qua, mức GMV (tổng giá trị hàng hóa) của TikTok Shop tăng gấp 11 lần. Một số ngành hàng đang chiếm tỉ trọng lớn và tập khách hàng chính gồm thời trang - phụ kiện, thực phẩm và đồ uống, chăm sóc sắc đẹp và điện tử.

Theo bà Nhi, hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi. Với cách quảng cáo truyền thống, người tiêu dùng thường không quyết định mua sắm ngay vì lo sợ sự phóng đại.

Tuy nhiên, khi các thương hiệu, nhãn hàng, nhà bán lẻ sử dụng các dịch vụ quảng cáo thông qua video ngắn hoặc các buổi livestream có tính giải trí thì người tiêu dùng sẽ được tiếp cận nhãn hàng một cách tự nhiên, nguyên bản và có sự tin tưởng.

Cần tìm kênh bán hàng phù hợp

Ở góc độ kinh doanh, ông Ngô Duy Linh nhìn nhận thực tế, không chỉ ở MXH mà các sàn TMĐT cũng đã nhanh chóng triển khai mô hình Shoppertainment. Tuy nhiên, lý do khiến cho MXH đang trở thành kênh bán hàng “hot” là do người tiêu dùng đang có tâm lý tiết giảm mua sắm, họ hạn chế vào các ứng dụng mua sắm TMĐT bởi sợ “lỡ đà” mua sắm không kiểm soát.

Chính vì thế, DN phải liên tục tìm kiếm kênh bán hàng và tận dụng cơ hội từ video ngắn để quảng cáo sản phẩm một cách trực quan, không phóng đại và khi khách hàng thích thú, họ sẽ ấn mua sản phẩm thông qua các link được gắn trên video. Đây là một trải nghiệm vòng tròn khép kín.

Anh Trần Lâm cũng cho rằng dù kênh bán hàng qua MXH đang hot trở lại nhưng các DN cần tính toán tới chi phí để chạy quảng cáo, hay chi phí cho một buổi livestream, thuê người nổi tiếng…

Khi kinh doanh trên sàn TMĐT, chi phí chi trả cho sàn thấp nhưng chi phí để triển khai bán hàng thì lại cao, còn khi bán trên MXH thì chi phí chạy quảng cáo, thuê KOLs cũng cao không kém.

“Chính vì thế, các DN cần cân đối chi tiêu và nhắm vào mục đích của sản phẩm để tìm kiếm kênh bán hàng phù hợp” - ông Lâm nói.

Đánh giá về tiềm năng bán hàng trên MXH, Tập đoàn Tư vấn Bostan (BCGH) dự đoán xu hướng Shoppertainment có thể mở ra cơ hội trị giá 1.000 tỉ USD cho các thương hiệu ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tiềm năng nhưng nhiều rủi ro

Theo đánh giá của VECOM, việc mua bán trên MXH tuy nhiều tiềm năng nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro dễ dẫn tới tranh chấp. Bởi vấn đề này còn liên quan tới nhiều bên, bao gồm nhà cung cấp sản phẩm; nền tảng hỗ trợ; người bán, người mua; các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát, thanh toán...

Khi người mua chưa hài lòng với sản phẩm đã mua từ người bán và muốn đổi trả, việc xử lý hợp đồng được giao kết online giữa hai bên sẽ liên quan tới nhiều bên khác, nhất là hiện nay hầu hết quá trình mua bán cộng đồng đều diễn ra ở MXH nước ngoài.

Rõ ràng, về phương diện cá nhân, hoạt động kinh doanh của người bán quá phụ thuộc vào các MXH nước ngoài luôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro này còn lớn hơn nữa nếu xét trên phương diện quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm