Bàn phương án làm đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

“Qua cuộc họp này, TP thống nhất để có hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sơ bộ. Trên cơ sở đó có ý kiến với Bộ GTVT để làm sao trước tháng 10-2020 bộ có ý kiến đưa vào đầu tư trong giai đoạn 2021-2025”.

Đó là phát biểu của ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Công ty Cửu Long), tại cuộc họp bàn về hướng tuyến dự án xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau diễn ra chiều 16-6 tại TP Cần Thơ.

Đề nghị tách riêng hai dự án

Ông Diệp Bảo Tuấn thông tin thêm tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có điểm đầu là TP Cần Thơ, điểm cuối là tỉnh Cà Mau.

Tuy nhiên, dự án cầu Cần Thơ 2 không thuộc dự án cao tốc này nên đề nghị TP Cần Thơ cùng Công ty Cửu Long có ý kiến thống nhất với Bộ GTVT về việc này.

Theo ông Tuấn, Cần Thơ 2 là dự án riêng và cao tốc là dự án riêng. Tuy nhiên, cả hai có mối quan hệ với nhau (vì nối chung với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ).

Cũng theo ông Tuấn, vấn đề thứ hai là gắn với quy hoạch địa phương, vị trí cầu Cần Thơ 2 đã tương đối rõ. Còn hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến đi theo trục 1-A, từ Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú, đi vào khu tái định cư Nam Cần Thơ, đi song song với tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, đã có quy hoạch 47 ha. Nay có thêm tuyến cao tốc này đi vào nữa thì có thể diện tích sẽ không đủ.

“Qua cuộc họp này, TP thống nhất để có hướng tuyến sơ bộ. Trên cơ sở đó có ý kiến với Bộ GTVT để làm sao trước tháng 10-2020 bộ có ý kiến đưa vào đầu tư trong giai đoạn 2021-2025” - ông Tuấn nói.

Tuyến cao tốc duy nhất ở khu vực ĐBSCL mới chỉ có TP.HCM - Trung Lương (Tiền Giang) nhưng cũng rất ngắn và  đã xuống cấp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ảnh hưởng một khu công nghiệp và một khu tái định cư

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau và dự án cầu Cần Thơ 2 rất quan trọng với TP.

Trong đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ sẽ là dự án quan trọng, làm thay đổi cả bộ mặt đô thị của quận Cái Răng.

Ông Nam cho biết thêm, do tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau lúc trước chưa biết khi nào có tiền làm nên việc lập quy hoạch chưa rõ. Tuy nhiên, dù làm như thế nào thì cũng phải cho cao tốc đấu nối được vào cầu Cần Thơ 2.

Theo đó, ông Nam cho rằng các sở, ngành sẽ cùng TP tính toán hướng tuyến cao tốc để làm sao tiết kiệm đất nhất, giao thông tiện lợi nhất, vì hiện nay hàng loạt dự án ở Cần Thơ thiếu đất.

Tại cuộc họp, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất - KCN tại TP Cần Thơ cho biết theo hướng tuyến dự kiến của cao tốc này sẽ ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp khu 1-A (KCN Hưng Phú). Sắp tới, đơn vị này sẽ tham mưu UBND TP điều chỉnh KCN này lại.

Có ý kiến cho rằng khu đô thị Nam Cần Thơ đã bố trí hết cho người dân rồi, giờ giải phóng mặt bằng nữa cũng khó cho người dân. Đặc biệt, trong đó có dự án tái định cư của TP nằm ở đây đã bố trí gần 300 nền nhà cho người dân, có 12 nhà đã xây xong.

Góp ý, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ Mai Như Toàn cho hay về mặt chủ trương, giao thông là huyết mạch nên phải ưu tiên. Do đó, quy hoạch của TP ở khu vực này nên điều chỉnh lại.

Đơn vị tư vấn đề nghị chọn phương án 2

Theo phê duyệt của Thủ tướng, tổng quan dự án trải dài qua sáu tỉnh, thành gồm TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến 2030. Chiều dài toàn tuyến dự kiến 150 km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đề nghị lựa chọn hướng tuyến theo phương án khác (phương án 2) vì phù hợp quy hoạch và có mức đầu tư thấp nhất. Phương án này có chiều dài toàn tuyến khoảng 130 km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 46.000 tỉ đồng.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đề nghị Sở GTVT tổng hợp các ý kiến góp ý tại cuộc họp đầu kỳ này báo cáo lại Thường trực UBND TP. Sau đó, TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy thông qua hướng tuyến cao tốc ở địa phận Cần Thơ vì có thể phải điều chỉnh KCN ở đây.

“Đây mới là báo cáo đầu kỳ, còn phải đi rà soát và chỉnh sửa nhiều lần mới hoàn chỉnh hướng tuyến” - ông Nam nói. 

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu kỳ, hướng tuyến dự kiến điểm đầu kết nối với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long). Tuyến đi qua cầu Cần Thơ 2 sau đó đi song song bên trái quốc lộ 1.

Đến thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), tuyến rẽ phải, đi song song với đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, qua địa phận các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, về đến điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau (tại nút giao với đường vành đai 3 theo quy hoạch).

Trong đó, hướng tuyến tại Cần Thơ được xác định từ chân cầu Cần Thơ 2 dự kiến (cách cầu Cần Thơ hiện hữu khoảng 4,5 km về bên trái), tuyến đi trên cao song song bên trái đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ (theo quy hoạch), theo hướng tuyến các trục đường 1-A (KCN Hưng Phú) và 3-C (khu đô thị Nam Cần Thơ) đến vị trí ga Cái Răng rẽ trái về hướng Hậu Giang.

Nhiều lần kiến nghị sớm làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng về việc sớm làm tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

ĐBSCL có 13 tỉnh với hơn 17 triệu dân, là khu vực có tiềm năng kinh tế rất lớn, đặc biệt là về nông nghiệp, thủy sản.

Trong khi đó, các tuyến giao thông ở ĐBSCL hiện chưa thật thuận tiện. Cao tốc duy nhất ở khu vực mới chỉ có một tuyến là TP.HCM - Trung Lương (Tiền Giang) nhưng cũng rất ngắn và đã xuống cấp.

Do đó, việc đầu tư tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cà Mau để kết nối các tỉnh trong khu vực rất quan trọng. Cao tốc này sẽ là trục xương sống Bắc - Nam để phát huy lợi thế và đầu tư của khu vực ĐBSCL.

Nếu có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, khu vực ĐBSCL sẽ có lợi thế thứ nhất là phát triển kinh tế - xã hội rất nhanh, thứ hai là giúp thu hút các nhà đầu tư về đầu tư phát triển các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Đây là yêu cầu hết sức bức thiết vì giao thông khó khăn, trở ngại thì cũng chẳng có nhà đầu tư nào muốn đầu tư, đặc biệt là vùng phía bán đảo Cà Mau xa xôi, hẻo lánh.

GIA TUỆ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm