Bán rơm rạ thu lãi cao

Tháng 4, trên khắp đồng quê ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ vào mùa thu hoạch lúa rộn ràng. Vừa trúng mùa lúa vừa bán rơm rạ được giá, nhiều hộ nông dân có thu nhập khá hơn nhiều so với năm trước.

18-4-Anh-1-Ban-rom-ra.jpg

Nông dân chất chồng rơm rạven quốc lộ 1A nối dài từ xã Đức Lân, huyện Mộ Đức đến xã Phổ Văn, huyện Đức Phổchờ bán.Ảnh:Trí Tín.

Trao đổi với VnExpress.net sáng 20/4, ông Hà Tấn Hồng, Chủ tịch UBND xã Đức Lân, huyện Mộ Đức nhẩm tính, vụ mùa này toàn xã có hơn 1.200 hộ trồng khoảng 730 ha lúa. Trung bình mỗi hộ trồng 4 sào ruộng thu hoạch khoảng 800 kg lúa, ngoài ra còn thêm thu nhập 1,2 triệu đồng tiền bán rơm. 

Ít nhất có 700 hộ dân ở địa phương đã bán rơm rạ sau thu hoạch khoán tại ruộng cho các cơ sở kinh doanh với giá 300.000 đồng mỗi sào.  "Dọc theo quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã có 10 hộ kinh doanh buôn bán rơm rạ, từ đầu vụ thu hoạch lúa đến nay một số cơ sở kinh doanh đã thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nghề này", ông Hồng nói. 

Dọc theo quốc lộ 1A trải dài hơn 5km từ xã Đức Lân (huyện Mộ Đức) đến xã Phổ Văn (huyện Đức Phổ) có hàng chục hộ dân kinh doanh buôn bán rơm rạ. Một số hộ còn in bảng hiệu có tên tuổi, địa chỉ và kèm theo số điện thoại di động cho thương lái có nhu cầu mua mặt hàng này tiện liên lạc. 

18-4-Anh-2-Ban-rom-ra.jpg

Thương lái chở rạ ngược xuôi trên quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Đức Phổ.Ảnh:Trí Tín.

Lão nông Nguyễn Nhành ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ bộc bạch, những vụ mùa trước, rơm rạ hầu như ít được quan tâm nhiều vì không ai hỏi mua.

Thông thường, sau khi thu hoạch, họ đưa rơm rạ từ đồng về nhà cho gia súc ăn và rải làm phân chuồng, phần lớn còn lại là đốt cháy để diệt sâu bọ trên đồng. Điều ngạc nhiên là mùa lúa năm nay giá rơm rạ tăng vọt gần bằng với giá lúa, thậm chí bán rơm còn "khỏe", nhanh hơn nhiều. 

"Nguyên nhân khiến giá rơm rạ tăng đột biến là do thương lái mua về để lót trên xe tải chở nông sản xuất đi Trung Quốc hay cung cấp cho những địa phương trồng nấm rơm. Một số đồng lúa ở các địa phương khác bị trận lũ vượt đỉnh lịch sử cuối năm 2013 tàn phá càng đẩy giá rơm rạ tăng cao", bà Lan, một cơ sở thu mua ở huyện Đức Phổ giải thích. 

18-4-Anh-3-Ban-rom-ra.jpg

Nhiều hộ gia đình in cả biển hiệu kèm theo số điện thoại treo bên quốc lộ 1Agiới thiệu chào bán sản phẩm rơm rạ.Ảnh:Trí Tín.

Bà Trần Thị Hà ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức thổ lộ, hiện nay làm nông nghiệp muốn đạt năng suất cao phải chi phí lớn tiền giống, thuốc trừ sâu, phân bón. Nếu trồng lúa thu thóc thì chỉ đủ ăn, giờ đây rơm rạ bán được giá cao nên đỡ đần nhiều cho người dân.  

Nhu cầu mua rơm rạ của thương lái tăng cao, bà Bùi Thị Nguyệt ở thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng thu mua khoảng 400 sào rơm rạ của bà con nông dân, thuê xe tải chở về nhà chia thành từng bó và mua bạt về bảo quản cẩn thận chờ bán.

"Theo giá thị trường hiện nay mỗi lọn rơm (10 kg) bán cho thương lái với giá dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng thì trừ chi phí ít nhất cơ sở kinh doanh của tôi cũng thu lãi về khoảng 100 triệu đồng", bà Nguyệt tiết lộ.

Nhiều thương lái chia sẻ, hiện nay nhu cầu tiêu thụ rơm rạ rất lớn nên họ đang tập trung nguồn vốn tiếp tục về các miền quê thu mua mặt hàng này của bà con nông dân tại ruộng bán lại cho các đầu mối ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. 

Theo Trí Tín (PLO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm