"Tệ hại hơn, khi DN thua lỗ phải bán đấu giá tài sản, máy móc, thiết bị thì đây lại là cơ hội làm ăn béo bở cho một số người mà người ta dùng hình ảnh là “kền kền ăn xác chết”" - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cảm khái khi phát biểu về báo cáo giám sát quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016…
ĐB Cường chỉ rõ có ba dạng làm thất thoát tài sản nhà nước.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội).
Thứ nhất là kinh doanh lỗ, làm thất thoát vốn DN. Theo ông Cường, nguyên nhân dẫn đến điều này do trình độ quản lý DN yếu kém dẫn đến kinh doanh hiệu quả; do động cơ cá nhân nên những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm chỉ để thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại được hưởng lợi từ đấy.
Đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả nhưng lại được chia phần từ lĩnh vực đầu tư này hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để được hưởng lợi ích phần trăm từ đó. “Đó là những hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ DNNN” - ông Cường nói.
Nguyên nhân khác theo ông Cường là do việc xử lý không nghiêm minh. Dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém để DN lỗ, có chăng chỉ vì có sai phạm.
Cũng không có DN nào báo cáo đầy đủ lúc nào lỗ, lúc nào lãi. Thậm chí có DN khi cần báo cáo để thăng chức, để tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì lập tức có báo cáo lãi nhưng khi báo cáo cơ quan tài chính thì lại báo cáo lỗ.
Ông Cường nói: “Người ta nói báo cáo tài chính của các DN giống như ông thần có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi. DN lỗ nhưng các lãnh đạo quản lý DN vẫn được hưởng mức lương cao, vì cơ chế trả lương cho DN là khi DN làm ăn có lãi chỉ được xác định mức lương theo mức lãi nhưng khi lỗ thì không được tăng lương nhưng cũng không bị giảm mức lương này xuống”.
Ông Cường chỉ rõ vấn đề này “ai cũng biết” nhưng không được phát hiện mặc dù có cả một bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm soát DN.
“Rõ ràng ở đây về chính sách, pháp luật chúng ta cũng phải xem xét lỗ hổng trong việc quy định trách nhiệm của những cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của DN” - ông Cường nhấn mạnh.
Dạng thất thoát tài sản nhà nước khác theo ông Cường là do mua bán, tài sản hàng hóa dịch vụ theo công thức mua giá cao, bán giá thấp hơn tư nhân. Ông nêu nghịch lý mặc dù đã có cơ chế là có tổ chức định giá độc lập, có tổ chức đấu giá độc lập nhưng vẫn xảy ra tình trạng mua đắt bán rẻ.
“Ngay trong báo cáo giám sát chỉ ra kết luận, thực ra việc định giá, đấu thầu chẳng qua chỉ là hình thức. Nếu có khảo sát kỹ, sẽ tìm ra điều kỳ lạ là giá định giá của cơ quan tư vấn thường rất sát với giá mang ra đấu giá tài sản… Sự việc trên xảy ra nhưng trên thực tế những tổ chức làm trách nhiệm định giá, đấu giá khi lập các dự án sai, định giá sai, thẩm định giá sai, đấu thầu xảy ra tình trạng như trên thì chưa có tổ chức nào bị xử lý. Tệ hại hơn, khi DN thua lỗ phải bán đấu giá tài sản, máy móc, thiết bị thì đây lại là cơ hội làm ăn béo bở cho một số người mà người ta dùng hình ảnh là “kền kền ăn xác chết”" - ông Cường nói.
Dạng thất thoát tài sản nhà nước thứ ba theo ông Cường là thất thoát về đất đai, nhất là quá trình chuyển đất công thành đất tư đã không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa cũng không thực hiện đúng theo quy định của Luật Đất đai.
“Nguyên nhân cơ bản là chính sách đất đai đang đi ngược lại nguyên lý cơ bản về kinh tế đất trong cơ chế thị trường. Chúng ta đã không thành công, chưa muốn nói là thất bại trong quản lý kinh tế về đất đai nên đã xảy ra tình trạng rất hỗn loạn nêu trên" - ông nhận định.
Ông nêu ngay trong dự thảo Luật đặc khu kinh tế đặc biệt vẫn đề xuất chính sách miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất 10-30 năm. "Đây chính là chính sách đang đi ngược lại quy luật cung cầu về đất đai, có thể sẽ không thu hút tốt các nhà đầu tư mà còn làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh ở các đặc khu” - ông Cường nêu.