Bàn thêm về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

(PLO)- Hình ảnh và lời nói của cá nhân được pháp luật bảo vệ; song việc đảm bảo tiếp cận thông tin để xã hội giám sát và phản biện cũng góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp đình, hoạt động tố tụng được diễn ra hiệu quả, thông suốt là điều quan trọng. Cùng với đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, lời nói là quyền được pháp luật bảo vệ. Song việc đảm bảo tiếp cận thông tin để xã hội giám sát và phản biện cũng góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu thêm các ý kiến góp ý cho việc hoàn thiện quy định về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.

van-thinh-phat.jpg
Báo chí tác nghiệp tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Ảnh: HOÀNG GIANG

Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Quy định pháp luật về ghi âm ghi hình tại phiên tòa

Về tác nghiệp báo chí tại phiên tòa, tại điểm d khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.

Trong các phiên tòa dân sự và phiên tòa hành chính, căn cứ vào khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng Hành chính 2015, Nội quy phiên tòa thì "Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, những người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.

Theo quy định trên thì khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa thì nhà báo chỉ được ghi âm, ghi hình HĐXX.

Trường hợp muốn ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng thì phải có sự đồng ý của những người này.

Tại các phiên tòa hình sự, căn cứ khoản 2 Điều 256 BLHS 2015, "mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa".

Về chế tài, tại điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định hành vi vi phạm Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự” thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 7-15 triệu đồng.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu phương tiện ghi âm, ghi hình” và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “buộc nộp lại tư liệu, tài liệu ghi âm, ghi hình, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi (nếu có)”.

Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính sẽ gấp đôi.

Việc ghi âm ghi hình tại phiên tòa được quy định khắt khe như vậy nhằm bảo quyền quyền con người, quyền riêng tư của người tham gia tố tụng, nhất là đối với những vụ án hình sự có tính chất phức tạp, nhạy cảm, có đối tượng dưới 16 tuổi…

Hơn thế nữa, nếu người ghi âm, ghi hình với mục đích bất hợp pháp như trục lợi, cắt ghép nội dung phát tán lên mạng với mục đích chống đối chính quyền,… có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng không những đối với người tham gia tố tụng mà còn ảnh hưởng đến cơ quan xét xử và Nhà nước.

Luật sư HÀ VĂN CHẢY, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Bảo vệ quyền cá nhân lẫn lợi ích cộng đồng

“Việc ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp” là một nội dung không mới nhưng được dự kiến điển pháp hóa tại khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Việc tiếp cận và bảo vệ quyền về lời nói, hình ảnh của người tham gia tố tụng cần được đặt trong mối tương quan với lợi ích chung của cộng đồng, của Cơ quan, người tiến hành tố tụng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Tôn trọng và bảo vệ quyền về lời nói, hình ảnh của người tham gia tố tụng nhưng không được xâm phạm nguyên tắc TAND xét xử công khai được quy định tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”.

Tuy nhiên, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 38 BLDS và quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình cũng được pháp luật bảo vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 32 BLDS 2015.

Do vậy, việc ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa (dân sự, hành chính) của bất kỳ đối tượng nào: nhà báo, người tham gia tố tụng khác đối với diễn biến phiên tòa, với hình ảnh, giọng nói, phần hỏi, phần trả lời, phần tuyên án của những người tiến hành tố tụng và của những người tham gia tố tụng đều phải tuân thủ theo quy định của khoản 4 Điều 234 BLTTDS 2015; khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng Hành chính và khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15.

Cách thức thực hiện việc ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa (dân sự, hành chính) hiện nay cũng không có một quy định pháp luật nào cụ thể. Do đó, các đối tượng là: nhà báo, người tham gia tố tụng khi đã được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và người tham gia tố tụng khác thì tùy thuộc vào vai trò, chức năng và các thiết bị ghi âm, ghi hình mà họ tự trang bị để thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, theo tôi: các thiết bị ghi âm, ghi hình khi mang vào phiên tòa để tác nghiệp thì cần phải được khai báo với thư ký phiên tòa (trong phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính) và phải khai báo với lãnh đạo Bộ phận Cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại phiên tòa (trong phiên tòa xét xử các vụ án hình sự) nhằm đảm bảo cho việc thực hiện quyền ghi âm, ghi hình tại phiên tòa được đầy đủ, việc điều hành phiên tòa của chủ tọa đạt được hiệu quả đúng quy định của pháp luật tố tụng.

Luật sư NGUYỄN MINH TƯỜNG, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Giới hạn thời gian quay, chụp để bảo đảm tôn nghiêm pháp đình

Trường hợp chủ toạ phiên toà cho phép và được sự đồng ý của những người tham gia tố tụng trong vụ án thì các nhà báo có thể tác nghiệp trong phần thủ tục phiên toà.

Chủ toạ phiên toà giới hạn thời gian 5-10 phút để cho nhà báo ghi hình, nhằm đảm bảo tôn nghiêm pháp đình, hoạt động xét xử được diễn ra suôn sẻ. Đối với người tham gia tố tụng nếu có nhu cầu về việc quay phim, chụp hình thì 15 phút trước khi phiên tòa bắt đầu, có thể nêu đề nghị này với thư ký để thư ký báo lại thẩm phán chủ tọa.

Tuy nhiên, thực tế những người tham gia tố tụng rất bị hạn chế đối với yêu cầu này; thường thì yêu cầu này của người tham gia tố tụng không được chủ toạ phiên toà cho phép.

Trường hợp người tham gia tố tụng nào cho cho phép người khác trong phiên tòa quay phim, chụp hình mình thì người quay phim, chụp hình chỉ được thực hiện việc đó đối với người đồng ý.

Khó xác định mục đích ghi âm ghi hình

Trước khi bắt đầu phiên toà, thư ký sẽ thông báo sự có mặt của các đương, sự, người tham gia tố tụng. Tại phần thủ tục, thẩm phán chủ toạ phiên toà sẽ phổ biến quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng; thông báo việc có các cơ quan báo chí nào tác nghiệp tại phiên tòa.

Thông thường tại các phiên toà thì chỉ có nhà báo là đối tượng có nhu cầu quay phim, chụp hình nhiều nhất để phục vụ cho tác nghiệp. Do vậy, tại phần thủ tục, chủ toạ phiên toà sẽ quyết định việc ghi âm ghi hình của các nhà báo đối với người tiến hành tố tụng (HĐXX, kiểm sát viên).

Việc ghi âm, ghi hình đối với người tham gia tố tụng cũng sẽ được giải quyết ngay trong phần thủ tục. Theo đó, chủ toạ phiên toà sẽ hỏi ý kiến những người tham gia tố tụng về việc báo chí/hoặc người tham gia tố tụng có đề nghị ghi âm ghi hình. Khi đó, ai muốn bảo vệ tuyệt đối hình ảnh cá nhân của mình, không đồng ý cho ghi âm ghi hình thì những người khác phải tôn trọng ý chí của họ.

Nếu người tham gia tố tụng muốn ghi âm ghi hình tại phiên toà thì cũng phải xin phép và được sự đồng ý chủ toạ phiên toà. Tuy nhiên đối với nhóm đối tượng này thì rất khó để xác định việc ghi âm, ghi hình được sử dụng vào mục đích gì (khác với nhà báo sử dụng cho mục đích báo chí) nên thường sẽ bị hạn chế.

Một thẩm phán tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm