Hơn 10 năm trước, trong một lần đi phổ biến pháp luật tại địa phương, tôi có nhận được một chia sẻ nhói lòng. Người đàn ông trung niên với gương mặt khắc khổ, in hằn nỗi cơ cực ngày xưa khi vô ý làm chết người và ông bị tuyên phạt tù giam. Do cải tạo tốt, ông được sớm trở về với gia đình. Lúc này, niềm vui đoàn tụ chưa được bao nhiêu thì ông phải đối mặt với nhiều rắc rối phát sinh.
Khi đi chấp hành án, ông bị cắt hộ khẩu. Khi chấp hành án xong, trở về địa phương nhập lại hộ khẩu, hai chữ “đi tù” vẫn còn nguyên trong sổ. Khi đi vay vốn làm ăn, xin việc làm thì hai chữ “đi tù” ấy luôn tạo ra định kiến. Thậm chí trên không gian mạng lúc đó vẫn còn các bài viết về hình ảnh của ông khi bị kết án.
Theo Điều 234 BLTTDS và Điều 153 Luật Tố tụng hành chính thì việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng phải được sự đồng ý của họ. BLTTHS không có quy định này. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 256 BLTTHS lại có quy định “mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”. Do đó, việc ghi âm, ghi hình sẽ không thể được thực hiện nếu không có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.
Đối với vấn đề ghi âm, ghi hình bị cáo thì pháp luật hiện hành không có quy định phải xin phép họ. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì một bị cáo được đưa ra xét xử không đồng nghĩa với việc xem người ấy như là đã có tội. Chính vì vậy, quy định về việc “ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp” tại khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là một quy định khá tiến bộ vì đặt trong mối quan hệ giữa quyền riêng tư với lợi ích của cộng đồng.
Trên thế giới, quyền được lãng quên trên không gian mạng được nhiều quốc gia thừa nhận là một quyền quan trọng của cá nhân. Quyền này được hiểu là quyền bảo đảm những thông tin riêng tư về cá nhân sẽ bị xóa khỏi các kết quả tìm kiếm trên Internet và các nền tảng lưu trữ khác trong một số trường hợp nhất định, tại một thời điểm nhất định nhằm không cho phép bên thứ ba truy cập thông tin.
Lập luận cơ bản để xuất hiện quyền được lãng quên là thông tin có thể mất tầm quan trọng theo thời gian và do đó việc truy cập vào thông tin đó nên bị hạn chế. Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, theo nguyên tắc xóa án tích, sau một thời gian nhất định, người bị kết án hình sự sẽ được xem là không vi phạm hình sự.
Điều này có nghĩa là những dấu chỉ liên quan đến hành vi phạm tội, hình ảnh, âm thanh tại phiên tòa của bị cáo qua một khoảng thời gian nhất định sẽ được xóa khỏi không gian mạng. Đối với những sai lầm trong quá khứ, người phạm tội đã phải trả giá bằng việc cải tạo, chấp hành án phạt. Do đó, khi họ hòa nhập cộng đồng thì xã hội hãy lãng quên và hướng đến những điều tích cực hơn.
Tại một số quốc gia và Việt Nam, một số trường hợp người chấp hành án xong, trở về gia đình đã liên hệ báo chí để gỡ bỏ những hình ảnh trước đó. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan báo chí đã đồng ý với yêu cầu của họ. Giả sử bị báo chí từ chối, họ có quyền khởi kiện.
Tại Mỹ, có câu chuyện về bà Lorraine Martin bị bắt cùng với hai con trai vì các cáo buộc liên quanđến ma túy. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền đã không truy tố bà Martin và xóa hồ sơ bắt giữ theo quy chế xóa hồ sơ hình sự của tiểu bang (Criminal records erasure statute). Thế nhưng, các bài báo về vụ bắt giữ bà Martin vẫn xuất hiện trên không gian mạng. Vì vụ bắt giữ đã được xóa bỏ, bà Martin yêu cầu các phương tiện truyền thông gỡ các bài báo liên quan. Tuy nhiên, Tập đoàn truyền thông Hearst Corporation đã từ chối yêu cầu này. Do đó, bà Martin đã kiện tập đoàn này với tội danh bôi nhọ danh dự.
Hoạt động nghiệp vụ báo chí của nhà báo không thể thoát ly khỏi hoạt động ghi âm, ghi hình, kể cả tại phiên tòa, phiên họp của tòa án nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình vẫn cần đặt trong mối tương quan với việc bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân. Việc mô tả, tường thuật diễn biến phiên tòa cũng như phán quyết của tòa án vẫn có thể được thực hiện một cách công khai trên nền tảng tuân thủ các quy định về ghi âm, ghi hình có điều kiện. Ở góc độ tích cực, những phiên tòa mà HĐXX công tâm, khách quan, tìm ra được sự thật của vụ án, xử đúng người, đúng tội, không gây oan sai... thì việc ghi âm, ghi hình có giá trị lan tỏa rất cao.
Ngoài ra, TAND Tối cao cần quy định thủ tục cụ thể trong việc lấy ý kiến của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị cáo. Chẳng hạn, muốn ghi âm, ghi hình thì phải đăng ký trước với thư ký; nếu người nào không đồng ý việc ghi âm, ghi hình thì chủ tọa không cho phép ghi âm, ghi hình đối với người đó. Thiết nghĩ, khi có các quy phạm thủ tục rõ ràng thì hoạt động ghi âm, ghi hình tại tòa án sẽ đi vào quy củ, vừa bảo đảm giữ trật tự, sự tôn nghiêm của phiên tòa, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân của những người tham gia tố tụng.