Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về thời điểm xác định thiệt hại ra sao?

(PLO)- Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có hướng dẫn về xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra tại Nghị quyết 03/2022.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, QH khóa XV.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho biết bà nhận được nhiều đơn của cử tri về hai vụ án liên quan đến đất đai xảy ra TP Đà Nẵng trong các năm 2010, 2011. Và qua nghiên cứu bản án thấy “có những điểm khó hiểu" về việc xác định thiệt hại của vụ án.

db-nguyen-thi-kim-thuy-vu-nhom-44-2791.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng). Ảnh: QH

Hội đồng thẩm phán hướng dẫn ra sao?

Nữ đại biểu TP Đà Nẵng dẫn hai vụ án đều do TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm và TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm (vụ án Vũ “Nhôm” và vụ Trần Văn Minh), đều liên quan tới ba tài sản nhà nước tại TP Đà Nẵng. Một vụ trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, một vụ xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Một trong hai vụ, Viện trưởng VKSND Tối cao sau đó đã kháng nghị sửa bản án theo hướng xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án. Tuy nhiên, Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao đã bác đơn kháng nghị và cho rằng việc xác định thiệt hại trong vụ án, khoa học pháp lý và pháp luật hình sự đều quy định việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Trước vấn đề đại biểu nêu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay HĐTP TAND Tối cao đã có một nghị quyết hướng dẫn tất cả vụ án sẽ phải xử xác định hậu quả ở thời điểm hành vi phạm tội xảy ra chứ không phải thời điểm phát hiện.

“Vì có thể nhiều năm sau chúng ta mới phát hiện, không thể lấy nhiều năm sau đó để xác định hậu quả. Những vụ xảy ra trước khi có nghị quyết của HĐTP, trái với nghị quyết của HĐTP, không đúng sẽ phải xem xét lại” - ông Bình giải thích.•

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: QH

Theo tìm hiểu của PV, tại Điều 10 Nghị quyết 03/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra như sau:

Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn.

Thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

(i) Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

(ii) Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

(iii) Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại mục (i), (ii) nêu trên thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Nhiều lần tòa, viện trái quan điểm

Việc xác định hậu quả thiệt hại trong vụ án hình sự vốn gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay, vì đây là cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự và cả dân sự của bị cáo. Do đó, không chỉ trong hai vụ án trên mà còn nhiều vụ khác có quan điểm khác nhau của cơ quan tố tụng.

Năm 2021, khi xét xử vụ cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm sai phạm trong việc giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định việc xác định thiệt hại của cấp sơ thẩm là đúng, tức cần xác định thiệt hại thực tế là số tiền nhà nước thất thu tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Kháng nghị của VKS về việc phải tính thiệt hại là giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm khởi tố vụ án đã không được chấp nhận.

Hay như trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Xét xử cuối năm 2021, cấp sơ thẩm xác định thiệt hại tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án và hoàn tất cập nhật sang tên trên giấy là hơn 348 tỉ đồng. Tòa sơ thẩm cũng cho rằng VKS buộc thiệt hại tại thời điểm khởi tố 672 tỉ đồng là chưa phù hợp với pháp luật.

Không đồng tình, VKSND TP.HCM sau đó đã ban hành quyết định kháng nghị và cho rằng bản án sơ thẩm lấy ngày 22-7-2017 (thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng) là không đúng với Điều 10 Nghị quyết 03 của HĐTP TAND Tối cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm