Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Mong muốn có thực của người tham gia tố tụng

(PLO)- Việc có chấp nhận cho ghi âm, ghi hình hay không thường phụ thuộc vào ý chí chủ quan của thẩm phán cũng như của một số người tham gia tố tụng khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại các phiên tòa, có những người tham gia tố tụng (bị cáo, bị hại, đương sự, luật sư…) có nhu cầu về việc ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa.

Theo ghi nhận của PV, việc có chấp nhận cho họ ghi âm, ghi hình hay không thường phụ thuộc vào ý chí chủ quan của thẩm phán và phụ thuộc một số người tham gia tố tụng có muốn bảo vệ tuyệt đối quyền nhân thân của họ hay không.

Tránh “án tuyên một đằng, án văn một nẻo”

Ngày 24-1, TAND TP.HCM mở phiên họp phúc thẩm về việc yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của hội đồng thành viên giữa ông NQĐ và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm ông LHK và Công ty TNHH BT HU.

ghi âm ghi hình tại tòa
Việc chấp nhận cho ghi âm, ghi hình hay không thường phụ thuộc vào ý chí chủ quan của thẩm phán cũng như của một số người tham gia tố tụng khác. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đó, ông Đ và ông K đã có đơn đề nghị được ghi âm, ghi hình nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong quá trình xét xử và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cả hai ông; trường hợp tòa án không cho phép ghi hình thì đề nghị tòa cho phép ghi âm.

Theo hai ông, phiên họp sơ thẩm đã có những hành vi không đảm bảo công bằng; không ghi nhận đầy đủ và chính xác các bản khai, ghi nhận phần hỏi đáp không đúng với thực tế đã diễn ra…

Tại phiên họp, hội đồng xét đơn giải thích việc ghi âm, ghi hình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền nhân thân của những người tham dự phiên họp, trong đó có đại diện VKS và hình ảnh các thành viên trong hội đồng xét đơn…

Về giải pháp để đảm bảo rằng những hình ảnh, đoạn ghi âm này sẽ không bị phát tán và không làm ảnh hưởng đến những người liên quan, hai ông cho biết có thể viết cam kết và sẽ nhận trách nhiệm nếu những thông tin, hình ảnh này bị tiết lộ.

Một trường hợp khác, năm 2023, gia đình bà LTH (ngụ xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) kiện ra TAND huyện Cư Kuin đòi lại nhà đất cho ở nhờ. Gia đình bà H đã tố cáo thẩm phán (và thư ký) tự ý sửa bản án với chứng cứ là đoạn ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa chứng minh rằng “bản án mà thẩm phán đọc tại phiên tòa không có nội dung buộc gia đình bà trả 200 triệu đồng.

“Tôi biết việc ghi âm khi chưa được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa có thể bị phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu không ghi âm thì làm sao có bằng chứng để tố cáo” - bà H nói.

Để đúng sai rõ ràng

Ngày 22-1, tại phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của ông Trần Hùng (cựu cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cùng đơn xin giảm nhẹ của 17 bị cáo khác trong vụ án 3 triệu cuốn sách lậu, TAND Cấp cao tại Hà Nội thông báo yêu cầu những người có mặt tại phiên tòa, các PV tác nghiệp phải thực hiện đúng nội quy phiên tòa, không được ghi âm, ghi hình khi HĐXX chưa cho phép. HĐXX cũng viện dẫn Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và nhấn mạnh nếu không thực hiện đúng, các PV sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Đối với việc chụp ảnh bị cáo, PV chỉ được thực hiện khi các bị cáo đồng ý.

Ngay sau đó, PV đã đề nghị HĐXX làm rõ các bị cáo có đồng ý cho PV ghi hình, chụp ảnh hay không. Ông Trần Hùng trả lời: “Tôi đồng ý, tôi rất mong báo chí ghi âm, ghi hình làm rõ việc tôi bị oan”.

Trước đó, ngày 26-9-2023, tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai vụ “mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc”, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Quyện có đề nghị cho ông cũng như báo chí tác nghiệp tại phiên tòa được ghi âm, ghi hình. Ông mong muốn công luận biết được kết quả xét xử vụ án, biết gia đình đã gian nan thế nào để đòi lại căn nhà từ người mua nhà không ngay thẳng.

“Công luận phải được biết ai đúng, ai sai, biết các cấp tòa đã xử như thế nào trước đây khiến tôi phải mất gần chục năm theo kiện” - ông Quyện nói.

Trong khi đó, đại diện của bà Hoàng Ngọc Điệp (người liên quan trong vụ án) không đồng ý ghi âm, ghi hình phần trình bày của mình.

Lý lẽ của việc cho/không cho ghi âm, ghi hình

Trước đề nghị của đương sự về việc ghi âm, ghi hình phiên họp phúc thẩm giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của hội đồng thành viên nêu trên, sau khi hội ý, hội đồng xét đơn đã bác yêu cầu với ba lý do:

Thứ nhất, tại phiên họp VKS chỉ đồng ý ghi âm, không đồng ý ghi hình và phía người có quyền lợi và nghĩ vụ liên quan không đồng ý việc ghi âm, ghi hình.

Thứ hai, việc ghi âm, ghi hình sẽ thực hiện bằng điện thoại di động nhưng trong nội quy phiên tòa, phiên họp thì các bên tham gia không được sử dụng điện thoại khi tham gia phiên tòa, phiên họp.

Thứ ba, quyết định của phiên họp sẽ được công khai trên cổng thông tin và mã hóa thông tin các bên để đảm bảo về nhân thân. Các đương sự có quyền xem biên bản phiên họp và ghi ý kiến bổ sung nếu cho rằng nội dung phiên họp không đúng và có thể chỉnh sửa lại cho phù hợp.

Còn tại phiên tòa ông Nguyễn Văn Quyện, HĐXX xét việc ghi âm, ghi hình không ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, không ảnh hưởng đến việc xét xử của tòa án nên quyết định cho phép đương sự và báo chí thực hiện việc ghi âm, ghi hình; trừ phần hình ảnh, âm thanh của đại diện người liên quan. Tòa cũng yêu cầu phải đảm bảo quyền cá nhân đối với hình ảnh, bí mật, đời tư theo pháp luật dân sự; nếu gây thiệt hại, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Đề xuất cách thức “xin cấp phép” ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

Thực tiễn hiện nay các tòa đã tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến, diễn biến phiên tòa đều được ghi âm, ghi hình và lưu lại. Từ giai đoạn điều tra, việc lấy lời khai bị can phải ghi hình nhằm tránh trường hợp ép cung, nhục hình; đã có hướng dẫn, quy định cụ thể.

Theo tôi, việc quy định người tham gia tố tụng phải xin phép ghi âm, ghi hình là cần thiết để bảo vệ sự tôn nghiêm của phiên tòa, bảo vệ quyền nhân thân của những người liên quan trong phiên tòa.

Tuy nhiên, nếu việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa được chủ tọa, cũng như người liên quan cho phép (trong một số vụ án cụ thể, trường hợp cụ thể) thì vẫn cần phải đảm bảo quyền bảo mật thông tin của các bên. Tránh trường hợp các thông tin được ghi tại phiên tòa sau đó xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành tòa án, kiểm sát, cũng như những người liên quan…

Ngoài những phiên tòa xét xử kín, chỉ được công khai phần tuyên án thì TAND Tối cao cần có hướng dẫn về thủ tục, hình thức cụ thể để được phép ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa nói chung. Chẳng hạn phải làm văn bản gửi tòa ba ngày trước khi phiên tòa diễn ra, nếu được chấp nhận thì phải đến trước khi phiên tòa bắt đầu 15-30 phút để chuẩn bị.

Khi chấp nhận cho ghi hình, chủ tọa có thể yêu cầu họ đứng sau cùng để tác nghiệp, không được quay mặt HĐXX hoặc đương sự nào nếu đương sự đó không đồng ý, giữ trật tự, không ảnh hưởng đến phiên tòa; có thể ngồi tại vị trí của mình để thực hiện việc ghi âm…

Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm