Ngày Tết, tại nhà bà Dương Thị Út (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) bàn thờ gia tiên được bài trí tươm tất, trang trọng với những phẩm vật như dưa hấu, hoa tươi, bánh mứt...
Bàn thờ gia tiên là nơi thiêng liêng nhất trong gia đình người Việt Nam. Vào dịp Tết Nguyên Đán, việc trang trí bàn thờ gia tiên càng trở nên quan trọng hơn.
Bàn thờ gia tiên người miền Tây thường được bài trí đơn giản nhưng đầy đủ, thể hiện sự trang trọng. Các vật phẩm trên bàn thờ được sắp xếp theo thứ tự nhất định, mang ý nghĩa theo quan niệm của gia chủ và/hoặc vùng miền.
Tại nhà bà Dương Thị Út, trước ngày 30 Tết, bàn thờ gia tiên của bà Út đã được sắp xếp, bài trí tươm tất để cúng rước ông bà. Phẩm vật trên bàn thờ gồm có một cặp dưa hấu to tròn chưng hai bên, giấy quần áo, trái cây, bánh mứt...
"Hồi xưa khi kinh tế còn khó khăn, nhà tôi có gì cúng đó. Trái cây bàn thờ chủ yếu là "cây nhà lá vườn" như xoài, mãng cầu, đu đủ, chỉ duy nhất có cặp dưa là được mua và là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Truyền thống này đã được gia đình tôi gìn giữ từ thời ông bà. Ngày nay, nhiều người cải tiến chưng bàn thờ bằng bưởi, dưa hoàng kim, dưa sọc, nhưng nhà tôi vẫn chuộng loại dưa xanh này.
Ngoài ra, trên bàn thờ còn có đôi bộ đồ giấy được xếp chỉn chu, theo tầng, bên ông bên bà. Theo bà Út, giấy quần áo này sẽ dùng để đốt trong ngày 30 và ngày mùng 3 tương ứng với việc rước và tiễn ông bà.
Tranh thờ gia tiên thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ, phía sau di ảnh của ông bà tổ tiên. Việc bài trí tranh thờ cũng thể hiện sự tôn kính và trân trọng của con cháu đối với tổ tiên.
Hơn 30 năm nay, bà Út vẫn giữ truyền thống trang trí bàn thờ gia tiên. Cuộc sống ngày càng khá hơn thì bàn thờ gia tiên của nhà bà Út cũng càng tươm tất hơn khi có hoa tươi cùng các loại trái cây khác.