Chiều 18-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày với Quốc hội (QH) về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ngay sau đó, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Bán thuốc qua sàn thương mại điện tử có thể… khó lường hậu quả
Một trong những vấn đề được các ĐBQH đặc biệt quan tâm là quy định cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM) dẫn báo cáo số liệu của một số nước đang phát triển thì có tới 75%-80% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Tại Việt Nam, việc quản lý chất lượng thuốc đối với các nhà thuốc lớn còn tồn tại nhiều khó khăn, do vậy làm thế nào để quản lý bán thuốc trên mạng không phải là điều dễ dàng.
Theo bà Lan, quy định về vấn đề này trong dự thảo luật còn quá đơn giản, rời rạc, cần phải đầu tư nghiên cứu thêm, nếu không thì hậu quả sẽ rất lớn. “Nếu không quản lý chặt, chúng ta sẽ thả gà ra đuổi. Mà “gà” ở đây chính là tính mạng của người dân” - bà Lan nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đề xuất không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại điện tử. Với thuốc không kê đơn, phải có quy định chặt chẽ, tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP.HCM), khẳng định “không bao giờ ủng hộ” bán thuốc qua mạng.
Ông Thức nêu câu chuyện thực tế tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân chờ nhận thuốc BHYT quá lâu, có khi tới 5-6 ngày, BV đã có sáng kiến chuyển thuốc tới tận nhà cho bệnh nhân.
“Tuy nhiên, khi triển khai đã có trường hợp người giao thuốc đổi thuốc của bệnh nhân. Thuốc xịn bị đổi thành loại thuốc cùng hoạt chất nhưng giá thành rẻ hơn. Sau một tuần, BV đã phải dừng ngay việc này” - ông Thức chia sẻ và nhìn nhận việc bán thuốc qua mạng “nghe rất hiện đại nhưng cực kỳ nguy hiểm”.
ĐB Nguyễn Văn Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng việc cho phép bán thuốc qua sàn thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ. Bởi mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc (ADR), bên cạnh đó còn có vấn đề khác như thu hồi thuốc…
Cần rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong quảng cáo thuốc
Một vấn đề khác là quản lý quảng cáo thuốc cũng được nhiều ĐB quan tâm.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội, nói bản thân ông không có ngày nào không có người dân gọi điện thoại đến hỏi: “Thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh dùng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng mà người dân dùng rất nhiều, gây tác dụng phụ, tốn kém tài sản”.
Theo BS Hiếu, quản lý quảng cáo được rất nhiều cơ quan quản lý nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế. Do vậy, ông Hiếu đề nghị ghi rõ trong dự thảo Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội, cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết trên các website, app của Bộ Y tế để phòng tránh, không để cho người dân dùng các thuốc này.
“Đây là vấn đề quan trọng, chúng ta cần đưa vào dự thảo luật để tránh tình trạng bán các thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội” - ông Hiếu nói.
Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội bày tỏ đồng tình với việc phát triển ngành dược nội địa. Chúng ta phải biết vị trí của mình đang ở đâu, tránh duy ý chí theo kiểu dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho thuốc của các hãng dược phẩm lớn vào Việt Nam. Tuy nhiên, thuốc tương đương của chúng ta lại không thể so sánh nổi với thuốc tốt của các hãng nước ngoài.
“Điều này dẫn đến người dân vẫn phải dùng và giá thuốc bị đẩy lên” - ông Hiếu nói và cho rằng phải rất cẩn trọng việc dùng luật để thúc đẩy vì vô tình lại kìm hãm nhập khẩu các thuốc tốt, thuốc quý.
Cần có quy định quản lý ôxy y tế
ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cũng như nhiều ĐB khác đề cập đến việc dự luật tính toán bổ sung “điều kiện lưu hành ôxy y tế”.
Theo bà Thu, khí y tế nói chung và ôxy y tế nói riêng hiện không có văn bản pháp lý nào quy định quản lý, do đó nếu xảy ra vấn đề gì liên quan đến ôxy y tế hay có sự cố y khoa thì không biết cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, nếu quản lý ôxy y tế như là thuốc thì không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP đối với ôxy y tế. Dự luật lần này nếu bổ sung quy định về quản lý ôxy y tế thì có thể không đảm bảo được như mục tiêu đề ra.
Cuối cùng, trong khám bệnh, chữa bệnh, ngoài ôxy y tế còn một số khí y tế khác (như khí carbon dioxide (CO2), khí nitơ (N2), khí nitơ monoxide (NO), khí dinitơ monoxide (N2O)… hiện cũng không có quy định quản lý.
“Tôi đề nghị không điều chỉnh sản phẩm ôxy y tế tại luật này. Để tránh tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, tôi đề nghị Chính phủ ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý ôxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế” - ĐB Thu nói.