Ban tổ chức gạo ngon Việt Nam họp báo về kết quả cuộc thi

(PLO)- Ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam cho biết chưa nhận được văn bản khiếu nại từ phía đơn vị dự thi hay cá nhân nào về kết quả cuộc thi.  
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Ban tổ chức gạo ngon Việt Nam họp báo về kết quả cuộc thi

Ngày 11-11, Ban tổ chức Cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần thứ 3- năm 2022 đã tổ chức hợp báo về những thông tin liên quan về thể lệ, quy chế và kết quả cuộc thi.

Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết cuộc thi gạo ngon Việt Nam năm 2022 diễn ra theo đúng thể lệ, quy chế. Đến nay, sau cuộc thi kết thúc nhưng ban tổ chức vẫn chưa nhận được văn bản khiếu nại nào từ kỹ sư Hồ Quang Cua, phía đơn vị dự thi. Những phản ánh ông Cua chủ yếu được thông tin từ báo chí.

“Phía anh Cua có gọi điện một lần cho tôi, anh Cua nói chỉ nghi ngờ kết quả cuộc thi chứ không nói gì thêm” – ông Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022 (ngồi giữa) đang trả lời báo chí. (Ảnh: QH)

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022 (ngồi giữa) đang trả lời báo chí. (Ảnh: QH)

Theo ban tổ chức, đối với giống dự thi thuộc chủ sở hữu là tác giả, hồ sơ cần có: Quyết định công nhận lưu hành giống lúa dự thi hoặc giấy xác nhận khảo nghiệm giống tối thiểu 1 vụ. Đối với giống dự thi không thuộc sở hữu, ngoài các yêu cầu trên phải có thêm giấy ủy quyền của cơ quan tác giả hoặc tác giả của giống lúa dự thi.

Sản phẩm gạo dự thi năm nay gồm 2 chủng loại là gạo thơm các loại và gạo nếp. Ban tổ chức quy định: Giống sản xuất phải được chọn tạo tại Việt Nam, đã được lưu hành hoặc đã được gửi đi khảo nghiệm quốc gia tối thiểu 1 vụ tại 1 trong 4 trung tâm khảo kiểm nghiệm giống cây trồng trên phạm vi cả nước. Về hình thức, sản phẩm dự thi phải có độ thuần tối thiểu 98%, không hạt vàng, hạt hư, hạt xanh non và sọc đỏ.

Theo Ban tổ chức, 3 tiêu chí để xác định loại gạo/nếp ngon nhất là đánh giá mẫu trước khi nấu, sau khi nấu và thuyết minh đặc tính của gạo/nếp. Yêu cầu gạo trước khi nấu phải có độ đồng đều, màu sắc; gạo sau khi nấu thành cơm phải có độ trắng, mùi thơm, độ dẻo, độ ngọt, độ thuần và giữ nguyên hạt. Trên thang điểm 100, mẫu gạo sau khi nấu chiếm đến 75 điểm.

Ông Nam cũng cho biết hồ sơ dự thi của các đơn vị tham dự thi đúng thể lệ dự thi, phải có tổ hợp lai, chứng nhận khảo nghiệm của Trung tâm khảo nghiệm giống quốc gia.

Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi cho biết có 7 giám khảo, làm việc độc lập với ban tổ chức. Các loại gạo dự thi sẽ được đánh mã số. Ban giám khảo là các đầu bếp lấy từng túi gạo được ban tổ chức đánh số vào phòng nấu có camera giám sát. Sau nấu chín chờ cơm có độ nguội vừa đủ mới nếm thử và chấm điểm.

“Chấm độ dẻo, mềm ngọt, mùi thơm, hạt nguyên sau khi nấu, có thang điểm đầy đủ. Sau đó sẽ có người tổng hợp các bảng chấm của ban giám khảo. Người cộng điểm là người khác không phải ban giám khảo”- ông Trung nói.

Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng ban giám khảo cuộc thi Gạo ngon Việt Nam thông tin ban giám khảo chấm đúng quy định, minh bạch, khách quan. (Ảnh: QH)

Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng ban giám khảo cuộc thi Gạo ngon Việt Nam thông tin ban giám khảo chấm đúng quy định, minh bạch, khách quan. (Ảnh: QH)

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết đơn vị đem mẫu gạo dự thi phải chịu trách nhiệm loại mẫu gạo dự thi. Ban tổ chức sẽ lưu mẫu gạo các đơn vị dự thi. Loại gạo dự thi phải được trồng khảo nghiệm 3 vụ giống lúa đó tại nhiều điểm sinh thái khác nhau, có chứng nhận khảo nghiệm từ Trung tâm Khảo nghiệm giống quốc gia là được.

"Vì từ khảo nghiệm đến khi giống lúa lưu hành mất rất nhiều thời gian nên cuộc thi chỉ quy định giống đó được chứng nhận khảo nghiệm là đủ điều kiện thi để khuyến khích nhiều giống lúa mới lai tạo dự thi"- ông Tùng chia sẻ thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm