'Lùm xùm' cuộc thi gạo ngon Việt Nam 2022: Giải mã gen, phân tích di truyền sẽ rõ

(PLO)- GS.TS Nông Văn Hải cho rằng có thể xác định giống này liệu có xuất xứ từ giống kia hay không bằng cách giải mã hệ gen hai giống hoặc dùng các mã vạch phân tử DNA cho các giống đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3 năm 2022" tại TP.HCM.

Kết quả, gạo thơm TBR39 của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đạt giải nhất; giải nhì là gạo ST24 của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí; giải ba là gạo Lộc Trời 28 của Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời.

Thế nhưng sau khi cuộc thi kết thúc, bất ngờ có thông tin trên báo chí rằng kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của gạo thơm ngon nhất thế giới ST25 và giống ST24 cho biết sẽ có văn bản đề nghị điều tra lại kết quả cuộc thi vì nghi có sự "đánh tráo" loại gạo của ông là gạo thơm ST24.

Ngày 7-11, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết cuộc thi này do Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ trì, Cục Trồng trọt chỉ phối hợp.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho hay nếu ông Cua có văn bản khiếu nại về kết quả cuộc thi thì Cục sẽ đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam mời những đơn vị trong Ban tổ chức cuộc thi, ông Hồ Quang Cua và Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED... cùng có một buổi làm việc về vấn đề này. Sau đó mang hai mẫu ST24 và TBR39 đi phân tích di truyền.

Loại gạo thơm TBR39 đạt giải nhất cuộc thi Gạo Ngon Việt Nam lần thứ 3- năm 2022. Ảnh: QUANG HUY
Loại gạo thơm TBR39 đạt giải nhất cuộc thi Gạo Ngon Việt Nam lần thứ 3- năm 2022. Ảnh: QUANG HUY

Ông Cường cho biết các mẫu gạo khi tham gia cuộc thi đều được Ban tổ chức lưu mẫu lại.

“Nếu kết quả di truyền của hai giống này là một thì kết quả đứng thứ nhất của gạo TBR39 sẽ bị huỷ, gạo ST24 sẽ ở hạng nhất. Còn nếu kết quả di truyền có sự khác biệt thì phải chấp nhận kết quả đó” - ông Cường nói.

GS.TS Nông Văn Hải, Viện nghiên cứu Hệ Gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cũng cho biết có thể xác định giống này liệu có xuất xứ từ giống kia hay không bằng cách giải mã hệ gen hai giống hoặc dùng các mã vạch phân tử DNA cho các giống đó.

Theo đó, nếu làm mã vạch phân tử thì cho kết quả nhanh hơn, nhưng chính xác nhất vẫn là giải mã hệ gen.

Việc giải mã này có chi phí không quá cao. Các viện nghiên cứu của ta như: Viện Nghiên cứu Hệ gen, Viện Công nghệ sinh học (đều trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), Viện Di truyền nông nghiệp (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… đều có các phòng thí nghiệm và đội ngũ các nhà khoa học có thể thực hiện tốt việc phân tích mã vạch phân tử hay giải mã hệ gen các giống lúa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm