Những ngày cuối tháng 5, các trường tổ chức tổng kết năm học, trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài viết của phụ huynh về việc khoe bảng điểm cuối năm cùng thành tích học tập của con được chụp kèm với giấy khen.
Bảng điểm cuối năm toàn 9, 10
Bên cạnh việc khoe bảng điểm, cũng xuất hiện những bình luận ấm ức, bức xúc của phụ huynh về việc con không được xuất sắc trong khi bảng điểm cuối năm toàn 9, 10. Nguyên nhân liên quan đến chữ “H”.
Chia sẻ trên một diễn đàn, một phụ huynh nói: “Chỉ vì chữ "H” của môn mỹ thuật nên con bị đánh giá hoàn thành”.
Trao đổi rõ hơn về vấn đề này với PLO, vị phụ huynh này cho biết con anh vừa hoàn thành chương trình học lớp 4.
Bảng điểm cuối năm của con 12 môn, có 11 môn được đánh giá ở mức độ “T” (hoàn thành tốt), riêng môn mỹ thuật bị đánh giá “H” (hoàn thành). Chính vì vậy, dù bảy môn kiểm tra lấy điểm con đạt bốn điểm 10, ba điểm 9 nhưng vẫn chỉ được đánh giá ở mức hoàn thành. Vấn đề này được cô giáo chủ nhiệm giải thích do môn mỹ thuật bé chỉ đạt ở mức “H” (Hoàn thành).
“Bé về rất buồn. Bé nói sao bảng điểm cuối năm toàn 9, 10 lại không được giấy khen. Tôi không biết phải trả lời sao với con. Hôm đi tổng kết, thấy các bạn được phát quà, giấy khen nên con khóc quá trời” – vị phụ huynh nói, đồng thời thời thắc mắc liệu rằng cách đánh giá như thế đã hợp lý chưa?
"Bảng điểm cuối năm của con rất cao. Nếu các môn con tham gia thi bị điểm thấp, sẽ không ai thắc mắc. Tuy nhiên, môn mỹ thuật không thi, không kiểm tra, chỉ đánh giá, rất khó thuyết phục. Tôi chỉ mong ngành giáo dục hiểu tâm lý trẻ để có cách đánh giá hợp tình, hợp lý. Tôi chia sẻ điều này không phải vì chạy theo thành tích mà làm sao để các con có động lực để tiếp tục cố gắng” – anh này chia sẻ thêm.
“Con tôi cũng trong tình trạng tương tự” - một phụ huynh có con vừa hoàn thành chương trình lớp 3 chia sẻ.
Theo vị phụ huynh này, cũng chỉ vì chữ “H” của môn mỹ thuật nên con chị chỉ được đánh giá hoàn thành chương trình. Học kì 1, môn học trên bé được đánh giá “T” (hoàn thành tốt), học kỳ 2 bé chỉ được đánh giá “H” (hoàn thành). Do đó, cả năm học chỉ ở mức “H”.
“Con thổ lộ kết quả trên khiến con mất cảm hứng vẽ. Gia đình tôi khá buồn tuy nhiên đây cũng là bài học để con cố gắng hơn trong việc học và quan tâm hơn đến tất cả các môn ” – chị này nói thêm.
Cũng theo phụ huynh trên, bé vẽ rất đẹp nhưng có thể trong giờ học không chú ý, chưa tập trung nên mới bị đánh giá như thế.
4 mức đánh giá học sinh
Theo Bộ GD&ĐT, học sinh tiểu học (lớp 1,2,3,4) thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá theo Thông tư 27.
Thông tư 27 đánh giá học sinh tiểu học theo tinh thần giảm áp lực không cần thiết, đánh giá dựa trên quá trình của học sinh để thấy được sự tiến bộ của các em.
Do đó, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kỳ về môn học, hoạt động giáo dục để tổng hợp và ghi kết quả đánh giá giáo dục của từng học sinh vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.
Kết quả học tập cuối năm của học sinh đánh giá theo bốn mức:
Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt điểm 9 trở lên.
Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức hoàn thành xuất sắc nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt từ 7 điểm trở lên.
Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức hoàn thành tốt hoặc hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức tốt hoặc đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên.
Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho hay đánh giá học sinh theo chương trình mới đã giảm dùng điểm số, tăng cường nhận xét, coi trọng cả quá trình chứ không phải chỉ qua các bài kiểm tra. Một năng lực có thể sẽ thể hiện chủ yếu ở một môn học nhưng vẫn liên quan tới các môn khác. Phụ huynh cần thay đổi tư duy môn chính, môn phụ.
Đánh giá quá trình học tập của các em
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 11, TP.HCM, chia sẻ: "Đối với môn mĩ thuật, không thực hiện lấy điểm số mà qua việc đánh giá thường xuyên. Trường tôi, vấn đề này được quán triệt đảm bảo sự chính xác, tránh tỉ lệ ảo. Các giáo viên trong quá trình đánh giá có hồ sơ rõ ràng. Việc đánh giá các em không chỉ qua năng lực mà còn thông qua thái độ học tập của các em".
Môn mỹ thuật được đánh giá ra sao?
Vào cuối năm, việc đánh giá học sinh tại môn học này dựa trên quá trình tham gia học tập, hoạt động giáo dục; mức độ hình thành và phát triển năng lực; mức độ hình thành và phát triển phẩm chất.
Yêu cầu của việc đánh giá phải phù hợp với mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt của mỗi nội dung, chủ đề trong chương trình. Coi trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh trong học tập và vào những tình huống khác nhau.
Việc đánh giá phẩm chất của học sinh trong giáo dục mỹ thuật thông qua quan sát, ghi chép, nhận xét bằng lời về thái độ, tình cảm, hành vi ứng xử của học sinh khi tham gia các hoạt động mỹ thuật.
Đánh giá môn mỹ thuật bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá tổng kết.
Đánh giá mỹ thuật dựa trên các tiêu chí sau:
Sự hiểu biết: Học sinh có hiểu biết cơ bản về các yếu tố mỹ thuật như hình dáng, màu sắc, không gian, chất liệu...
Kỹ năng thực hành: Học sinh có khả năng sử dụng các công cụ và vật liệu mỹ thuật để tạo ra sản phẩm.
Sự sáng tạo: Học sinh thể hiện sự sáng tạo qua các sản phẩm mỹ thuật.
Thái độ học tập: Học sinh có thái độ tích cực, hứng thú và tham gia tích cực trong các hoạt động mỹ thuật. Kết quả học tập cũng như sự tiến bộ của học sinh phụ thuộc vào tinh thần ý thức trong quá trình học tập. Đánh giá thái độ học tập của học sinh nhằm hoàn tất hoạt động đánh giá theo mục tiêu bài học/chủ đề dạy học; bao gồm các tiêu chí sau: Mức độ chú ý và tính tích cực trong hoạt động học tập; sự hứng thú, chủ động trong việc giải quyết nhiệm vụ học tập; tinh thần hợp tác với bạn trong hoạt động nhóm, cả lớp cũng như trao đổi với giáo viên.
Môn mỹ thuật ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đánh giá cuối năm của học sinh. Vì thế, phụ huynh cần quan tâm hơn đến môn học này.
(Giáo viên dạy mỹ thuật tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp)