Lễ tổng kết năm học kết thúc cũng là lúc mạng xã hội tràn ngập hình ảnh học sinh (HS) cầm giấy khen được các bậc phụ huynh, thầy cô đăng tải để khoe thành tích học tập của con em mình sau một năm học nỗ lực, cố gắng.
Dẫu biết con cái luôn là niềm tự hào của cha mẹ, đặc biệt hơn khi các con biết cố gắng, nỗ lực và đạt thành tích trong học tập thì niềm tự hào đó lại được nhân lên gấp bội.
Còn đối với giáo viên (GV), đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi nhìn thấy thành quả ngọt ngào của mình sau bao công lao vất vả dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho HS.
Tuy nhiên, việc đăng tải giấy khen lên mạng xã hội đã tạo áp lực lớn cho những đứa trẻ. Cha mẹ, GV khi đặt kỳ vọng lớn sẽ vô tình bắt các em phải theo ý muốn của người lớn mà không biết bản chất thực sự của việc học là gì.
Một số phụ huynh luôn mong muốn con mình sau này sẽ trở thành “ông to bà lớn” làm rạng danh cho gia đình và dòng tộc, lấy tiếng thơm cho đời và việc mỗi năm một tấm giấy khen sẽ góp phần dần hiện thực mong muốn đó.
Nhưng để đạt được như kỳ vọng, cha mẹ không còn cách nào khác là phải bắt con mình lao vào học. Các em như những con “thiêu thân” hết ngồi trên ghế nhà trường cả ngày, tối về nhà vẫn phải vùi đầu vào trong đống sách vở để cuối năm còn có giấy khen cho cha mẹ, thầy cô khoe.
Trước đây một lớp học lác đác chỉ vài em được giấy khen, thì nay lớp học vài chục em chỉ lác đác vài em không có giấy khen để khoe trong tấm ảnh mà thầy cô chụp. Trước đây, trong bức ảnh HS nào cầm giấy khen là điểm nhấn, thì nay HS nào không có giấy khen mới gây sự chú ý của mọi người.
Điều này phần nào nói lên chất lượng giáo dục đang đi lên từng ngày, phương pháp giảng dạy mỗi lúc một hoàn thiện. Nhưng cũng không phủ nhận được căn bệnh “thành tích” đang len lỏi ở một số bộ phận nhà trường, GV hiện nay.
Hãy đặt mình vào tâm trạng của những HS “tay không” nhưng vẫn gượng gạo đứng xếp hàng, tạo dáng cùng bạn bè đang rạng rỡ giơ cao thành tích bằng những tờ giấy khen để cho GV chụp và khoe lên mạng xã hội. Có thể các em vẫn cố gắng mỉm cười, tạo dáng nhưng sâu thẳm trong tâm hồn là sự xấu hổ khi bị “bêu hình” trong bức ảnh của thầy cô.
Xin đừng vì “sĩ diện” nhất thời của bản thân mà “đánh cắp” tuổi thơ của những đứa trẻ. Hãy cho con em mình nhận thức được giá trị thực sự của việc học, rằng giấy khen, điểm số chỉ là vỏ bọc bên ngoài, giá trị năng lực bản thân mới đi cùng các em suốt đời.