Bánh mì, sữa... bỗng nhiên bị vạ lây vì cây kế đồng

Phát biểu tại hội thảo Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì do Hội Lương thực thực phẩm tổ chức ngày 10-8,  bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT công ty Việt Nam kĩ nghệ bột mì, nói: Đến nay công ty vẫn chưa nhận được văn bản nào của Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 1 yêu cầu từ ngày 1-11 này sẽ tạm ngưng nhập khẩu lúa mì bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense (kế đồng) cũng như buộc tái xuất.

"Một tàu hàng với trị giá 300 tỷ đồng của công ty đang trên đường về, chưa biết có “lọt” qua đầu tháng 11 không. Nếu tàu về vào tháng 11, tôi rất lo lắng không biết sẽ xử lí thế nào. Nếu hàng tái xuất thì cũng không biết tái xuất ra sao, thiệt hại của DN rất lớn”, bà Chi lo lắng.

Theo bà Chi, tết sắp đến nơi là mùa mà sức tiêu thụ cao nhưng hàng hóa bị cấm nhập vậy sao sản xuất, chưa kể 500 công nhân thất nghiệp, nhà cung cấp không có sản phẩm để bán,… Sau chuyến tàu này công ty ngưng hoạt động, không dám làm gì cả.

Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Trong khi đó ông Khánh, một nhà cung cấp lúa mì cho biết 80% nhà cung cấp mua lúa mì nhập bằng tàu, mỗi chuyến tàu ít nhất 30-40 ngàn tấn, trị giá một chuyến tàu tương đương 20 triệu USD, khoảng 500 tỷ đồng. Nếu với lệnh cấm sau 1-11 tạm ngưng nhập khẩu lúa mì, thì một chuyến tàu gần 500 tỷ đồng như vậy đối với DN lúa mì bị ảnh hưởng khủng khiếp.

“Hiện nay nhu cầu cho bột mì khoảng 1,7-1,8 triệu tấn, lúa mì còn là sản phẩm thay thế cho thức ăn gia súc. Đối với ngành bột mì thì không thể thay thế được, nên nếu không có nguyên liệu công ty chỉ có thể đóng cửa”, ông Khánh lo lắng.

Mặt khác, ông Khánh phân tích, hiện giờ những chuyến tàu đang từ nước ngoài về Việt Nam, muốn tàu về kịp trước lệnh cấm nhập 1-11 thì tàu phải đi nhanh, tăng thêm dầu. Ví dụ một tấn hàng DN bỏ ra thêm 10-15 USD, giá thành tăng khoảng 5%.

"Thử hỏi một DN cạnh tranh từ 5-10 USD/kg đã trầy trật trong kiếm khách hàng mà nay giá tăng thêm thì sao cạnh tranh nổi. Nếu trường hợp bột mì trong nước tăng giá như vậy, DN bắt buộc phải nhập khẩu, lúc đó các nhà máy sản xuất bột mì ngưng hoạt động, thiệt hại cho nền kinh tế rất lớn, ông Khánh đặt vấn đề.

Cùng qua điểm trên, bà Christine Kao, Phó Tổng giám đốc ABC Bakery, cho biết ABC chuyên nhập lúa mì ở Mỹ và Achentiana về xay ở các nhà máy tại Việt Nam. Mỗi một ngày ABC sử dụng trung bình 13 tấn bột mì, đối với ngày cao điểm 20 tấn. Bên cạnh đó ABC đang xuất khẩu sang Nhật. Anh, Mỹ, Úc.

Theo bà Christine Kao, Hiệp hội Lúa mì Mỹ vừa qua làm việc với ABC và có hỏi trong trường hợp cấm nhập lúa mì thì ABC phải làm sao? Công ty sẽ phải nhập bột mì. Nếu vậy giá thành đội lên rất nhiều.

Mặt khác việc này còn ảnh hưởng đến những DN kinh doanh trong nước đó là những nhà máy xay lúa mì ở Việt Nam, mà gián tiếp là người sản xuất ra cái bao đựng bột mì, sản xuất dây cột bao bột mì, con tem dán lên bao bì bột mì… Nhập khẩu bột mì là cách đang ủng hộ những DN đầu tư nước ngoài, bóp chết DN trong nước.

Một số nhà nhập khẩu cho biết chất lượng lúa mì của Canada và Úc tương đương nhau nhưng giá chênh lệch 40 tấn/USD. Do đó, làm sao DN cạnh tranh khi các quốc gia không cấm nhập khẩu mà Việt Nam cấm. 

Dù chưa thống kê thiệt hại đầy đủ từ các thành viên trong Hội về vật chất ước tính khoảng hàng ngàn tỉ đồng.

Ông Khánh nhà nhập khẩu lúa mì phát biểu tại hội thảo

Cỏ kế đồng có độc hay không?

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết từ lần đầu phát hiện cỏ kế đồng có trong lúa mì nhập khẩu, đã có những quan điểm khác nhau về việc lúa mì được hay không được nhập vào Việt Nam.

Vậy, loại cỏ kế đồng này độc hại như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đến môi trường nông nghiệp Việt Nam thì cơ quan quản lí cần làm rõ tìm ra giải pháp khả thi nhất. Vì ngoài nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ nội địa, DN còn xuất trở lại vào các nước trong khu vực ASEAN dưới dạng bột mì cho giá trị tốt, mang lại giá trị xuất khẩu cao.

TS Trần Duy Khanh, chuyên gia nông nghiệp, Viện trưởng viện nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC cho biết, ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản , Hàn Quốc… đều cho thấy sự có mặt của loại kế đồng. Ở Nga, loài chim sẻ cũng chỉ tìm ăn cây kế đồng ở cánh đồng lúa mì chứ không ăn lúa mì.

TS Khanh còn dẫn chứng theo QCVN 01 163:2014/BNNPTNT loài kế đồng này phân bổ ở châu Âu, châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương…Phương thức gây hại của loại này là cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. Gồm ngô, đậu Hà Lan, đậu tương , lúa mì, đậu, khoai tây, cà rốt.

Trong quy chuẩn quốc gia quy định về cây cỏ dại, trong quy trình kiểm dịch thực vật chỉ cấm sinh vật gây hại gồm sâu bệnh và sinh vật cạnh tranh-trong đó có cây kế đồng này. Cây kề đồng cạnh tranh một phần dinh dưỡng với cây trồng khác. Thực tế cây kế đồng này chỉ phù hợp với cánh đồng lúa mì. Hiện nay tại Việt Nam ngành bảo vệ thực vật chưa biết cây kế đồng nó như thế nào cả, toàn xem ảnh hết vì không có ở Việt Nam.

"Tôi khẳng định thật sự cây kế đồng cạnh tranh với lúa nước, đậu, ngô chứ không gây hại cho cây trồng. Các nước phát triển như Nga, Ukraine, Mỹ…kế đồng cũng lẫn trong lúa mì", TS Khanh khẳng định.

"Đảo lộn cả nền kinh tế"

Ông Khanh cho rằng có những quan điểm đưa ra là DN Việt Nam có thể thay nhập khẩu lúa mì từ Nga bằng các quốc gia khác, sản phẩm khác. Ai phát biểu vậy là không hiểu về cây trồng. Mỗi loại cây trồng phù hợp với đất đai thổ nhưỡng khác.

Chẳng hạn Nga là cường quốc số 1 thế giới về lúa mì. Mỹ cường quốc số một về bắp. Các nước không ai đủ khả năng cạnh tranh lúa mì với Nga, Canada, Úc vì không phải là thế mạnh của họ, với bắp thì không ai cạnh tranh được với Mỹ, bột cá thì không ai cạnh tranh với  Argentina.

Từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 7-2018 Việt Nam nhập khoảng 5 triệu tấn lúa mì, trong đó 25% dùng làm cho thức ăn chăn nuôi thủy sản. Việt Nam  loay hoay tìm một số cây trồng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhưng không được. Cũng vậy, Việt Nam không có ưu thế về lúa mì thì làm sao trồng lúa mì.

Nguyên tắc của DN là chọn mua sản phẩm có giá thấp, sản phẩm chất lượng tốt. Không ai dại gì đi mua sản phẩm chất lượng tồi, giá cao mà có ý kiến khuyên nếu “bỏ” thị trường  Nga Canada, Úc sang “chơi” với mấy anh có vài thúng lúa mì. Tôi cho là không thực tiễn, vô lí”.

“Mặt khác, trong quy định cấm nhập không hề phân biệt lúa mì mua về làm giống, hay lúa mì sản xuất thức ăn chăn nuôi…Tôi đề nghị, nếu lúa mì nhập về làm giống thì nhà nước cấm, lúa mì dùng để sản xuất phục vụ cho quốc kế dân sinh thì cho nhập nhưng tăng cường giám sát. DN cam kết, nếu sử dụng về làm hạt giống thì tử hình cũng được. Đề nghị cơ quan quản lí làm mỗi nhiệm vụ này thôi” - ông Khanh nói.

Bà Christine Kao cho biết năm 2017 Việt Nam xuất khẩu 232 ngàn tấn bột mì, là nhà cung cấp lớn nhất cho Thái Lan. Những tháng đầu  năm 2018 Việt Nam xuất khẩu 239 ngàn tấn bột mì. Nếu không cho nhập lúa mì nữa thì làm sao xuất khẩu bột mì.  

Một số nhà nhập khẩu lúa mì cho biết DN ý thức được chấp hành pháp luật và mong muốn nhà nước tạo điều kiện cho DN phát triển. DN đề nghị cần lùi lại thời gian lệnh cấm nhập khẩu lúa mì  ít nhất 6 tháng để đánh giá lại. Các nhà khoa học nghiên cứu thêm để thông tin rõ ràng và đưa ra chính sách hợp lí.

“Chúng tôi nghĩ rằng, việc quy định "cấm" thì rất đơn giản, nhưng phải làm sao để giảm thiểu tối đa nhất thiệt hại cho cộng đồng DN trong nước, cũng như người dân Việt Nam nói chung mới là vấn đề cốt lõi cần xử lý”, bà Chi cho hay.

Theo ông Khanh, thật sự quy định tạm ngừng nhập lúa mì không chỉ đơn giản ảnh hưởng đến các DN nhập lúa mì mà làm đảo lộn nền kinh tế. Vấn đề này nên được kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

743 triệu USD

Là giá trị nhập khẩu lúa mì trong 7 tháng đầu năm 2018, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Những nguồn cung cấp lúa mì lớn, có giá trị tốt đều xuất xứ từ Canada, Mỹ, Nga, Úc, ...

Nhu cầu bột mì ngày càng cao. Bởi ngoài việc làm nguyên liệu sản xuất mì ăn liền, bánh mì, bánh ngọt...bột mì còn được sử dụng để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngành sữa cũng có nhu cầu sử dụng bột mì đáng kể. Tiêu thụ bột mì trên thị trường Việt Nam ngày càng tăng, lúa mì đang dần trở thành nguồn nguyên liệu có sức cạnh tranh và khó thay thế.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm