Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng kết quả thẩm định đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM). Đây là bước quan trọng để cấp thẩm quyền xem xét thông qua chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam này.
Theo Bộ GTVT, các chuyên gia, nhà khoa học và hội đồng thẩm định tổ chức họp và cho ý kiến về đề án xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ. Chính quyền TP.HCM đã tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ ý kiến của các bộ, địa phương, chuyên gia và thành viên hội đồng thẩm định.
Tại hai cuộc họp vào tháng 6 và tháng 8 vừa qua, tất cả thành viên hội đồng thẩm định đều thống nhất về sự cần thiết lập đề án và bỏ phiếu thông qua đề án.
Bộ GTVT bày tỏ sự thống nhất với các mục tiêu của đề án, nhằm thúc đẩy hoạt động trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ và định hướng sơ bộ công suất, quy mô, công nghệ khai thác, diện tích sử dụng đất, hạ tầng kết nối, hình thức đầu tư và mô hình quản lý, khai thác cảng.
Tuy nhiên, bộ này cho rằng đề án nên nghiên cứu đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đầu tư và đưa vào khai thác với số lượng, quy mô bến chính, bến sà lan phù hợp với lộ trình đầu tư được đề xuất tại phần phân kỳ đầu tư khu bến cảng.
Bộ GTVT cũng nhận định vị trí khu bến Cần Giờ thuận lợi để đầu tư phát triển, thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế. Chi phí bốc xếp tại khu vực Cái Mép - Cần Giờ hiện chỉ bằng khoảng 54% đối với container xuất nhập khẩu và bằng khoảng 40% đối với container trung chuyển quốc tế so với Singapore, là một lợi thế của khu bến cảng Cần Giờ.
Theo đề án, lượng hàng thông qua khu bến cảng Cần Giờ hướng đến loại cảng chuyên về trung chuyển với tỉ lệ trung chuyển từ 75% là hàng trung chuyển quốc tế mang từ nước khác về và 25% là hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, do hãng MSC đang đảm trách chuyên chở, phần lớn đến từ các cảng liên doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và của Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn.
“Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị trong quá trình triển khai đầu tư khai thác, nhà đầu tư cần có cam kết và các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng tỉ lệ hàng trung chuyển khai thác tại khu bến Cần Giờ như đề án. Việc này tránh ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các cảng khác tại khu vực…”- Bộ GTVT nêu quan điểm.
Đối với việc nhận diện sơ bộ tác động môi trường, Bộ GTVT cho biết do dự án đang ở bước lập đề án, nên Bộ GTVT cơ bản thống nhất về việc chỉ xây dựng nội dung nhận diện sơ bộ tác động môi trường.
Tuy nhiên, Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, nên tại các bước tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu, nhận diện, đánh giá đầy đủ, toàn diện và đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Ngoài ra, phát triển khu bến Cần Giờ cần đảm bảo yêu cầu về cảng biển xanh, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.
Trong quá trình xây dựng đề án, UBND TP.HCM có đề cập định hướng tận dụng vật chất nạo vét để san lấp mở rộng đảo Thạnh An (cù lao Phú Lợi) về phía Tây và phía Nam đảo với tổng khối lượng vật chất nạo vét dự kiến tận dụng khoảng 21 triệu m3.
Đối với nội dung này, Bộ GTVT đề nghị, quá trình triển khai các bước của dự án cần được nhà đầu tư, tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng và các cơ quan liên quan nghiên cứu có ý kiến, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận. Mục tiêu, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản, môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hàng hải và các quy định có liên quan.
Theo đề án do TP.HCM lập, cảng trung chuyển Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực cù lao Phú Lợi, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.
Cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus.
Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045. Trong đó, giai đoạn 1 dự án sẽ xong vào năm 2027.