UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đề án, vị trí cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở khu vực cù lao Con Chó. Đây là khu vực nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái. Nơi đây gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển Cảng trung chuyển quốc tế.
Đồng thời, cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam, là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.
Vị trí dự kiến xây dựng cảng có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để hình thành, phát triển thành công một cảng trung chuyển quốc tế là cần có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới, tham gia hợp tác, đầu tư, khai thác cảng, dịch chuyển nguồn hàng từ các nước trong khu vực về trung chuyển tại cảng.
Cũng theo đề án, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định hướng sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực. Thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến khai thác của cảng đến năm 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn. Trong đó, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 khu bến chính).
Giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư).
Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác, hạn chế tối đa vốn đầu tư bằng ngân sách.
Dự kiến khi cảng đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện) sẽ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng/năm, tạo ra việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động.
Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Việc này cũng sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam Bộ.
Cạnh đó là tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên Thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Theo định hướng về hạ tầng giao thông, giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ để kết nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ; đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh; đầu tư nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.
Song song đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác (dự kiến kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè); tuyến đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép; tuyến đường ven biển kết nối giữa TP.HCM (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.