Vấn nạn tin giả, thông tin không chính xác một lần nữa được đưa ra trong hội thảo do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều 23-12 tại Hà Nội.
Cần chế tài người biết rõ sự thật mà cứ khịa ra
Dẫn ra câu chuyện thế giới, TS Thái Tuyết Dung đến từ ĐH Luật TP.HCM cho biết tất cả quốc gia từ lâu đều đã có luật pháp để chống lại tin giả, tin sai sự thật. Tuy nhiên, tất cả quy định hiện hành đều không theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet, mạng xã hội. “Ngày trước một người bị tung tin giả, chỉ cần rời quê vào TP.HCM hay ra Hà Nội là mọi chuyện để lại sau lưng. Nhưng giờ đây một khi đã trở thành nạn nhân, tin giả sẽ đeo bám họ thậm chí cả cuộc đời” - bà Dung ví von.
Để chống lại vấn nạn này, mỗi nước có một cách tiếp cận riêng. Chẳng hạn Đức đưa ra các quy định trói trách nhiệm các hãng công nghệ Google, Facebook thiết lập công cụ lọc nội dung vi phạm, thuận lợi hóa cơ chế để người dùng khiếu nại tin giả với thời hạn xử lý trong vòng 24 giờ.
Còn Singapore vừa ban hành một đạo luật, có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua, nhằm xử lý cả cá nhân, mạng trung gian và công ty công nghệ mạng xã hội khi tạo, phát tán, lan truyền tin giả. Luật này định nghĩa tin giả là tin được lan truyền không đúng và gây hại cho lợi ích của cộng đồng.
“Điểm đáng chú ý của Singapore là giao quyền cho cơ quan hành chính kết luận, xử phạt chứ không phải qua tòa án. Vì biện pháp hành chính nhanh, hiệu quả hơn trình tự tố tụng của tòa” - TS Dung giải thích.
Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh cho rằng báo chí có khi cũng đang trở thành nạn nhân của tin giả. Ảnh: PV
Cũng thừa nhận tin giả, tin không đúng sự thật đang là vấn nạn ở Việt Nam nhưng TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng lựa chọn giải pháp tác động như thế nào phải thận trọng. Bởi các quyền cơ bản về tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin của người dân nhiều khi rất dễ mâu thuẫn với quyền bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm. Đồng thời cũng mâu thuẫn với quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Vì vậy, ông Dũng cho rằng dù pháp luật hiện hành đã có quy định cấm cũng như chế tài việc đưa thông tin không sai sự thật nhưng định nghĩa, nội hàm thế nào cần làm rõ để khỏi lạm quyền trong xử lý. “Theo tôi, một người chỉ bị chế tài khi biết rõ thông tin đó là sai sự thật mà cứ khịa ra. Và phải loại trừ với các thông tin, ý kiến có tính chất trào phúng hoặc phê phán” - ông nói.
Nâng cao kỹ năng nhận diện tin giả
Từ góc nhìn của một hãng thông tấn, Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh cho rằng báo chí chính thống cũng đang trở thành nạn nhân của tin giả lan tràn trên mạng xã hội. Chính vì vậy điều đầu tiên là người làm báo cần nghiêm cẩn nguyên tắc “kiểm chứng, cân bằng, toàn diện và khách quan”.
Ông Minh cho biết TTXVN có hợp tác với Google, Facebook trong việc xử lý tin giả và thấy các hãng công nghệ này cũng có nhu cầu trong việc loại bỏ thông tin giả trên Internet. Bản thân họ cũng muốn các hãng thông tấn, báo chí chính thống cùng tham gia, sử dụng các công cụ của chính họ để xử lý tin giả. Bản thân TTXVN cũng thiết kế một dự án kiểm chứng thông tin và đang cải thiện hiệu quả của mô hình này.
Ngoài ra, với lực lượng nhân sự đông đảo khắp cả nước, TTXVN còn triển khai một dự án khuyến khích người của mình đi nói chuyện, giảng về tin giả cùng kỹ năng nhận diện tin giả cho học sinh, đầu tiên là bậc tiểu học. Bởi kinh nghiệm cho thấy nâng cao năng lực đọc và sàng lọc, đánh giá thông tin cho người dân là giải pháp cơ bản, hiệu quả nhất trước một môi trường thông tin ngày càng tự do chia sẻ như hiện nay.