Báo chí dấn thân, đem thông tin chính xác đến dân

Hôm nay (30-12), Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra phiên trù bị. Ngày 31-12, đại hội diễn ra phiên chính thức tại Cung văn hóa Hữu nghị, TP Hà Nội. Dịp này, nhà báo Trần Trọng Dũng (ảnh, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM) bày tỏ: “Trong cao điểm dịch COVID-19 vừa qua, tôi rất tự hào vì những đồng nghiệp đã rất kiên cường, không buông lơi, nản chí, thậm chí bỏ việc…”.

Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM. 

Phóng viên tác nghiệp trong đợt dịch COVID-19 cao điểm ở TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Xông vào trận trong cao điểm dịch

. Thưa ông, cùng với báo chí cả nước, báo chí TP.HCM phải đối mặt, chống chọi với đại dịch COVID-19. Ông đánh giá thế nào về báo chí TP.HCM trong khoảng thời gian đặc biệt vừa qua?

+ Nhà báo Trần Trọng Dũng: Cùng với báo chí cả nước, báo chí TP.HCM ngay từ những ngày đầu của đại dịch từ đầu năm 2020 đã vào cuộc. Đặc biệt, trong năm 2021, khi cả TP cách ly, phong tỏa để ngăn chặn đại dịch, các cơ quan báo chí của TP.HCM với truyền thống năng động, sáng tạo đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Điều này thể hiện ở việc đảm bảo duy trì thường xuyên nguồn thông tin chính thống, trong điều kiện có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội phản ánh chưa đúng, thậm chí là sai lệch về công cuộc phòng chống dịch COVID-19. Báo chí TP.HCM đã đảm bảo dòng chủ lưu của mình về thông tin, tạo cho người dân niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của chính quyền và cả của hệ thống chính trị trong việc thực hiện triển khai những giải pháp về phòng chống dịch COVID-19.

. Ông có thể dẫn vài ví dụ chứng minh?

+ Điều đó được thể hiện trên tất cả trang báo của TP.HCM đều đưa tin rất đậm nét về diễn biến của dịch, thậm chí nhiều tờ báo sáng tạo những chuyên mục, như chuyên mục Tin giả; Hỏi đáp nhanh vấn đề điều trị F0 tại nhà; chuyên mục về chăm sóc sức khỏe

Đặc biệt có rất nhiều bài viết, hình ảnh về lực lượng tuyến đầu. Những bài viết đó cho thấy khi tờ báo, PV “xông trận”, tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường thì sẽ có những bài phóng sự, ký sự, những bức ảnh, thước phim sống động nhất về cuộc chiến giành lại sự sống cho đồng bào mình. Chúng tôi rất trân trọng sự hy sinh, đóng góp đó của các nhà báo, PV.

Báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng

Ngày 29-12, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị đảng viên với sự tham dự của gần 500 nhà báo. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn khẳng định trong điều kiện mới, vai trò của báo chí ngày càng quan trọng trên mặt trận tư tưởng. Từ đó, báo chí cần luôn phát huy tốt hơn vai trò là lực lượng tiên phong trong công tác xây dựng Đảng và hoạt động chính trị, là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng. 

Dấn thân với nghề, phát tâm thiện nguyện

. Vào cuộc như những chiến sĩ ở tuyến đầu, vậy anh em báo chí TP.HCM có bị ảnh hưởng gì không, thưa ông?

+ Có! Trong cuộc chiến đó, cũng như tất cả lực lượng tuyến đầu thì lực lượng báo chí cũng chịu ảnh hưởng, thậm chí là tổn thất. Ngay từ đầu tháng 8, thống kê sơ bộ của chúng tôi cho thấy đã có hơn 30 cán bộ, PV, nhân viên các tòa soạn báo bị nhiễm, phải điều trị COVID-19. Trong đó có một trường hợp nhà báo thuộc một cơ quan báo chí trung ương trên địa bàn TP đã mất vì COVID-19.

Để có được những tác phẩm báo chí trực quan, sống động, tức thời…, các nhà báo, PV đã phải “trả” bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí sức khỏe của chính mình. Tôi rất tự hào vì những đồng nghiệp của chúng ta đã rất kiên cường, không thấy ở họ sự buông lơi, nản chí, thậm chí bỏ việc.

. Như thế anh em báo chí TP.HCM đã dấn thân với nghề, còn tâm thiện lành với đồng bào thì sao, thưa ông?

+ Điểm tôi rất ấn tượng là các nhà báo, các cơ quan báo chí không chỉ tuyên truyền, vận động nhân dân theo chủ trương về phòng chống dịch mà còn trực tiếp đi trao, tặng những gói quà đến với đồng bào mình. Rất nhiều nhà báo ngoài giờ làm việc, tác nghiệp ở các điểm, vùng dịch còn tham gia các đội thiện nguyện, tự lập thành các nhóm để tự vận động trang thiết bị y tế...

Ở cấp Hội Nhà báo TP.HCM, chúng tôi cũng không đứng ngoài cuộc. Cuối tháng 7, chúng tôi đã phát động trong tất cả cơ quan báo chí tham gia và vận động doanh nghiệp, các mạnh thường quân chung tay thực hiện chương trình thiện nguyện mùa dịch COVID-19 của hội.

 Chỉ trong 10 ngày, chúng tôi đã vận động được 42 cơ quan báo chí tham gia đóng góp với số tiền 650 triệu đồng và các vật dụng khác. Nguồn đóng góp đó đã được chúng tôi sử dụng mua trang thiết bị y tế trao tặng các y bác sĩ tuyến đầu tại sáu bệnh viện.

. Xin cám ơn ông.

Báo chí không thể thụ động ngồi chờ hỗ trợ

. Được biết trong thời gian TP giãn cách, cách ly xã hội, nhiều ấn phẩm báo chí cũng đã được đưa đến các khu cách ly, đến tận tay người dân. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này?

+ Việc trao tận tay những tờ báo in đến người dân trong khu cách ly đã duy trì được thông tin thường xuyên. Để có được điều đó, tôi nghĩ cần phải nói từ hai phía. Một là từ nỗ lực tự thân của các tòa soạn báo, đã tổ chức lại các đội phát hành, thậm chí huy động cả tình nguyện viên. Các tòa soạn đã nhanh nhạy gửi hoặc phối hợp với các tổ chức thiện nguyện trong các gói quà để kèm theo báo. Về phía Thành ủy, lãnh đạo TP đã hỗ trợ các báo bằng cách đặt hàng mua các báo để đưa vào cách ly. Rất nhiều tờ báo được truyền tay trong các phòng cách ly, duy trì được thông tin thường xuyên.

. Một trong những vấn đề cũng được đưa ra bàn thảo tại đại hội đó là vấn đề kinh tế báo chí, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

+ Vấn đề kinh tế báo chí là một vấn đề lớn, đòi hỏi từ cả nhiều phía. Trước hết về phía các tòa soạn, chúng ta không thể thụ động ngồi chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước hay cơ quan nào khác, mà chính các tòa soạn phải ý thức được đó chính là sự tồn vong của chính mình. Bởi vì nếu không đảm bảo được vấn đề kinh tế, tài chính thì không thể tái sản xuất sức lao động, sản phẩm không thể bán ra. Nó như một doanh nghiệp, anh không duy trì được sản xuất, không duy trì được nguồn nhân lực.

Các cơ quan báo chí cũng cần tiếp tục cải tiến tích cực, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút độc giả, vừa đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền, đồng thời có được nguồn kinh phí từ các nền tảng này. Hội Nhà báo Việt Nam cũng như Hội Nhà báo TP đã kiến nghị vấn đề cơ chế, chính sách. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam, làm cơ sở cho hội kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ tháo gỡ một số cơ chế chính sách như vấn đề về nhuận bút, vay vốn, thuế…

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm