Báo chí và doanh nghiệp đồng hành phục vụ tốt nhất cho độc giả

Sáng 20-6, tại TP.HCM, báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức Talkshow “Thông tin trung thực qua góc nhìn của doanh nhân”. Buổi Talkshow có sự tham gia của các diễn giả: ông Mai Ngọc Phước, Chủ nhiệm CLB Tổng biên tập TP.HCM, Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM; Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM; Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM; TS Nguyễn Vinh Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.

Video: Ông Mai Ngọc Phước, Chủ nhiệm CLB Tổng biên tập TP.HCM, Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM nói về vai trò của báo chí.

Tại đây, các diễn giả cùng trao đổi và tìm ra phương cách để các doanh nghiệp và nhà báo cùng đồng hành phục vụ tốt nhất cho độc giả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Các diễn giả trao đổi trong buổi Talkshow. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp

Báo chí là một kênh thông tin quan trọng, là cầu nối để doanh nghiệp phản ánh và truyền tải thông tin đến với các cơ quan quản lý, khách hàng, người dân.

Đánh giá về tầm quan trọng của báo chí đối với doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, mối quan hệ của doanh nghiệp và báo chí hiện nay đã được khẳng định với một vai trò hết sức quan trọng và góp phần không nhỏ cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Trên thực tế nhiều thông tin, chính sách, khó khăn, vướng mắc... đều được báo chí phản ánh kịp thời. Từ đó giúp doanh nghiệp gỡ vướng những vấn đề còn bất cập.

“Cơ quan báo đài cũng là nơi gần nhất, cung cấp thông tin rõ ràng nhất đến cho doanh nhân, doanh nghiệp. Có những chính sách bất cập đều được báo chí phản ánh kịp thời, từ đó giúp cho doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả tốt”-bà Chi nói.

Theo ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM, nhiệm vụ của báo chí là phải thông tin trung thực, khách quan. Báo chí là cầu nối giúp cơ quan chức năng thông tin những chính sách, những vấn đề pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Một nhiệm vụ nữa của báo chí là giúp phản ánh những vấn đề mà doanh nghiệp cảm thấy còn bất cập, không khả thi để cơ quan chức năng nắm được, từ đó có thêm thông tin để có thể bổ sung, sửa đổi. Bên cạnh đó, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng của các doanh nghiệp.

“Báo chí sẽ là nơi thông tin những vấn đề liên quan mà doanh nghiệp cần truyền tải thông điệp đến với khách hàng, đến với người dân. Hơn thế, báo chí còn là cầu nối giữa khách hàng của các doanh nghiệp, cụ thể là báo chí sẽ phản ánh những thông tin trung thực, khách quan những kiến nghị của khách hàng với doanh nghiệp”-ông Phước nói.

Thông tin cần trung thực

Trong thời gian qua, không ít những doanh nghiệp e ngại việc báo chí phản ánh những thông tin về doanh nghiệp thiếu trung thực và không đầy đủ, gây ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp.

Để xử lý thông tin thiếu chính xác, không trung thực, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM chia sẻ: “Trường hợp gặp một bài báo không tốt cho doanh nghiệp, đầu tiên tôi sẽ phân tích xem thông tin này từ báo chính thống hay báo không chính thống. Đồng thời phân tích đây là bài báo do phóng viên không nắm chính xác thông tin hay có sự cố ý.

Nếu trường hợp thông tin này từ báo chính thống, lập tức chúng ta phải có văn bản để chứng minh được rằng chuyện này là không chính xác đến cơ quan báo chí đó để xem xét, giải quyết, điều chỉnh.

Trường hợp thông tin đó đến từ báo không chính thống hoặc có sự cố ý thì một mặt chúng ta gửi đơn đến cơ quan báo chí đó đề nghị xem xét. Mặt khác chúng ta có thể gửi thêm đến cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ. Bên cạnh đó nên tổ chức họp báo để thông tin công khai trường hợp này"- ông Nghĩa nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Ngọc Phước cho rằng thông tin đến với bạn đọc cần trung thực, khách quan. Đối với báo Pháp Luật TP.HCM, nếu phản ánh những thông tin liên quan đến doanh nghiệp hoặc bất kỳ đối tượng nào thì phải có ý kiến đa chiều từ người phản ánh, các đối tượng bị phản ánh,...

"Đối với những trường hợp báo chí thông tin thiếu chính xác về doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cứ thông tin lại cho người có trách nhiệm xử lý thông tin đó. Trường hợp khác có thể tổ chức họp báo để thông tin lại cho rõ", ông Phước nói.

Cần có ý kiến đa chiều

Muốn phản ánh thông tin trung thực, khách quan thì nhà báo cần phản ánh đầy đủ, toàn diện và có ý kiến nhiều chiều. Điển hình, khi có thông tin liên quan đến doanh nghiệp, ngoài việc lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà báo cần có thêm ý kiến của nhiều đơn vị có liên quan khác để phản ánh chính xác.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm