Báo động an ninh bệnh viện

Trong những năm gần đây, tình trạng mất an ninh, trật tự tại các bệnh viện (BV) xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, trở thành một vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Đã đến lúc cần có một giải pháp phù hợp nhằm lập lại môi trường thanh bình cho các BV, tạo sự tin cậy, an tâm cho cả bệnh nhân lẫn đội ngũ y, bác sĩ. Vấn đề này được đưa ra thảo luận tại hội thảo An ninh BV - Thực trạng và giải pháp, do Ban Tuyên giáo trung ương, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 11-3 tại Hà Nội.

Bất an khi vào BV

GS-TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng có ba nhóm gây mất an ninh BV. Thứ nhất là trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, việc này diễn ra tại hầu khắp các cơ sở y tế trong cả nước. Thứ hai là “cò mồi”, giả danh bác sĩ, bắt cóc trẻ em. Và cuối cùng là tụ tập đông người, gây rối, phá hoại tài sản, ngưng trệ hoạt động của cơ sở y tế, ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh, thậm chí gây nguy hại đến tính mạng của đội ngũ nhân viên y tế và người bệnh.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tình trạng mất an ninh  thường xảy ra ở các BV lớn, có số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đông dễ dẫn đến tình trạng trộm cắp, móc túi, lừa đảo hoạt động hết sức tinh vi, trấn lột tiền bạc, tư trang của người bệnh và người nhà. “Nếu bị phát hiện, họ sẵn sàng lật lọng, đe dọa, thậm chí hành hung người bệnh và nhân viên y tế. Có nơi các đối tượng gây mất trật tự an ninh hoạt động theo băng nhóm nên rất hung hãn và trắng trợn” - ông Khuê nói.

 
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM luôn có bảo vệ tuần tra nơi đông người để ngăn chặn kịp thời kẻ xấu. Ảnh: HTD

Bà Lê Thị Thủy, Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, lại cho rằng phần lớn những vụ mất an ninh BV là do sự bức xúc của người dân trước trình độ chuyên môn, thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh. “Một số bác sĩ câu kết với “cò mồi” để lôi kéo bệnh nhân hoặc do bác sĩ tắc trách để xảy ra những sơ suất đáng tiếc; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến đập phá, bắt đền BV, hành hung bác sĩ” - bà Thủy nói.

Chưa được quan tâm đúng mức

Ông Khuê thừa nhận mặc dù Bộ Y tế có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh BV, tuy nhiên các biện pháp đảm bảo an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Theo nhiều đại biểu, nạn trộm cắp xảy ra ở BV với nhiều hình thức khác nhau, kẻ gian sử dụng nhiều “chiêu” và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động. Tuy nhiên, các BV hầu như không có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt mà chỉ dừng lại ở những tấm biển báo nhắc nhở. Trong khi đó, lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự của BV mỏng, thậm chí nhiều trường hợp khi bị các đối tượng côn đồ đe dọa bảo vệ cũng phải trốn chạy.

Đại diện Sở Y tế TP Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ yêu cầu giám đốc các BV có quy chế riêng về quản lý nhân viên y tế móc nối với “cò mồi” để xử lý nghiêm, đồng thời cải cách khoa khám bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm tình trạng lộn xộn tại các phòng khám.

Ông Phạm Văn Dung, Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), đề nghị Bộ Y tế nên đưa nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại BV là nhiệm vụ trọng tâm. “Hiện nay xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu theo sáng kiến của riêng mình. Trong Quy chế BV do Bộ Y tế ban hành năm 1997 chỉ đề cập chung chung là đảm bảo công tác an ninh, trật tự chung. Do vậy chưa đủ mạnh để các BV đầu tư và chú trọng đến công tác này” - ông Dung nói.

Theo ông Dung, ngành công an cũng nên quan tâm hơn với công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại BV, cần phát huy hơn nữa đường dây nóng giữa BV và công an để xử lý kịp thời các vụ việc khẩn cấp. Ngoài ra, Bộ Y tế nên xây dựng chính sách, đầu tư lắp camera an ninh giúp BV đảm bảo an ninh tốt hơn.

HUY HÀ

 

Một số vụ mất an ninh tại BV gần đây

- Ngày 9-1-2014, vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV Đa khoa quận 7, TP.HCM .

- Ngày 22-9-2013, hàng chục côn đồ xông vào BV Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đòi truy sát cả bệnh nhân lẫn bác sĩ.

- Ngày 12-8-2013, các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - BV Đa khoa Hà Tĩnh đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bị nhiều người thân của bệnh nhân lao vào đánh. Bác sĩ trưởng khoa bị đánh rách vùng trên mắt, một bác sĩ khác rách giác mạc, hai y tá bị đánh sang chấn vùng đầu. Người nhà bệnh nhân còn đập vỡ máy sốc tim và toàn bộ kính phòng điều trị của khoa này.

- Ngày 20-6-2013, khi đang cấp cứu một thanh niên bị tai nạn, hai y, bác sĩ của BV Đa khoa Lâm Đồng đã bị người nhà của bệnh nhân dùng ghế đánh trọng thương. Trước khi ra tay, người này lớn tiếng yêu cầu bác sĩ phải “chữa trị tốt” cho nạn nhân và một trong những nhân viên can ngăn đã bị nhóm thanh niên dùng ghế đánh gãy tay.

- Tháng 7-2012, vụ đập phá các thiết bị, cơ sở y tế tại BV Sản Nhi Cà Mau sau khi một nữ sản phụ mổ đẻ tại đây. Sau khi mổ lấy thai, bụng sản phụ đau nhiều, bác sĩ siêu âm không phát hiện bất thường. Một tuần sau, bệnh nhân tiếp tục đau bụng dữ dội, được gia đình đưa đến BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu. Sản phụ này tử vong chiều 28-7. Hai ngày sau, hơn 30 người thân của sản phụ kéo đến BV Sản Nhi Cà Mau đập phá và yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của người thân.

__________________________________________

Theo PA83, Công an TP Hà Nội, trong năm 2013 đã điều tra 133 vụ phạm pháp hình sự trong lĩnh vực y tế, làm rõ 123 vụ, đề nghị truy tố 73 đối tượng, phạt hành chính 39 đối tượng với số tiền hơn 130 triệu đồng. Phối hợp giải quyết chín trường hợp khiếu nại, tố cáo, tập trung đông người gây rối trật tự công cộng trong lĩnh vực y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm