Gần đây, Bệnh viện E (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các ca bệnh lóc tách động mạch chủ (còn gọi là bóc tách động mạch chủ), nhập viện trong tình trạng cấp cứu.
Lóc tách động mạch chủ có xu hướng trẻ hoá
Bệnh nhân Nguyễn Thị Dung (54 tuổi, ngụ Bắc Ninh) bị đau tức ngực đột ngột, sau đó lan dần ra phía sau lưng, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E.
“Sau khi đi ăn cỗ về, đột nhiên mẹ tôi ngã khuỵu xuống, cảm thấy rất đau ngực, nói không rõ. Trước đó, mẹ tôi không hề có triệu chứng gì bất thường”, người nhà bệnh nhân cho biết.
Tại Bệnh viện E, bệnh nhân được chẩn đoán bị lóc tách động mạch chủ tuýp A, biến chứng tràn máu màng ngoài tim, tắc mạn tính động mạch chậu trên nền bệnh tăng huyết áp. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 8 tiếng. Trong quá trình mổ, do thành động mạch chủ rất kém, các bác sĩ phải dùng nhiều thủ thuật để gia cố và hỗ trợ thêm cho thành động mạch, tránh nguy cơ chảy máu, rách cơ.
Cũng bị lóc tách động mạch chủ như bà Dung, nhưng biểu hiện của ông Phạm Văn Chức (51 tuổi, ngụ Nam Định) lại dữ dội hơn nhiều.
"Khi ấy, tôi đang trong cửa hàng thì tự nhiên cảm thấy đau buốt sống lưng, đau tức ngực tới không thở được, quằn quại, đứng ngồi đều không chịu được...", ông Chức nhớ lại.
Ông Chức được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu gấp tới Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, và phải tiến hành mổ cấp cứu ngay.
Theo bác sĩ Đoàn Văn Nghĩa, khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện E, thời gian gần đây, nơi đây thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh lóc tách động mạch chủ. Có tuần khoa tiếp nhận đến 3 ca nhập viện do căn bệnh này, trong đó người trẻ nhất mới 40 tuổi, không có bệnh lý nền.
“Lóc tách động mạch chủ cấp tính là bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, yêu cầu phẫu thuật cấp cứu càng sớm càng tốt. Đối với những người mắc bệnh này, sau mổ, cần hồi sức rất lâu. Đáng lưu ý, bệnh này thường xảy ra ở người 60-70 tuổi, đã thoái hoá thành động mạch chủ, có bệnh lý nền. Tuy nhiên, những trường hợp nhập viện gần đây phần lớn đều là người còn trẻ”, bác sĩ Nghĩa nói.
Mùa lạnh là "mùa lóc" trong năm
Theo bác sĩ Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, thời điểm chuyển từ ấm sang lạnh, nhiệt độ giảm sâu thường được gọi là “mùa lóc”, bởi đây là khoảng thời gian ghi nhận nhiều người gặp tình trạng lóc tách động mạch chủ.
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim, chạy vòng cung trong ngực, qua cơ hoành rồi xuống bụng. Động mạch chủ phân chia các nhánh cấp máu cho toàn bộ cơ thể.
Tình trạng lóc tách động mạch chủ thường xảy ra đột ngột, gây rách mạch chủ từ trong tim, khiến máu lưu thông đến các bộ phận của cơ thể bị chậm hoặc tắc nghẽn. Đồng thời, thành động mạch chủ sẽ yếu hơn và có nguy cơ vỡ, gây tử vong cao.
Cũng theo bác sĩ Hựu, tuỳ vào vị trí động mạch chủ bị thương tổn mà chia thành nhiều loại (tuýp A và B).
Trong đó, tuýp A là loại nguy hiểm nhất, bởi thành động mạch chủ bị lóc tách ở vị trí gần van tim, động mạch vành và các nhánh động mạch nuôi não. Khi xảy ra tai biến tại các vị trí này, hai cơ quan quan trọng nhất để duy trì sự sống là tim và não sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bác sĩ Hựu cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do huyết áp cao không được kiểm soát.
Cùng với đó, các bệnh lý về thành mạch như xơ vữa, thoái hóa mạch; các bệnh lý tim bẩm sinh như van động mạch chủ hai mảnh; các bệnh lý co phình động mạch, giãn lớn từ trước đó mà không được theo dõi; tình trạng co giãn mạch toàn thân, từ đó gây ra tình trạng mạch giãn dần, to ra và gây lóc tách.
Theo bác sĩ Hựu, di truyền và thay đổi thời tiết cũng là những yếu tố kích thích bệnh.
“Đặc biệt, gần đây ghi nhận nhiều trường hợp lóc tách động mạch chủ khi đang ở phòng tập gym, tập thể dục thể thao cường độ nặng. Do vậy, có thể nói yếu tố gắng sức, nhất là trong thời tiết lạnh, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này”, bác sĩ Hựu nói thêm.
Khi bị lóc tách động mạch chủ, người bệnh sẽ thấy đau tức ngực dữ dội, đột ngột, cũng có thể đau từ phía sau lưng lên đến vai, xuống bụng…
Lóc tách động mạch chủ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như tử vong do xuất huyết ồ ạt; tổn thương nội tạng, chẳng hạn như suy thận hoặc tổn thương đường ruột đe dọa tính mạng; đột quỵ; tổn thương van động mạch chủ (hở van động mạch chủ) hoặc vỡ lớp lót xung quanh tim (do tim bị chèn ép).
Bác sĩ Hựu khuyến cáo để tránh tình trạng lóc tách động mạch chủ, người bệnh cần điều trị, kiểm soát tốt vấn đề tăng huyết áp. Người đã có bệnh lý của phình giãn động mạch chủ ngực từ trước đó cũng cần theo dõi thường xuyên để kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
Lóc tách động mạch chủ là bệnh nguy hiểm. Khoảng 40% bệnh nhân tử vong ngay lập tức do vỡ hoàn toàn động mạch chủ gây chảy máu trong ồ ạt. Nguy cơ tử vong tăng thêm 1-3% mỗi giờ cho đến khi bệnh nhân được điều trị.
TS.BS NGUYỄN CÔNG HỰU, Giám đốc Bệnh viện E, Hà Nội