Và trong đa số trường hợp là do chính bác sĩ kê toa. Nếu như trước đây các loại thuốc giảm đau được chỉ định cho những ca đau nhức dữ dội do ung thư thì đến thập niên 1990, nhiều công ty dược phẩm đã “thao túng” để bác sĩ kê toa thuốc giảm đau cho những ca đau nhẹ hoặc mạn tính như đau lưng và họ cũng khẳng định rằng sẽ không có hiện tượng quen thuốc (nhờn thuốc). Trong khoảng từ năm 1991 đến 2011, các toa thuốc giảm đau như Oxycodone, Percocet, Vicondin… đã tăng lên gấp ba lần tại Mỹ và đến năm 2015 ước tính có đến 98 triệu người Mỹ, tức 36% dân số, dùng thuốc giảm đau, nhiều hơn cả số người nghiện thuốc lá và có hai triệu người Mỹ “nghiện” thuốc giảm đau nhóm opioid.
Thế rồi khi chính quyền vào cuộc thì bác sĩ có “chùn tay” nhưng bệnh nhân đã “nghiện” sau đó lại tự đi tìm những sản phẩm thay thế, ví dụ như thuốc phiện và thị trường chợ đen đã ăn nên làm ra. Tai ương này trước đây hoành hành tại những vùng nông thôn và những TP nhỏ tại các bang Kentucky, Oklahoma, Bắc Dakota… song hiện nay đã lan tràn khắp nơi, kể cả tại Canada. Năm 2016, số người chết do quá liều thuốc giảm đau đã tăng 62% tại bang Maryland và 39% tại bang Maine. Và tệ hơn nữa là tại Mỹ ngày càng có nhiều trẻ em vừa ra đời là đã “nghiện” thuốc Fentanyl vì người mẹ đã dùng thuốc này khi mang thai.
Từ đó thống đốc của nhiều bang tại Mỹ đã phải nhanh chóng tìm biện pháp để “dập dịch”. Bang Delaware đã ban hành một đạo luật tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đến chữa trị khi quá liều thuốc giảm đau và ngăn bác sĩ kê quá nhiều loại thuốc này. Cũng đã có những ngân hàng dữ liệu để kiểm tra xem bác sĩ kê toa thuốc giảm đau cho bệnh nhân như thế nào.
Đội ngũ y khoa tại Mỹ không thể không lo lắng, họ kêu gọi một hành động rộng khắp trên cả nước Mỹ để ngăn chặn vấn nạn, xem đó như một dịch bệnh như dịch tả hay bệnh cúm.