Báo Đức: Cục Điều tra Hình sự Liên bang Đức sử dụng phần mềm do thám của Israel

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Die Zeit ngày 7-9 cho biết Cục Điều tra Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã bí mật mua lại phần mềm do thám Pegasus do tập đoàn NSO của Israel phát triển để theo dõi các đối tượng.

BKA được cho là đã ký hợp đồng với NSO bất chấp “sư quan ngại từ luật sư” về việc lạm dụng loại phần mềm không chỉ để thu thập dữ liệu như email và danh bạ từ điện thoại di động cá nhân, mà còn cung cấp quyền truy cập vào micro và hệ thống camera trong điện thoại.

Theo tờ báo Đức, BKA lần đầu tiên đàm phán về việc mua lại Pegasus vào năm 2017 và bắt đầu sử dụng phần mềm vào năm 2019 để xâm nhập thiết bị của đối tượng tình nghi và có thể cả đối tác liên lạc của đối tượng.

Gian hàng triển lãm của tập đoàn viễn thông NSO của Israel ở Tel Aviv vào ngày 4-6-2019. Ảnh: REUTERS

Các nguồn tin cho biết, do quy định chặt chẽ của luật pháp Đức, phiên bản phần mềm Pegasus của BKA không có đủ tất cả các tính năng tiêu chuẩn. 

Theo đó, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức chỉ cho phép BKA giám sát điện thoại và máy tính của đối tượng trong những trường hợp đặc biệt, cũng như hạn chế các công cụ gián điệp và Pegasus sử dụng "trong một số ít trường hợp".

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những hạn chế này được đảm bảo như thế nào và liệu các cơ quan tình báo Đức có thật sự đã sử dụng phầm mềm này hay không.

Hiện tại, BKA và Bộ Nội vụ liên bang Đức đều từ chối đưa ra bình luận về các thông tin trên.

Lực lượng cảnh sát Đức. Ảnh: SPUTNIK

Phần mềm Pegasus của NSO đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trong khoảng thời gian qua. NSO cho biết họ chỉ bán sản phẩm cho các chính quyền để chống tội phạm và khủng bố quy mô lớn và khẳng định họ không có quyền truy cập vào dữ liệu do người mua thu thập được.

Ngược lại, theo nghiên cứu của một số tổ chức, phần mềm này còn được sử dụng để chống lại các nhà báo, các nhà hoạt động, luật sư và các thành viên của phe đối lập, cũng như các chính trị gia và nhà ngoại giao nước ngoài.

Theo kết quả điều tra, danh sách các mục tiêu bị theo dõi từ phần mềm Pegasus gồm ít nhất 600 chính trị gia, hơn 180 nhà báo, 85 nhà hoạt động nhân quyền và 65 lãnh đạo doanh nghiệp. 

Trước đó, một vụ bê bối đã xảy ra hôm 19-7, khi tổ chức phi lợi nhuận Forbidden Stories của Pháp và tổ chức nhân quyền Amnesty International công bố thông tin rằng chính phủ hàng chục quốc gia đã thường xuyên sử dụng Pegasus để giám sát bất hợp pháp khoảng 50.000 số điện thoại trên khắp thế giới.

Một nguồn tin tiết lộ cơ sở dữ liệu của Pegasus có thể chứa cả số điện thoại di động riêng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các mục tiêu của cơ quan tình báo Maroc, cũng như số điện thoại di động của cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe và 14 nhà lãnh đạo khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm