Bao giờ mới khởi công xây dựng cầu Cát Lái?

Với vai trò đặc biệt quan trọng của dự án cầu Cát Lái, từ năm 2003, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng cầu này để kết nối giao thông từ khu đô thị mới Nhơn Trạch với TP.HCM. Tuy nhiên, sau 18 năm, dự án vẫn chỉ được UBND tỉnh Đồng Nai và TP.HCM nhắc đến trong các cuộc họp bàn về phương án xây dựng.

Hiện tỉnh Đồng Nai và TP.HCM vẫn chưa có phương án hoàn chỉnh, thống nhất để xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà. Ảnh: AX

Chủ trương đã 18 năm

Từ ngày 9-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GTVT. Trong đó đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại quận 2 (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) vượt sông Đồng Nai.

Đến tháng 8-2018, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với Sở GTVT TP.HCM và đề xuất để Đồng Nai chủ trì, tổ chức mời các nhà đầu tư xây dựng cầu Cát Lái nhằm sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, đây là dự án có tổng mức đầu tư lên đến gần 7.200 tỉ đồng, việc triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị cùng TP.HCM nghiên cứu để có tính khả thi.

Đến tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì xây dựng cầu Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các sở, ngành tiến hành công tác khảo sát, lập các phương án để thống nhất với TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.

Để sớm triển khai xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Chính phủ giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). 

Trong các cuộc họp bàn về phương án xây dựng, sau khi nghe các đơn bị báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng thống nhất lựa chọn hai phương án gồm: Phương án 1, hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy, đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái. Đối với phương án này, cầu Cát Lái sẽ có ba quy mô lựa chọn, gồm bốn, sáu và tám làn xe.

Đối với phương án 2, vị trí cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2, cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450 m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1 km, rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái. Với phương án 2, cầu Cát Lái có hai quy mô lựa chọn, gồm sáu và tám làn xe.

Chưa có thời gian khởi công cụ thể

Tuy nhiên, giữa tháng 1-2021, Sở GTVT TP.HCM và Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc về phương án lưu thông khi xây cầu Cát Lái. Sở GTVT TP.HCM cho rằng cần nghiên cứu làm rõ xác định vị trí kết nối của các nhánh lên xuống cầu trên mặt cắt ngang đường vành đai 2 (trên cơ sở ưu tiên các làn xe đi thẳng đường này để đảm bảo không gây ùn tắc giao thông).

Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai nghiên cứu thêm phương án hướng tuyến đi theo đường có lộ giới 40 m trong cụm công nghiệp và kết nối vào đường Trương Văn Bang. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung giải pháp tổ chức hầm chui cho mô tô và xe thô sơ đi thẳng trên đường vành đai 2. Ngoài ra cần phân tích ưu điểm, nhược điểm đối với từng phương án, làm cơ sở so sánh, đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, hiện phía tỉnh Đồng Nai phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng các phương án hướng tuyến để cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, lựa chọn phương án phù hợp.

“Hiện Sở GTVT tổ chức hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái gửi về Sở GTVT TP.HCM trong thời gian sớm nhất. Sau đó tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm thống nhất các nội dung để phục vụ cuộc họp giữa lãnh đạo hai địa phương sắp tới” - lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết.

Đơn vị tư vấn thiết kế dự án xây dựng cầu Cát Lái là Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT đề xuất phân chia dự án thành hai dự án thành phần để thuận tiện cho việc đầu tư theo hình thức kết hợp BOT và ngân sách tỉnh Đồng Nai, TP.HCM. Cụ thể, dự án thành phần 1 sẽ bắt đầu từ nút giao với đường vành đai 2 đến hết trạm thu phí, được đầu tư theo hình thức đầu tư PPP kết hợp với sử dụng vốn BOT, ngân sách TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

Dự án thành phần 2, từ trạm thu phí đến cuối tuyến sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công, sử dụng ngân sách tỉnh Đồng Nai. Dự kiến tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là khoảng 9.000 tỉ đồng, trong đó phần vốn ngân sách TP.HCM tham gia dự án khoảng 1.300 tỉ đồng.

Như vậy, đã trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của hai địa phương, một phương án hoàn chỉnh để thực hiện xây dựng cầu Cát Lái vẫn còn chưa đến hồi kết. Các cơ quan chức năng TP.HCM vẫn chưa đồng ý với một phương án hướng tuyến đường kết nối mà phía đơn vị tư vấn và tỉnh Đồng Nai đưa ra. 

Vì vậy, thời gian cụ thể khởi công xây cầu Cát Lái vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. 

 

Tám nhà đầu tư nộp hồ sơ đấu thầu dự án cầu Cát Lái

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, hiện nay sở đã nhận được hồ sơ của tám nhà đầu tư đấu thầu thực hiện dự án BOT xây dựng cầu Cát Lái. Tuy nhiên, hiện nay do hai địa phương vẫn chưa thống nhất được phương án xây dựng cầu Cát Lái nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới