Hà, sinh viên năm hai của một trường đại học tại TP HCM đang bán bảo hiểm xe máy "rong" trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 cho biết, quê ở tỉnh lẻ, kinh tế eo hẹp. Những lúc rảnh rỗi ngoài giờ học, cô cùng nhóm bạn đi bán bảo hiểm xe máy để kiếm thêm tiền trang trải.
Theo Hà, cô được trả hoa hồng trên tổng phí bán trong tháng. Chẳng hạn, khi Hà bán bảo hiểm dưới 10 xe máy thì hưởng chiết khấu khoảng 45% trên tổng phí. Nếu bán được càng nhiều xe, số % hưởng sẽ tăng lên, cao nhất là 63% phí tổng (chưa bao gồm VAT) khi bán được cho 400-500 xe.
Một số bạn khác cho biết, có thể bán và hưởng chiết khấu ngay trong ngày. Nam, một bạn trẻ bán bảo hiểm xe máy trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 cho hay, chỉ cần bán đủ chỉ tiêu công ty giao trong ngày là sẽ được nhận tiền của ngày ấy luôn không cần phải đợi nguyên tháng. Cũng theo Nam, ai muốn bán cũng được, không cần phải trải qua lớp tập huấn nào cả.
Nở rộ bán bảo hiểm xe máy rong, giá bèo trên vỉa hè. Ảnh: Lệ Chi.
Bên cạnh việc bán trên vỉa hè, nhiều bạn hay, mang vào các lớp học buổi tối của các trường đại học để chào mời. "Vì các lớp học tối thường dành cho những anh chị đã đi làm nên nhu cầu mua bảo hiểm xe máy khá cao. Có đêm em bán được hơn chục xe", một bạn chia sẻ.
Nhiều đại lý bảo hiểm hiện nay cũng đang rao tin trên mạng, hoặc dán thông báo tuyển dụng khá rầm rộ, trong đó ưu tiên các bạn sinh viên, thời gian chủ động. Hoa hồng được giới thiệu là theo sản phẩm bán được, giá chiết khấu cao...
Tình trạng phát triển nóng, tràn lan và thiếu sự kiểm soát khiến chất lượng tư vấn của đội ngũ bán bảo hiểm cũng bị hạn chế, không ít người ví von, việc bán bảo hiểm xe máy hiện nay còn dễ hơn bán rau, cá ngoài chợ.
Chương trình bán bảo hiểm xe máy "rong" kiểu này đa phần đều áp dụng khuyến mãi “mua 1 năm, tặng 1 năm”. Giá bán ra là 35.000 đồng một năm và 65.000 đồng 2 năm; nếu khách hàng mua bảo hiểm cho cả người ngồi trên xe, giá 45.000-50.000 đồng mỗi năm và 85.000 đồng 2 năm. Thế nhưng, trong giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì ghi giá 66.000 đồng một năm.
Chị Huệ, khách mua bảo hiểm xe máy tại một điểm bán 'rong" trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 thắc mắc về việc giá bán rẻ liệu có ảnh hưởng về mặt giá trị bảo hiểm nếu xảy ra sự cố. Người bán chỉ giải thích, giá in trên chứng nhận bảo hiểm như vậy, nhưng do công ty đang có khuyến mãi nên mới ưu đãi giảm giá. "Công ty bảo bán sao thì em bán vậy chứ không biết gì hơn", người bán nói.
Trên thực tế, Bộ Tài chính quy định giá bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là 66.000 đồng một năm. Trong đó, 60.000 đồng là phí bảo hiểm, 6.000 đồng là tiền thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp ngân sách. Bộ Tài chính cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm được trích lại tối đa 20% hoa hồng cho các đại lý.
Ngoài ra, để thực thi Nghị định 103 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư 126, 103,151. Theo đó, khi bán sản phẩm bảo hiểm cho chủ xe, doanh nghiệp bảo hiểm phải bán đúng mức phí bảo hiểm và không được khuyến mãi, chi hỗ trợ đại lý dưới mọi hình thức ngoài mức hoa hồng bảo hiểm đại lý được hưởng theo quy định.
Nghị định 103 cũng quy định phạt tiền 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, Tổng giám đốc, giám đốc, kế toán trưởng và người liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi vi phạm quy định này. Như vậy, việc bán bảo hiểm xe máy khuyến mãi ưu đãi “mua 1 năm, tặng 1 năm” là hoàn toàn sai quy định.
Trước thực trạng giá bán bảo hiểm quá rẻ so với mệnh giá thật, hầu hết lãnh đạo các công ty bảo hiểm đều khẳng định việc khuyến mại này không phải là chủ trương của công ty. "Trong tất cả chính sách và văn bản ban hành, chúng tôi không có chính sách khuyến mại giảm giá dưới mọi hình thức đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới", lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại diện này thừa nhận, trong quá trình phát triển mạng lưới đại lý nhanh và rộng, khiến cho việc quản lý hệ thống đại lý còn nhiều bất cập, dẫn tới các hoạt động tự phát của đại lý mà công ty chưa kiểm soát hết được. Điều này phổ biến ở tất cả các công ty bảo hiểm đẩy mạnh bán lẻ.
"Lường trước được các việc làm sai quy định này, nên chúng tôi đã ban hành các hướng dẫn, quy định nội bộ trong công tác quản lý đại lý và đào tạo đại lý. Căn cứ vào hợp đồng đại lý được ký kết, chúng tôi sẽ xử phạt bằng tiền hoặc chấm dứt hợp đồng đại lý đối với các hành vi vi phạm", đại diện Công ty bảo hiểm BIC cho biết.
Cũng theo ông này, trong mọi trường hợp, giấy chứng nhận bảo hiểm đã được cấp cho khách hàng và chứng minh đã nộp đủ phí thì giá trị bảo hiểm đảm bảo cho khách hàng là nguyên vẹn.
Riêng về quy trình phát triển đội ngũ bán bảo hiểm xe máy hiện nay, ông cho rằng công ty luôn tổ chức các khóa đào tạo theo quy định và các khóa tự tổ chức để trang bị cho đại lý các kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng... Ngoài ra, công ty cũng tổ chức thêm các lớp đào tạo thường xuyên hàng tháng hoặc quý về sản phẩm và kỹ năng bán hàng (tối thiểu là 16h).
Theo Lệ Chi (VNE)