Báo “lá cải” hay là “lá ngón”?

Kẻ thủ ác tội một, báo “lá cải” tội 10!

Ngoài báo giấy thì tôi cũng đã nhiều lần xem các bài báo “lá cải” trên mạng. Thường thì tôi không chủ động tìm đọc mà là được mấy chị bạn “giới thiệu” để cùng bàn cách đối phó, giáo dục mấy đứa trẻ ở nhà. Lần nào đọc xong, tôi cũng đều có cảm giác là rất ác và rất dơ!

Không ác sao được khi chúng miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn. Cái ác được nhấn nhá từ cái tựa rồi dần dần trải dài trong nội dung. Chẳng hạn: Phút trải lòng của “sát thủ” nhí; Sẵn lòng tha thứ cho gã chồng “nổi điên” tẩm xăng dọa đốt chết vợ; Thoát trại điên, kẻ xẻ thịt trẻ em bị người làng nhốt kỹ như quái vật v.v… Tương tự, cái dơ cũng nằm ngay trên cái tựa và mức độ nhơ nhuốc dần dà đậm hơn đến mức ớn người. Đơn cử là các bài Băn khoăn về “vườn yêu”; Nữ sinh lớp 10 năn nỉ người yêu quay clip sex với tình địch để trả thù; Gay, iPhone và công nghệ tình một đêm; Cha tôi không tha bất cứ ai v.v…

Báo “lá cải” hay là “lá ngón”? ảnh 1

Dẫu biết mục đích của những tờ báo này là kiếm tiền thông qua các thông tin giật gân, câu khách nhưng thú thật tôi không hiểu lương tâm của các tay viết được cho là nhà báo đó đâu rồi? Giải thích sao về thiên chức định hướng dư luận của nhà báo? Cần khẳng định rằng khi để cho nhiều người, trong đó có lớp trẻ vốn còn ít kinh nghiệm sống phải gặm nhấm tội ác và sự suy đồi thì những tay viết đó cũng đang đồng lõa với các đối tượng sai phạm. Ngoài bị dư luận chê trách, họ có thể phải bị pháp luật trừng trị nặng gấp nhiều lần so với những đối tượng thủ ác mà họ đã tả. Vì nếu kẻ thủ ác chỉ phạm tội với 1-2 người thì các tay viết đó lại đang gây hại, “phạm tội” với cả xã hội.

Trên thực tế, đã có nhiều đối tượng phạm tội do bắt chước các hành vi được mô tả chi tiết qua phim ảnh, báo chí. Tôi và nhiều phụ huynh khác không thể không lo con em mình vô ý tiêm nhiễm các thói hư tật xấu từ các báo “lá cải” mà đúng ra phải gọi là báo “lá ngón” vì chúng cực kỳ độc hại. Tất nhiên chúng tôi sẽ theo dõi, nhắc nhở con cái nhưng chẳng lẽ các cơ quan quản lý báo chí lại bỏ mặc chúng tôi “tự chống đở” và để mặc những tờ báo đó tự tung tự tác, vi phạm Luật Báo chí?

MINH HUỆ

Họ đang tiếp tay cái ác!

Nếu như trước đây chỉ có báo mạng bình phẩm về đời tư và đưa hình ảnh lộ ngực, lộ mông của những diễn viên, ca sĩ… thì nay báo in cũng đầy những chuyện nhảm nhí, ghê rợn. Có lần tôi giằng lấy tờ báo mà hai đứa cháu (mới học lớp 10) giành nhau coi mới tá hỏa vì tờ báo này có hẳn chuyên mục viết cả trang giấy khổ A3 miêu tả cảnh ái ân thô thiển, dung tục không khác gì những cảnh trong phim cấp ba. Hỏi tụi nhỏ đọc báo này lâu chưa, sao lại đọc loại báo này thì tôi càng choáng khi tụi nó nói là bạn bè trong lớp đọc… hà rầm.

Những tờ báo này gây “ấn tượng” với bạn đọc bằng những vụ án liên quan đến cướp, giết, hiếp hay thuộc loại tình, tiền, tù, tội và được in màu sắc sặc sỡ với những tít tựa gây tò mò để “câu” bạn đọc. Những tờ báo này đang phê phán, lên án, ngăn chặn cái ác hay “tiếp tay” cái ác? Tôi không hiểu báo tả kỹ như vậy để làm gì trong khi cái chính là cách ngăn ngừa, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra thì những bài báo này chăm chăm miêu tả tội ác để nó càng ghê rợn hơn.

NGUYỄN HỮU ĐỨC  (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Lỗi của cơ quan quản lý báo chí!

Thời gian gần đây, báo “lá cải” bán đầy ở những nơi công cộng như bến xe, công viên, bệnh viện và được rất nhiều người dân mua đọc. Vì tính tò mò nên tôi cũng mua thử xem trong đó viết những gì mà sao nhiều người đọc một cách say sưa đến như vậy. Qua đó, tôi thấy những loại tờ báo này chuyên khai thác về đời tư nhân vật thông qua những câu chuyện cụ thể có thật. Tuy nhiên, bài viết thì lại dài lê thê, tô vẽ với những thông tin giật gân câu khách; trong khi mục đích của tờ báo muốn hướng đến người dân thì không rõ ràng.

Vì là nhân viên văn phòng nên mỗi buổi sáng tôi thường lên mạng đọc báo. Mặc dù tôi đã cố gắng chọn lọc thông tin để đọc nhưng rồi cũng bị đánh lừa bởi những cái tít “rất kêu”, rất “hoành tráng” nhưng khi đọc bài thì nội dung chẳng ăn nhập gì với cái tít cả. Báo “lá cải” đã đánh mạnh vào tâm lý tò mò của người đọc. Vì vậy, nội dung chủ yếu của những tờ báo này là chuyên đi bới móc đời tư của người khác, đặc biệt là chuyện của các “ngôi sao” trong giới showbiz. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của những người liên quan mà còn tác động tiêu cực đến độc giả. Giới trẻ dễ bắt chước lối sống phóng túng, cách ăn mặc hở hang, cách hành xử thiếu văn hóa của những nhân vật được liệt vào hàng “sao”. Những thông tin: cướp, giết, hiếp thường được các báo này mô tả rất chi tiết và ghê rợn. Điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý bạn đọc, gây ám ảnh cho phụ nữ mang thai, thiếu niên và những người có thần kinh yếu.

Để xảy ra tình trạng báo “lá cải” tràn lan như hiện nay, tôi nghĩ rằng có một phần lỗi rất lớn của cơ quan quản lý báo chí. Để cho ra đời một tờ báo, các cơ quan này phải đề ra những tiêu chí cụ thể, không chỉ về nội dung tin, bài mà còn phải có những yêu cầu nhất định đối với người làm báo (nghiệp vụ, đạo đức báo chí). Đối với những tờ báo vi phạm về nội dung xuất bản thì cơ quan quản lý cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

NGUYỄN PHI  (TP Biên Hòa, Đồng Nai)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm