Bạo lực gia đình: Trao quyền cho chủ tịch xã là hợp lý

(PLO)- Theo dự thảo nghị định mới, việc xử lý hành vi bạo lực gia đình sẽ nhanh hơn, có tính răn đe và đạt hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2023) do Bộ VH-TT&DL chủ trì soạn thảo.

Theo dự thảo, người bị BLGĐ, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị BLGĐ khi thấy hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bị BLGĐ thì đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ra quyết định cấm tiếp xúc.

Dự thảo còn quy định người có hành vi BLGĐ đã bị cấm tiếp xúc hai lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi BLGĐ thì chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại Điều 134 BLHS về tội cố ý gây thương tích.

Một nạn nhân của bạo hành gia đình với chằng chịt vết thương do chồng bạo hành. Ảnh: AH

Một nạn nhân của bạo hành gia đình với chằng chịt vết thương do chồng bạo hành. Ảnh: AH

Bạo lực gia đình, xử lý muộn hậu quả khó lường

Em TT (20 tuổi), đang sinh sống tại TP.HCM, từng là nạn nhân của BLGĐ. Em T kể lại trong nước mắt: Trước đây, cả gia đình gồm T và cha mẹ sống trong căn nhà ở quận 4, TP.HCM. Cuộc sống gia đình cũng hạnh phúc nhưng ba năm trở lại đây, vì kinh tế gia đình gặp khó khăn, cha em đổi tính, thường hay nhậu nhẹt rồi đánh đập vợ con.

Thời gian đầu bị BLGĐ, em T và mẹ cố chịu đựng. Thế nhưng càng chịu đựng thì những trận đòn roi từ cha em càng nhiều hơn. Cha em hết dùng tay đánh hai mẹ con đến dùng dao dọa giết… Khoảng đầu năm 2023, em T và mẹ quyết định nhờ chính quyền địa phương can thiệp.

Thế nhưng việc giải quyết chỉ dừng lại ở chỗ công an phường, cán bộ UBND phường xuống can ngăn, vận động, khuyên giữ gìn trật tự. Và để tránh những chửi bới, tra tấn tinh thần, em T và mẹ đã chuyển đi nơi khác sinh sống.

Một trường hợp khác là chị HTK, ở TP.HCM, cho biết mấy tháng nay chị đã gửi đơn đi khắp nơi để xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình.

Chị K trình bày: Mẹ chị ly hôn với cha ruột chị lúc chị mới bốn tuổi. Sau khi nuôi con đủ khôn lớn, mẹ chị đi thêm bước nữa với người đàn ông tên Th. Những tưởng quãng đời còn lại mẹ có người đàn ông yêu thương, bao bọc, chở che… Thế nhưng số phận của mẹ chị kể từ đây đã khổ càng thêm khổ.

Người chồng sau thường xuyên chửi mắng, đánh đập mẹ chị thậm tệ. Mẹ chị K cứ phải chịu đựng BLGĐ hết lần này đến lần khác.

Đỉnh điểm nhất, vào một ngày cuối tháng 7-2022, ông Th lại giở thói vũ phu đánh đập mẹ chị K. Trong lúc xô xát, mẹ chị vì tự vệ đã dùng dao phản kháng và kết quả đã làm ông Th tử vong. Hiện mẹ chị K đang bị khởi tố, điều tra về tội giết người.

Xử lý tùy theo mức độ vi phạm

Trao đổi với PV, bà Lương Nguyễn Ngọc Trinh, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết theo quy định tại Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, Quyết định 825/QĐ-UBND của UBND TP.HCM thì khi tiếp nhận thông tin, UBND phường sẽ có chỉ đạo đối với thành viên ban chỉ đạo (BCĐ) công tác gia đình. Cụ thể là phối hợp với công an, các cá nhân, tổ chức liên quan kiểm tra, xác minh nguồn tin, đánh giá sơ bộ thực trạng vụ việc, mức độ gây tổn hại của nạn nhân.

Có nhiều lý do khiến người bị bạo hành không lên tiếng, như không muốn để người khác biết những vấn đề trong gia đình mình.

Sau đó, các thành viên BCĐ sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho nạn nhân như buộc chấm dứt hành vi BLGĐ, cấp cứu nạn nhân, đảm bảo an toàn tính mạng, nhân phẩm cho nạn nhân…

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của hành vi BLGĐ mà có cách xử lý khác nhau như hòa giải, phê bình trong khu dân cư, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Với dự thảo nghị định mới sẽ giải quyết rất nhanh, kịp thời các vụ việc BLGĐ. Cụ thể, theo quy định hiện nay, nếu người thường xuyên có hành vi BLGĐ đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày áp dụng các biện pháp vẫn có hành vi BLGĐ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi BLGĐ thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Như vậy không đủ tính răn đe.

Ngoài ra, theo quy định hiện nay, việc cấm tiếp xúc phải có đủ các điều kiện như có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ…, hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân; người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

Dự thảo có quy định mới, theo đó người bị BLGĐ, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị BLGĐ khi thấy hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bị BLGĐ thì đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ra quyết định cấm tiếp xúc.

Như vậy, quy định mới giúp việc xử lý hành vi bạo lực được nhanh hơn, có tính răn đe hơn, hiệu quả hơn nhiều trong việc xử lý BLGĐ” - bà Trinh chia sẻ.•

Phải lên tiếng để bảo vệ chính mình

Trong thực tế, có không ít trường hợp phụ nữ (hoặc cả nam giới) bị bạo hành nhưng không dám lên tiếng, thậm chí còn cố tình che giấu hành vi bạo lực cho chồng (vợ) của mình.

Có nhiều lý do khiến người bị bạo hành không lên tiếng, như không muốn để người khác biết những vấn đề trong gia đình mình. Đó là hiện tượng mà ông bà mình vẫn hay nói “tốt khoe xấu che”, có trường hợp giấu kín chuyện bị bạo hành để giữ “hòa khí” cho gia đình, tránh nguy cơ gia đình đổ vỡ.

Hoặc không ít trường hợp chị em đã báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhưng những hình phạt của chính quyền vẫn chưa đủ sức răn đe người bạo hành và cuối cùng họ vẫn “chứng nào tật nấy”.

Hành vi bạo hành càng thô bạo và nặng nề khiến người bị bạo hành không còn cảm thấy an tâm khi nhờ sự trợ giúp. Cuối cùng họ chọn cách im lặng chịu đựng cho qua chuyện, đến khi mọi chuyện được phát hiện thì hậu quả đã rất nghiêm trọng.

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ ĐÀO LƯU, giảng viên khoa Xã hội

và Nhân văn Trường ĐH Văn Lang

TRẦN MINH

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…