Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến nền tảng của xã hội

(PLO)- Bạo lực gia đình thể hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ như chửi mắng, lăng mạ, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; xúc phạm danh dự nhân phẩm của vợ, không cho vợ con thực hiện các quyền của mình...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-2, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp UBND, UBMTTQ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS, Công an phường 9, quận 11 tổ chức phiên tòa giả định xét xử hành vi “Cố ý gây thương tích” liên quan đến hành vi bạo lực gia đình.

Chương trình phiên tòa giả định được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình phiên tòa giả định được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình phiên tòa giả định được tổ chức nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên trong công tác tuyên truyền, tham gia đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình.

Nội dung của phiên tòa giả định được lấy từ những phiên tòa xét xử thực tế. Trong quá trình diễn án, một số tình tiết, cũng như các thông tin về nhân thân của các nhân vật được thay đổi cho phù hợp với tình huống đặt ra.

Cụ thể nội dung vụ án giả định như sau: Ông Nguyễn Văn An nhiều lần chửi mắng, đánh đập vợ là bà Lê Thị Hiền trong suốt thời gian dài. Một tối đi nhậu về, ông An gạt tay khiến vợ ngã mạnh xuống đất. Thấy vợ bị ngã nhưng An bỏ mặc để đi vào phòng ngủ. Hậu quả là bà Hiền bị gãy xương cánh tay, phải phẫu thuật sắp xương, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 35%.

Người dân cùng các ban ngành đoàn thể, cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị xã hội phường 9, quận 11 tham dự phiên tòa giả định. Ảnh: TRẦN LINH

Người dân cùng các ban ngành đoàn thể, cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị xã hội phường 9, quận 11 tham dự phiên tòa giả định. Ảnh: TRẦN LINH

Sau khi xuất viện, bà Hiền đã trình báo sự việc với Hội Liên hiệp phụ nữ quận 11 để nhờ hỗ trợ giải quyết theo quy định pháp luật. Ông An bị truy tố ra trước TAND quận 11 về tội “Cố ý gây thương tích”.

Tại tòa, trả lời hội đồng xét xử, bị cáo cho biết vì là lao động chính trong nhà, nên mỗi khi gặp vấn đề ức chế trong công việc, hay chỉ đơn giản là không hài lòng với vợ là ông ta sẽ to tiếng chửi bới và thậm chí hành hung vợ.

“Thường thì tôi chỉ đánh bằng tay chân, có lần thì tôi tát, có lần thì tôi đá, hoặc khi bực tức thì tôi dùng cái điều khiển tivi, cái chén, cái ly ném vợ tôi” - bị cáo An trả lời.

Những người tham dự phiên tòa đã rất bức xúc khi nghe bị cáo kể về những hành vi sai trái đối với vợ trong thời gian dài. HĐXX cũng giải thích rằng những hành vi này của bị cáo là trái đạo lý vợ chồng, vi phạm về pháp luật.

Chương trình tuyên truyền sinh động, trực quan

Hàng năm, Hội LHPN phường đều có các hoạt động tuyên truyền đến hội viên trên địa bàn phường. Bình thường thì sẽ có các báo cáo viên, các luật sư về địa bàn phường tuyên truyền.

Năm nay, Hội LHPN cùng với Chi hội Luật sư, các ban, ngành, đoàn, thể tổ chức tuyên truyền pháp luật với hình thức là phiên tòa giả định. Với chương trình này, công tác tuyên truyền trở nên sinh động, trực quan hơn và đến được gần hơn với nhiều người”.

HUỲNH THỊ THANH TRÚC, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 9, quận 11

“Không phải khi đánh vợ gây thương tích nặng mới là có hành vi bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình thể hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ như chửi mắng, lăng mạ, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, xúc phạm danh dự nhân phẩm của vợ, không cho vợ con thực hiện các quyền của mình” - vị chủ tọa nói.

Người vợ cho biết bà âm thầm chịu đựng suốt thời gian dài vì nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Hành động đánh vợ lần này là giọt nước tràn ly, làm cho tình cảm vợ chồng không còn nữa.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, với nhận định: hành vi của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến sự bền vững của hôn nhân và gia đình, là nền tảng của xã hội...

Phiên tòa giả định kết thúc trong tiếng vỗ tay của những người tham dự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm