Dĩ nhiên nhiều người bất bình với hành vi này nhưng ở chiều ngược lại, nhiều người cũng thông cảm, bênh vực Khánh vì “ai mà không có lúc nóng giận”. Khánh cũng đã xin lỗi, cô gái đã tha thứ, câu chuyện đã có một cái kết êm ả.
Nhưng điều khiến tôi suy nghĩ mãi đó là câu “ai mà chẳng có lúc nóng giận” hay được mang ra để bào chữa cho những hành vi bạo lực quá dễ dàng. Nó quen thuộc đến mức đa số chấp nhận đó như một điều hiển nhiên, xem những phút giây mất kiểm soát như là ngoài ý muốn, đến từ bên ngoài chứ không phải do sự thiếu trưởng thành của bản thân.
Làm gương xấu cho con trẻ
Trong quá trình lớn lên và trưởng thành, rất nhiều đứa trẻ đã không học được bài học cực kỳ quan trọng là kiểm soát bản thân, không được sử dụng bạo lực để cư xử văn minh, cao thượng.
Bạo lực từ cơn nóng giận quen thuộc đến mức hầu như ông bố bà mẹ nào cũng đã chửi mắng con, nặng hơn nữa là đánh con. Nhiều gia đình mà cha mẹ cãi nhau như cơm bữa, đánh chửi nhau trước mặt con cái. Có thể sau đó họ cũng nhận ra mình sai nhưng lý do đưa ra để bào chữa luôn là trong lúc nóng giận không thể bình tĩnh được.
Cú tát của chàng kiến trúc sư dậy sóng cộng động mạng những ngày qua. Hình: Internet
Khi đến trường, nhiều đứa trẻ cũng đã gặp một vài thầy cô nổi nóng xúc phạm học trò, đánh đòn vào mông, đuổi trẻ ra khỏi lớp. Có những clip đăng trên mạng cho thấy có thầy giáo không kiềm chế được sự tức giận, đã túm cổ đánh học sinh và bị học sinh đánh lại. Khi thầy cô còn không đủ kiểm soát, làm sao dạy được bọn trẻ bài học về sự kiểm soát bản thân.
Việc một vài cô bảo mẫu khi nổi nóng đã bạo hành trẻ dưới 5 tuổi cũng được bào chữa thế này: “Con mình tức quá mình còn đánh, huống hồ cô phải trông coi mấy chục đứa trẻ”. Việc bào chữa cho sự nổi nóng và bạo lực quả thật quá dễ dàng. Người lớn đã gieo vào đứa trẻ suy nghĩ rằng khi nóng giận có thể dùng bạo lực với người khác. Chúng cũng dễ dàng sử dụng bạo lực trở lại với người khác khi chúng nổi giận.
Khi bọn trẻ con đánh nhau, đó cũng là một cơ hội tuyệt vời để dạy con về sự kiểm soát và từ bỏ bạo lực. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại hay cho rằng đó là chuyện trẻ con, hoặc đi tìm đứa trẻ kia để “dằn mặt” chúng hoặc cha mẹ chúng.
Thiếu trưởng thành trong ứng xử xã hội và luật pháp
Trong một lần dự phiên tòa lưu động xét xử một bị cáo với hai tội danh “giết người” và “cố ý gây thương tích”, tôi đã chứng kiến thấy rất nhiều người dân bênh vực cho bị cáo với lý do bị cáo giết tình địch tàn nhẫn, có chủ ý, có chuẩn bị kỹ càng nhưng lỗi trước hết là do vợ bị cáo ngoại tình.
Hội đồng xét xử hôm đó cũng đã khá nặng lời với vợ bị cáo. Và trong một số bài viết của đồng nghiệp, tôi đọc từng câu, từng chữ nhấn mạnh lỗi của người vợ, “thông cảm” với bị cáo là đã mất kiểm soát vì nóng giận. Khi nói tới câu chuyện này, nhiều người cũng nói với tôi: “Trong trường hợp đó, có khi tôi cũng giết người, ai mà bình tĩnh nổi”. Tôi hỏi lại: “Vậy những đứa trẻ con anh/chị sẽ ra sao? Các anh/chị không sợ vào tù hay sao? Chúng ta có quyền trừng phạt người khác bằng bạo lực hay sao?”. Nhiều người vẫn khẳng định: “Chém rồi vào tù cũng được chứ không làm gì thì mang nhục”.
Trong một hội thảo của UNICEF về phòng chống bạo lực, nhiều đại biểu đã cho rằng, một số thông tin từ truyền thông đã củng cố thêm những định kiến xã hội gây ra bạo lực thay vì đấu tranh loại trừ nó. Bào chữa cho các hành vi bạo cũng là một nguyên do.
Gần đây xảy ra nhiều vụ vây đánh chết kẻ trộm chó, đánh trọng thương người nghi ngờ bắt cóc trẻ em vì “quá bức xúc”. Họ xuống tay dã man để “xả” hết mọi cơn tức giận vào một đối tượng, bất chấp hậu quả pháp lý dẫn đến đâu. Tôi nghĩ về những gia đình tan nát vì tù tội, nghĩ về những gia đình mất người vì đám đông hung hãn. Chắc khi xuống tay, họ không nghĩ xa xôi đến thế. Hoặc có nghĩ mà vẫn bất chấp thì quả thật họ đã quá vô trách nhiệm.
Kiểm soát bản thân phải là bài học đầu tiên
Tôi có một cô bạn theo chồng sang định cư ở Mỹ. Cô cho biết cô đã học được rất nhiều từ chồng về cách dạy con. Một hôm con trai 4 tuổi của cô nổi nóng đánh nhau với bạn, chồng cô đã đưa con về phòng để trò chuyện. Cậu bé vẫn tiếp tục la hét, anh bèn đi ra ngoài và đóng cửa lại. Cậu bé đã gào thét khản cổ, đập cửa rầm rầm, sau đó là khóc lóc rất tội nghiệp. Nhưng chồng cô kiên nhẫn đợi khi bé bình tĩnh trở lại mới trở vào phòng tiếp tục trò chuyện. Anh nhắc đi nhắc lại với con: “Con không được bạo lực với người khác. Con phải bình tĩnh để nói chuyện”.
Ở trường học, các bé cũng sẽ luôn được học bài học này, phải luôn bình tĩnh và kiểm soát cảm bản thân. Bạo lực là một điều đáng xấu hổ và vi phạm pháp luật. Thực tế cũng đúng là như vậy, cảnh sát sẽ có mặt “hốt” ngay kẻ nào bạo lực với trẻ em, phụ nữ. Cộng đồng sẽ khinh bỉ họ, bất kể nguyên nhân gây ra cơn nóng giận đó là gì.
Một người bạn nước ngoài sống ở quận 7, đã hốt hoảng chạy đến can một anh chàng túm tóc đánh người yêu vì gây gổ và suýt xảy ra một trận đánh nhau. Bạn kể lại với tôi, tôi nói đùa: “À, biết đâu hôm qua cô ấy đã làm gì sai trái”. Người bạn của tôi không nhận ra tôi nói đùa, đã nghiêm nghị nói với tôi: “Không ai có quyền dụng bạo lực với người khác, điều cậu nói thật vớ vẩn".
Tôi nhận ra một điều, bạn làm gì trong lúc tức giận sẽ phản ánh chính xác mức độ trưởng thành của bạn trên cả hai phương diện cá nhân và xã hội.