Bao nhiêu tiền đã ‘đổ’ xuống sông?

Khi PV đề nghị trao đổi thêm thông tin thì ông Tư từ chối trả lời với lý do bận họp. Cũng trong chiều 26-5, chúng tôi cố gắng liên lạc với chủ đầu tư nhưng không thành.

Theo tìm hiểu của PV, dự án lấn sông trên tên là Pegasus Riverside, có tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng, được Công ty Toàn Thịnh Phát khởi công vào tháng 9-2014. Hiện chủ đầu tư đã thi công được khoảng 90%. Công ty Toàn Thịnh Phát không công bố chi phí đã đổ vào dự án nhưng theo báo cáo tài chính của công ty, đến cuối năm 2014 họ đã chi gần 104 tỉ đồng cho dự án này. Được biết Toàn Thịnh Phát cũng vay ngân hàng gần 52 tỉ đồng để thực hiện dự án. Tiền vay sẽ được hoàn trả nhiều đợt, bắt đầu từ năm 2016.

Trước đó, Toàn Thịnh Phát đã xác định The Pegasus Riverside là một trong hai dự án trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2015-2020. Trong giai đoạn 2015-2017, Toàn Thịnh Phát dự kiến xây kè, san lấp, di dời trạm bơm, thi công hạ tầng… và xây thô 108 nhà phố rồi bán với doanh thu ước 555 tỉ đồng và lời 200 tỉ đồng. Từ năm 2017 đến 2020, công ty tiếp tục xây căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ, khách sạn và kỳ vọng lợi nhuận đạt 260 tỉ đồng. Nhưng trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, chủ đầu tư đã đề nghị tạm dừng dự án vào tháng 3-2015.

Ở dự án lấn sông này, Công ty Toàn Thịnh Phát được gì? Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát, nói công ty làm dự án không phải vì lợi nhuận mà mục tiêu đầu tiên là cải tạo cảnh quan dòng sông. Ông Kiệt cũng cho hay dự án mới đang làm nên chưa biết công ty đóng góp cho ngân sách bao nhiêu về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là bao nhiêu nhưng chắc chắn là sẽ có và ở dự án này rủi ro nhiều nhất là tiền sử dụng đất. Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, chính sách hiện nay không khuyến khích cho việc lấn hồ, lấn sông… nên không có quy định miễn, giảm nghĩa vụ tài chính trong các dự án như dự án lấn sông Đồng Nai. Nếu các chủ đầu tư được phép lấn, lấp sông làm dự án thì phải nộp tiền sử dụng đất như các dự án khu đô thị thông thường (như Công ty Phú Mỹ Hưng được giao thực hiện trên vùng sông nước, đầm lầy của TP.HCM cũng phải nộp tiền sử dụng đất). Các chủ đầu tư cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), được tính dựa theo chênh lệch giữa đầu ra (giá bán) và đầu vào (chi phí chi trả cho việc lấn, thực hiện dự án).

Giám đốc một DN bất động sản cho rằng trong dự án này, Công ty Toàn Thịnh Phát đã có được một lợi thế mà không dễ đơn vị nào cũng có được. “Khi thực hiện một dự án thì DN phải rất tốn kém cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ở đây, Công ty Toàn Thịnh Phát chỉ tốn kém chi phí san lấp mặt bằng nhưng lại có lợi thế cực kỳ tốt, đó là “view” hướng ra dòng sông” - vị này nói.

GIA NGHĨA - TIẾN DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm