Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Pháp Luật TP.HCM đã đến Trường Đại học Luật TP.HCM tri ân và chúc mừng tới đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường.
Tại buổi gặp mặt thân mật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Nguyễn Đức Hiển gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM.
Phó Tổng Biên tập Thường trực Nguyễn Đức Hiển cho rằng trong thời gian qua, Trường Đại học Luật TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng với 8 khoa chuyên ngành, gần 400 viên chức, người lao động, quy mô đào tạo khoảng 10.000 người học và là một trong hai trường (cùng với Trường ĐH Luật Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định năm 2022 về thực hiện trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật của cả nước. Trường Đại học Luật TP.HCM đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ này, thu hút đông các sinh viên giỏi theo học, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của trường.
Tại buổi gặp mặt, đoàn của Trường và Báo đã bàn luận sơ bộ một số vấn đề mang tính thời sự, pháp lý để cùng hợp tác trong tương lai vì lợi ích chung của cộng đồng.
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM đã gửi lời cảm ơn sâu sắc và bày tỏ niềm vui trước sự quan tâm của Báo Pháp Luật TP.HCM.
Hòa trong không khí hân hoan cùng hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động chào mừng nhân dịp đặc biệt này.
Sáng 20-11, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức chương trình Gặp mặt tri ân nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-198 - 20-11-2024). Tham dự buổi lễ có sự tham dự của đông đảo cựu giáo chức, cán bộ, giảng viên và sinh viên, cựu sinh viên của trường. Đây là dịp để thầy và trò cùng ôn lại truyền thống tôn sư trọng đạo và ghi nhận những cống hiến của đội ngũ thầy cô giáo, sự lớn mạnh không ngừng của trường.
Trải qua 48 năm hình thành và phát triển, trường ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng đào tạo, cơ cấu tổ chức và nâng cao trình độ đội ngũ. Từ giai đoạn đầu có ít chuyên ngành đào tạo và ít đơn vị chức năng, đến nay trường đã liên tục phát triển và mở rộng các chuyên ngành đào tạo với các ngành có liên quan đến luật trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý, ngôn ngữ và các đơn vị chức năng để đáp ứng yêu cầu công tác phát triển trong điều kiện mới.
Trường đang tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt, đứng đầu trong các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Luật ở Việt Nam; đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có uy tín cao về đào tạo luật trong khu vực ASEAN và châu Á. Đồng thời, mở rộng ra các ngành khác, góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, linh hoạt cho nhiều lĩnh vực.
Trường Đại học Luật TP.HCM định hướng đến năm 2030, Trường sẽ trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu.
Để thực hiện mục tiêu đó, trường sẽ tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt, đứng đầu trong các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Luật ở Việt Nam; đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có uy tín cao về đào tạo luật trong khu vực ASEAN và châu Á. Đồng thời, mở rộng ra các ngành khác, góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, linh hoạt cho nhiều lĩnh vực.
Tại buổi lễ kỷ niệm, trường đã vinh danh giảng viên nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu” năm 2024 do Bộ GD&ĐT trao tặng, tặng quà tri ân các cựu giáo chức và tuyên dương bảy giảng viên, chuyên viên trẻ tiêu biểu năm 2024 của trường.
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải Golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Giải Golf mở rộng lần 1 năm 2024 với với sự tham gia của 144 golfer là các cựu giảng viên, cựu sinh viên và các doanh nhân đang công tác trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp.
Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết mục đích của giải golf là nhằm tăng cường sự giao lưu, học hỏi, gắn kết giữa giảng viên, cựu người học, các đối tác với nhà trường và đặc biệt là thể hiện tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ giữa các thế hệ người học với nhau, gây quỹ học bổng của các thế hệ đi trước nâng đỡ dìu dắt các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để đạt đến ước mơ của mình.
Kết thúc giải, trường đã tổ chức đấu giá một chiếc xe Vespa cổ (sản xuất năm 1962) được 200 triệu đồng và nhiều golfer đã quyên góp vào Quỹ hỗ trợ cho Sinh Viên nghèo vượt khó 200 triệu đồng, nâng tổng giá trị đóng góp hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên tổng 400 triệu đồng.