Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng với nguồn thu từ đơn vị, kết hợp xã hội hóa giáo dục, thư viện tại nhiều trường học ở TP.HCM đã “lột xác ngoạn mục”, trở thành điểm đến quen thuộc của học sinh vào mỗi giờ giải lao.
Đến thư viện tìm niềm vui khó tả
Thư viện thông minh của Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) được bố trí ở lầu 1 của trường là nơi em Đinh Hoàng Bách, học sinh (HS) lớp 5/2, thường hay tìm tới. “Em thích nằm gối đầu lên chú gấu bông to và mềm mại trong phòng, tha hồ đọc các loại sách, truyện mình yêu thích” - cậu bé cười hóm hỉnh.
Được tham dự một tiết học tại thư viện thông minh của trường, PV có dịp quan sát nhiều hoạt động bổ ích diễn ra tại đây. Góc này một nhóm tập trung học trên tablet, góc kia một nhóm tương tác trên bảng đa nhiệm rất sôi sổi.
Đang cùng bạn học tiếng Anh qua phần mềm Duolingo trên tablet, Nguyễn Gia Nhi, HS lớp 5/2, chia sẻ hồn nhiên: “Em thích những giờ học trên thư viện. Bởi ở đây vừa mát mẻ lại được học ngoại ngữ, luyện từ trên tablet cùng với các bạn”.
“Sự đổi thay của thư viện đã thu hút HS tìm đến ngày càng nhiều. Các em rất mong chờ những tiết học được tổ chức tại đây. Còn với giáo viên (GV), thư viện là nơi tổ chức các tiết học thú vị với nhiều hoạt động khác nhau” - cô Dương Thị Ánh Nguyệt, GV chủ nhiệm lớp 5/2, bộc bạch.
Thư viện được đầu tư hiện đại nên công việc của cô Đỗ Hồng Thắm, nhân viên thư viện, đòi hỏi cao về trình độ ứng dụng công nghệ thông tin. “Thư viện không chỉ là nơi đọc sách, mà còn là nơi tổ chức các tiết học với nhiều nội dung phong phú. Do có trang thiết bị hiện đại, không gian rộng, ở thư viện GV và HS đều có thể thỏa sức sáng tạo” - cô Thắm bộc bạch.
Thư viện thông minh: Trái tim của trường học
Thư viện thông minh của Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) sẽ khiến không ít người có cảm giác choáng ngợp với không gian rộng mở thoáng đãng, trang thiết bị hiện đại và hàng trăm đầu sách các thể loại luôn được cập nhật mới…
Trong tiết học tiếng Anh được tổ chức tại thư viện trường vào một ngày giữa tháng 11, HS ngồi theo nhóm quanh những chiếc bàn tròn, mỗi em được trang bị một máy tính. Phía bảng tương tác, cô giáo Phan Gia Nghi say sưa truyền đạt kiến thức cho HS thông qua các ứng dụng Google. Sự tương tác giữa cô và trò rất tích cực.
Thư viện thông minh trong các trường học trên địa bàn TP.HCM nằm trong lộ trình thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030” do UBND TP.HCM phê duyệt và ban hành.
Thư viện thông minh sẽ là nơi lưu trữ, truy xuất, chia sẻ và tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng. Đồng thời kết nối với các thư viện trong nước và khu vực để hình thành những thư viện liên hợp, liên quốc gia giúp khai thác đa dạng các nguồn tài liệu.
“Tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế” là tám từ mà em Nguyễn Quốc Khang, HS lớp 8/3, miêu tả về thư viện trường mình. “Thư viện không chỉ rộng mà còn có nhiều thiết bị điện tử, bảng tương tác phục vụ cho việc học. Do được bố trí khá khoa học nên ở đây chúng em có thể vừa học bài vừa đọc sách và sinh hoạt các câu lạc bộ” - Khang khoe.
Ông Nguyễn Hữu Thanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau tiết học này, bàn ghế sẽ được gấp gọn, nhường chỗ cho hoạt động stem của HS. “Thư viện giống như trái tim, trung tâm của trường. Từ khi có thư viện thông minh, chất lượng dạy và học được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, tính tự học của HS được phát huy vì ở đây các em được sử dụng tài nguyên số để tìm kiếm thông tin” - ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thanh, thư viện của trường được đầu tư theo lộ trình cụ thể. Giai đoạn 1 đầu tư về cơ sở vật chất, giai đoạn 2 trang bị thiết bị, phần mềm và giai đoạn 3 là phát triển kho học liệu số. Hiện thư viện đã có kho học liệu số với hơn 6.000 tài liệu phục vụ cho việc dạy và học.
Ở khu vực ngoại thành xa trung tâm TP nhưng thư viện Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè) cũng khiến nhiều người bất ngờ khi được đầu tư rất bài bản và hiện đại. Ngoài những tủ sách, thư viện còn trang bị nhiều máy vi tính, máy tính bảng giúp HS, GV tra cứu tài liệu khi cần.
Theo thầy Nguyễn Thanh Tiến, GV môn lịch sử - địa lý của trường, tại thư viện này, HS và GV dễ dàng tra cứu đầu sách, mượn sách online cũng như truy cập vào kho học liệu số để tìm các tài liệu cần thiết. Đây cũng là không gian lý tưởng để tổ chức các tiết học có tính mở rộng, tương tác cao.•
Kỳ cuối: TP.HCM tiên phong chuyển đổi số
Nhân viên phụ trách thư viện phải giỏi công nghệ
Thư viện thông minh được quản lý dựa trên phần mềm, còn thư viện truyền thống quản lý các đầu sách, muốn mượn sách mọi người thường phải đến tận nơi. Với nhiều điểm khác biệt như vậy nên người quản lý thư viện phải tự học hỏi, trau dồi kiến thức về công nghệ thông tin để có thể quản lý một cách hiệu quả.
Với thư viện thông minh, nếu muốn mượn sách, GV và HS chỉ cần sử dụng điện thoại, máy tính để đăng ký online, sau đó sẽ ghé lấy sách đã được thủ thư chuẩn bị sẵn. Đáng chú ý, thư viện thông minh còn có sự liên thông với các thư viện khác tạo nên kho tài liệu vô cùng đa dạng và phong phú.
Ở Trường THCS Lê Văn Hưu, mỗi HS đều có một tài khoản truy cập vào kho học liệu của thư viện đã theo dõi bài học, tìm kiếm tư liệu phục vụ cho củng cố, mở rộng kiến thức ở nhiều lĩnh vực.
Ông BÙI GIA QUÂN, nhân viên thư viện Trường THCS Lê Văn Hưu (huyện Nhà Bè)