Lời Tòa soạn: Nhằm đổi mới chất lượng giáo dục theo hướng hiện đại, ngành giáo dục TP.HCM đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu hướng đến công nhận 50 trường học số vào năm 2025 chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 _ 30-4-2025).
Năm học 2024-2025, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) bắt đầu tổ chức lớp học Google. Tiết học môn địa lý tại lớp 12A17 với bài “Lao động và việc làm” diễn ra tại lớp học Google, ngoài tập và viết quen thuộc, mỗi học sinh (HS) còn được trang bị một chromebook (máy tính xách tay dùng hệ điều hành Chrome OS của Google).
Thầy trò đều không ngừng sáng tạo
Mở đầu tiết học, thầy Ngô Vũ Hoàng yêu cầu HS viết về ngành nghề mình yêu thích trong tương lai. Cùng lúc đó, thầy sử dụng ChatGPT tìm kiếm những ngành nghề có thu nhập tốt, rồi dùng công cụ Google Slide thiết kế các trò chơi cặp đôi… Tiết học diễn ra vô cùng sôi nổi.
Theo em Quách Lê Quỳnh Anh, việc sử dụng các ứng dụng của Google khiến em thấy tiết học môn địa lý vốn khô khan trở nên thú vị hơn nhiều. “Thay vì tiếp thu bài thụ động trong các tiết học thông thường, ở lớp học này chúng em được thực hành trên máy, liên tục trao đổi, tương tác qua các trò chơi… Mọi thứ đều rất lý thú” - em Quỳnh Anh nói.
Em Hoàng Nguyễn Gia Hân cho hay em chỉ mất 30 phút để làm quen, tìm hiểu các công cụ hỗ trợ. “Giờ em đã sử dụng thành thạo các công cụ Google vào bài học. Việc dạy và học theo cách này giúp tăng khả năng tương tác giữa HS với nhau, giữa HS và giáo viên (GV), nâng cao tính tự học của HS” - em Gia Hân nhận xét.
Còn tại Trường THCS Cát Lái (TP Thủ Đức), ngày 9-11, HS lớp 6A có một tiết học môn toán tại lớp học Google. Tiết học trở nên sôi động khi đan xen nhiều hoạt động mang tính tương tác cao.
Sử dụng khá thành thạo các ứng dụng, em Nguyễn Kim Ngân cho hay tiết học rất bổ ích, trên các ứng dụng giúp em tìm hiểu được nhiều thông tin, tham gia nhiều trò chơi thú vị. “Giá như tiết học nào cũng được như vậy, tụi em sẽ rất thích” - em Kim Ngân cười.
Cô Lê Đỗ Huyền Trang, GV tổ chức tiết học, cho biết để thực hiện tiết học trên, HS phải có tài khoản, biết truy cập vào các phần mềm. GV phải nắm rõ các công cụ để sử dụng hiệu quả, phù hợp.
“Lớp học Google là nơi vừa học vừa chơi, vừa thực vừa ảo, giúp HS tiếp thu bài học hiệu quả, không nhàm chán. Ban đầu GV sẽ vất vả một chút để làm quen song tôi nghĩ chúng ta hãy cứ đầu tư, học hỏi, vì khi đã xây dựng được nền tảng thì những thứ tiếp theo rất thuận lợi” - cô Trang bày tỏ.
Từng lo ngại khi nghe đến lớp học Google
Nói về lớp học Google, thầy Ngô Vũ Hoàng tâm sự ban đầu cũng có cảm giác ngại do hình thức này quá mới mẻ. Tuy nhiên, sau khi tham dự một tiết học của tổ trưởng, thầy nhận thấy lớp học Google có nhiều ưu điểm nên chủ động mày mò, tìm hiểu thêm.
“Với các tiết học truyền thống, GV truyền thụ kiến thức là chính. Còn ở lớp học này, HS sẽ chủ động tìm hiểu, mở rộng kiến thức qua các ứng dụng của Google. Điều này thực sự hữu ích” - thầy Hoàng nói.
Trường học số cho phép GV thực hiện các hoạt động dạy và học trên không gian số an toàn, bảo mật, đồng thời tích hợp các công nghệ mới nhất giúp quản lý quá trình học tập của HS, cá nhân hóa việc dạy và học. Trường học số có sẵn kho học liệu số với hơn 5.000 bài giảng đa dạng các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT.
“Lần đầu tiên khi nghe trường thí điểm lớp học Google, tôi khá lo lắng vì mô hình mới. Khi ấy, tôi không tài nào hình dung được mình sẽ bắt đầu từ đâu, ứng dụng vào giờ dạy như thế nào…” - thầy Bùi Văn Qui, GV Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức), nhớ lại.
Sau một năm, giờ đây thầy Qui đã tự tin tổ chức các lớp học Google. “Sau khi được hướng dẫn, tôi đã quen, hiểu rõ lợi thế và sử dụng các ứng dụng của Google hợp lý trong từng môn học. Đối với hoạt động nhóm, tôi tổ chức trò chơi trực tuyến để tăng tính tương tác, HS rất hứng thú” - thầy Qui bộc bạch.
Bà Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, cho biết GV và hơn 2.500 HS của trường đã được cung cấp tài khoản Google và tập huấn sử dụng trong hè vừa qua.
“Năm học này, trường ưu tiên tổ chức các tiết học tại lớp học Google cho HS khối 10, thời lượng hai tiết/tuần; lớp 11 và 12 thì cân đối trên đăng ký của GV. Ở lớp học này, việc dạy và học không bị hạn chế về không gian, thời gian, đồng thời kích thích tư duy sáng tạo của HS” - bà Tâm thông tin thêm.
Theo bà Tạ Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức), trường thí điểm lớp học Google từ năm học 2023-2024, năm nay tiếp tục thực hiện.
“Yếu tố quan trọng để triển khai lớp học Google chính là đầu tư cơ sở vật chất. Phòng học phải có hệ thống âm thanh, tivi tương tác 65 inches, 35 chromebook. Ngoài ra phải có đường truyền Internet tốc độ cao, kệ sạc pin, tủ đựng máy, bàn ghế lục giác tiện dụng cho học nhóm.
Nhờ tuyên truyền tốt nên phụ huynh của trường hiểu được sự cần thiết của lớp học Google. Các máy chromebook được trang bị nhờ xã hội hóa, mỗi HS chỉ đóng khoảng 50.000 đồng/tháng để thuê máy sử dụng” - bà Mai chia sẻ.
Cũng theo bà Mai, lớp học Google đang được trường tổ chức cho HS khối 3, 4 và 5 với thời lượng một tiết/ tuần, hiệu quả đạt được rất tích cực vì các em tham gia học với một tinh thần rất hào hứng.
Kỳ tới: Choáng ngợp với thư viện thông minh trong trường học
Mạnh dạn xã hội hóa để có lớp học Google
Để có được lớp học Google, ngoài con người thì cơ sở vật chất đóng vai trò rất quan trọng. Do nguồn ngân sách có hạn, trường đã thực hiện xã hội hóa hiệu quả với 40 máy chromebook phục vụ cho triển khai lớp học.
Trước đó, theo tính toán, mỗi HS phải đóng 50.000 đồng/tháng thì sau ba năm máy đó mới thuộc về trường. Nhìn tới nhìn lui, thấy nhiều phụ huynh của trường còn khó khăn quá, việc tự đầu tư không hề dễ dàng nên chúng tôi đã lập kế hoạch chi tiết để kêu gọi, vận động tài trợ từ các đối tác, doanh nghiệp của trường.
Nhờ đó, sau khoảng một năm, trường đã có 40 máy chromebook, tổ chức được lớp học Google trong niềm hân hoan của thầy và trò.
Bà LÊ THỊ THẢO, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lái (TP Thủ Đức)