Chuyến đi về nguồn được tổ chức nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Vượt khoảng 90 km từ TP.HCM về xã Long Phước, TP Bà Rịa, đoàn đã tham quan Khu di tích địa đạo Long Phước - nơi có đường hầm bí mật để ẩn náu và chiến đấu của quân và dân Long Phước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đặc biệt, đoàn đã đi thăm hỏi, tặng quà cho bốn mẹ VNAH có người thân hy sinh trong kháng chiến. Cùng đồng hành với hoạt động của Báo Pháp Luật Tp. HCM còn có sự tham gia của trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.
“Hai năm nữa là giải phóng rồi mà nó không ráng được…”
Mẹ Trần Thị Lưỡng (ngụ ấp Đông, xã Long Phước) có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Lưỡng nghẹn ngào kể về đứa con trai đầu lòng của mình đã không còn trên đời. “Chiến là con cả, tham gia kháng chiến được các đồng chí đổi tên là Trần Văn Cây. Năm 1973, đơn vị báo về nó hy sinh nhưng mà chỉ còn hơn hai năm nữa thôi là giải phóng…” - mẹ lặng lẽ nhìn lên bàn thờ nơi đặt tấm ảnh liệt sĩ Trần Văn Cây.
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, thăm hỏi mẹ Trần Thị Lưỡng. Ảnh: N.TRÀ
Mẹ bảo bây giờ lớn tuổi rồi, nhiều chuyện mẹ quên nhưng chuyện về thằng Chiến thì mẹ còn nhớ rất rõ. “Ngày xưa nó học giỏi, học hết lớp 6 thì nó xin đi bộ đội. Người ta bảo nó là trinh sát. Hồi đó nhà nào có con tham gia cách mạng là bọn Mỹ tới quậy lắm. Mấy lần mẹ lén đi thăm con, trầy trụa hết, mà chỉ muốn lên nhìn thấy nó chút xíu, thấy nó khỏe rồi yên tâm đi về. Mà về nhà nó (lĩnh Mỹ - PV) đâu để mình yên. Nó bắt ra họp, hỏi có thăm chồng con không, sáng đi làm bình thường nhưng tối phải về đồn ngủ lại. Nó mà bắt được mình đi thăm con hoặc mình khai là đi tù” - mẹ kể.
Ngày nhận tin con hy sinh, mẹ như chết lặng. “Ba nó hy sinh vào năm 1966 rồi bảy năm sau tới lượt nó hy sinh. Còn hơn hai năm nữa thôi là giải phóng rồi mà nó không ráng được…” - mẹ nghẹn lời không nói nữa.
Đồng cảnh ngộ, mẹ Hồ Thị Tam (ngụ ấp Nam) đã mất chồng trong một trận càn của địch vào đầu năm 1968. Và khi chỉ còn một năm nữa là đất nước giải phóng, mẹ lại mất đi người con trai đầu khi anh mới 19 tuổi. Hai cha con lần lượt được phong tặng huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và hạng Ba. Hiện tại, mẹ ở với con trai thứ.
Đoàn đã gửi món quà nhỏ tặng mẹ Tam. Ảnh: H.LAN
“Mấy bà ấy còn có con cái, tôi không có gì hết”
Còn mẹ Nguyễn Thị Lựu (ngụ ấp Phước Hữu) có con trai duy nhất cũng đã hy sinh nên giờ mẹ ở với cháu. “Mấy bà ấy còn có con, tôi không có gì hết” - mẹ Lựu bảo thế khi nhắc đến các mẹ VNAH khác đang sống gần đó.
Đoàn viên báo Pháp Luật TP.HCM thăm hỏi mẹ Nguyễn Thị Lựu. Ảnh: HOÀNG GIANG
Dù đã 85 tuổi nhưng mẹ Lựu rất thích đọc báo, sáng nào mẹ cũng đòi cháu mua báo cho. Gia đình mẹ có truyền thống kháng chiến, cha, ông nội, anh em trai đều tham gia chiến đấu và hy sinh. “Ở nhà ai cũng yêu nước, cũng đi lên chiến khu rồi từng người hy sinh, người chôn ở nơi này, kẻ an táng ở chỗ nọ, tứ táng. Ban đầu là ông nội, ba rồi tới đứa em thứ ba, thứ tư, thứ năm... rồi đến thằng con mẹ. Ai cũng đi hết ráo” - mẹ Lựu nói.
Đoàn cũng đến thăm mẹ Trần Thị Thuyền (ngụ ấp Đông), là mẹ lớn tuổi nhất trong số bốn mẹ. Mẹ Thuyền có hai người con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có một người con hy sinh khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đất nước thống nhất.
Bà Cát Thị Kim Xuân, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cùng các đoàn viên tặng quà cho mẹ Trần Thị Thuyền. Ảnh: T.TUYỀN
Đoàn viên còn tạo niềm vui cho mẹ Thuyền. Ảnh: T.TUYỀN
Bà Cát Thị Kim Xuân, Phó Tổng Biên tập, đã bày tỏ sự tri ân đến những người con của mẹ đã hy sinh để giành lại độc lập cho nước nhà.