Bão số 2 suy yếu, cảnh báo vẫn gây dông gió, mưa lớn

(PLO)- Sáng nay, ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, có nơi cấp 9.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-8, sau khi vượt qua đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão số 2 đã đi vào vịnh Bắc bộ với cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Bão đã qua thời điểm mạnh nhất

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào vịnh Bắc bộ, bão số 2 đã qua thời điểm mạnh nhất và bắt đầu suy yếu. Hoàn lưu của bão đã tác động đến hầu khắp vịnh Bắc bộ, gây ra mưa rào và dông mạnh cho khu vực này. Khu vực đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Theo dự báo, khả năng sáng sớm nay (11-8), bão số 2 sẽ đổ bộ vùng biển từ Quảng Ninh đến Nam Định. Tuy nhiên, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ, gió giảm xuống còn cấp 7, giật cấp 9.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 2 tại Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (giữa) kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 2 tại Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Sau khi suy yếu, áp thấp nhiệt đới vẫn di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20 km/giờ. Quá trình di chuyển vào sâu đất liền các tỉnh Bắc bộ, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ chiều qua, nhiều khu vực ở Bắc bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh, thủ đô Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên… đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Tối 10-8, đánh giá về diễn biến của bão số 2, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết với hướng di chuyển của bão theo hướng tây - tây bắc thì sáng nay, khu vực vịnh Bắc bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 6, 7; vùng gần tâm bão mạnh cấp 8.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, có nơi cấp 9. Cùng với đó là mưa rào và dông mạnh.

“Chúng tôi nhận định từ đêm nay đến hết ngày 12-8, khu vực Bắc bộ sẽ xảy ra đợt mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa lớn sẽ tập trung trong đêm 10-8 và ngày 11-8 với tổng lượng mưa trong 24 giờ tới lên trên 100 mm.

Chúng tôi cảnh báo với mưa lớn như vậy thì khu vực vùng núi của Bắc bộ, vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục đề phòng lũ quét, trượt lở đất” - ông Hưởng nhấn mạnh.

Các địa phương không lơ là, chủ quan

Chiều 10-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đang đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 2 tại Quảng Ninh và Hải Phòng.

Lực lượng biên phòng hỗ trợ người dân chằng dây tàu thuyền trước khi bão đổ bộ tại Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

Lực lượng biên phòng hỗ trợ người dân chằng dây tàu thuyền trước khi bão đổ bộ
tại Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN

• Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn cho biết công tác phòng chống bão số 2 đã được triển khai từ ngày 9-8. Các tàu thuyền của tỉnh đã được kêu gọi về bến trước 12 giờ ngày 10-8.

Là địa phương có hoạt động mỏ quy mô lớn, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, huyện, thị kiểm tra công tác phòng chống thiên tai ở các mỏ. Đây là những khu vực dễ xảy ra sạt lở, lũ quét khi có mưa lớn bất thường. Các hồ chứa nước trên địa bàn đã được yêu cầu ứng trực 24/24 giờ, chủ động xả nước trước, sẵn sàng đón mưa lớn.

Chính quyền các huyện, thị có trách nhiệm thông báo bao gồm qua hệ thống truyền thanh cơ sở để lưu ý bà con các khu vực có nguy cơ sạt lở cao đề phòng, nhất là trong đêm nay và ngày mai.

“Quảng Ninh không còn nhiều nhà cấp bốn nhưng với những gia đình nhiều khó khăn ở các vùng nguy cơ cao thì chính quyền các xã, phường cũng cần vận động bà con sẵn sàng di dời để bảo vệ tính mạng và tài sản” - ông Văn cho biết.

Đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai của Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: “Khi vào vịnh Bắc bộ rồi vào đất liền thì tác động trực tiếp về sức gió với các tỉnh phía Bắc không nhiều nhưng hậu cơn bão là mưa lớn. Dự báo sẽ mưa rất to trong 2-3 ngày tới. Thậm chí đạt mức 400 mm ở một số khu vực” - ông Hiệp nói.

• Tại TP Hải Phòng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với bão số 2.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, lực lượng biên phòng TP đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm, cứu nạn của bộ đội biên phòng phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện nắm chắc diễn biến của bão số 2 để chủ động di chuyển phòng tránh.

Hiện trên khu vực biển Hải Phòng có 407 phương tiện với gần 1.300 người lao động đang hoạt động. Trong đó có 18 phương tiện với 92 người lao động đang hoạt động xa bờ được hướng dẫn di chuyển đến vùng an toàn.

Các vùng núi phía Bắc cảnh giác với lũ, sạt lở đất

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, vùng ảnh hưởng đầu tiên của bão số 2 là các tỉnh ven biển như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhưng cần cảnh báo các tỉnh phía trong như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Mưa lớn, trong thời gian ngắn với các tỉnh miền núi rất dễ dẫn đến lũ quét, sạt lở đất. Tình trạng sạt lở thường diễn ra sau bão, áp thấp 3-5 ngày khi đất và núi đã ngậm nước.

Để phòng chống thiên tai bài bản, Bộ TN&MT mấy năm qua đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện bản đồ sạt, trượt. Nhiều bản đồ cảnh báo đã được chuyển về các địa phương để làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất gây ra.

Theo ông Hiệp, với sự hỗ trợ này, các địa phương nắm chắc hơn các điểm nguy cơ cao, có thể tiến hành di dời người dân trong trường hợp khẩn cấp. Một cách bài bản thì các địa phương phải xây dựng kịch bản, thống nhất với người dân để ứng phó cho phù hợp với diễn biến thực tế. Trong trường hợp người dân không chịu di dời thì có thể phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo vệ tối đa tính mạng và tài sản cho bà con.

Bên cạnh các giải pháp của chính quyền, các tỉnh miền núi phía Bắc nên tuyên truyền, vận động, kêu gọi bà con triển khai các biện pháp phòng ngừa, nhất là ở các khu vực nguy cơ cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm