Bão số 3 đi qua, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh cây đổ khắp nơi, đi lại khó khăn

(PLO)- Cây cối đổ khắp nơi, chặn ngang nhiều tuyến phố, lực lượng chức năng dọn dẹp, đường phố vắng vẻ, gió nhẹ trong tiết trời âm u se lạnh... là cảm nhận sáng nay của Hà Nội sau khi bão số 3 đi qua. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

. Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời điểm 4 giờ sáng 8-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực phía Tây Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/giờ.

. Từ sáng sớm nay, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã bắt đầu dọn dẹp những cây đổ, ngổn ngang sau khi bão số 3 quét qua Thủ đô.

Bão suy yếu, Hà Nội tan hoang sau bão

Sẽ còn cần thời gian để Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc thống kê thiệt hại. Nhưng mở cửa nhà, bước ra ngoài phố sáng nay, 8-9, là cảnh cây ngã đổ la liệt.

ha-noi-hau-bao-yagi-cay-do-khap-noi-giao-thong-di-lai-kho-khan.jpg
Trên đường Nguyễn Chí Thanh, rất nhiều cây to đã bật gốc - Ảnh: NGỌC DIỆP

Ngay góc đường Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Công Hoan, cây đổ kéo theo biển chỉ đường. Gần đó, 3 cây xanh liền nhau, có lẽ được trồng và chăm sóc, phát triển cùng thời gian bật gốc chặn hết một chiều đi lại.

Ngay trong đêm, khi bão đã đi qua Hà Nội, gió nhẹ bớt, nhân viên công ty cây xanh cùng ô tô, cẩu đã xuất hiện để dọn dẹp. Tuy nhiên, chỉ vài trăm mét con đường Nguyễn Chí Thanh đã hàng chục cây ngã đổ thì có thể thấy công việc dọn dẹp toàn Hà Nội sau bão số 3 là rất khổng lồ.

Hậu bão số 3, Hà Nội cây đổ khắp nơi, giao thông đi lại khó khăn
Chỉ riêng đường Nguyễn Chí Thanh, ước tính có đến hơn 20 cây đổ chắn ngang đường khiến người dân không thể đi lại được.
0809B.jpg
Ngay từ trong đêm qua khi bão tan, lực lượng chức năng đã đi kiểm tra các trạm điện và dọn dẹp cây đổ để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Ngoài cây cối ngã đổ, mối lo lớn nhất của đô thị lớn như Hà Nội là nguy cơ ngập úng do mưa lớn mà bão số 3 gây ra. Diễn biến cơn bão cho thấy cả ngày hôm qua có mưa rả rích. Mưa lớn xuất hiện từ giữa buổi chiều, kéo dài đến 8 giờ tối. Khi bão vào thì gió giật mạnh, nhưng cường độ mưa lại giảm. Và khi tâm bão đi qua từ lúc đêm cho đến sáng nay thì chỉ còn mưa lất phất.

Mưa rải ra và mưa lớn không quá kéo dài như vậy nhưng đến thời điểm này đã đẩy mức nước trên hệ thống các sông, hồ Hà Nội lên cao.

0809D.jpg
Nhiều tuyến phố bị cây đổ chắn ngang đường khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn

Báo cáo nhanh của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sáng nay, cho biết từ 15 giờ 30 chiều qua đến 5 giờ sáng nay, tổng lượng mưa đo được tại các quận nội thành, cũng như các huyện đều từ khoảng 150 – 240 mm.

Hiện vẫn còn một số điểm úng ngập kéo dài từ tối qua. Tại lưu vực sông Cầu Bây, các điểm Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều có hiện tượng dềnh nước nhẹ. Ở lưu vực sông Nhuệ, các điểm chân cầu HH2 (đường Nguyễn Công Trác), Triều Khúc, các hầm chui đại lộ Thăng Long số 3, số 5, số 9+656 nước ngập 15-20cm.

Trước khuyến cáo của chính quyền và diễn biến bão số 3, người dân Hà Nội sáng nay tiếp tục hạn chế ra đường. Vậy nên dù có úng ngập một số điểm nhưng chưa xuất hiện ùn tắc giao thông. Công ty thoát nước cho biết đang bố trí bơm di động, xe hút để xử lý ngập tại các hầm chui. Dự kiến trước 8 giờ, các điểm này sẽ hết úng ngập.

Đơn vị này cũng cho biết đã huy động tổng số 1.936 cán bộ công nhân viên để ứng phó với hậu quả do bão số 3 gây ra.

Cũng trong sáng nay, 8-9, Ban chỉ huy PCTT và TKCC Hà Nội đã có lệnh báo động lũ sông Tích để cảnh báo các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Sơn Tây. Theo đó, căn cứ vào mực nước sông Tích tại trạm thuỷ văn Kim Quan hồi 2 giờ 50 phút sáng nay là 7,14 m, đã cao hơn mực nước 6,80m của báo động I.

Với diễn biến này, các xã ven đê thuộc các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây cần triển khai các giải pháp tương ứng theo quy định.

Trước cơn bão lịch sử, các cấp các ngành Hà Nội từ hai ngày nay đã chuyển trạng thái công tác. Tối qua, 7-9, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 bí thư quận, huyện, thị ủy tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.

Phương châm ứng phó bão số 3 vẫn là "bốn tại chỗ", nhưng bà lưu ý với lãnh đạo các địa phương trên địa bàn là phải tiến hành một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao , gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ, không để bị động, bất ngờ với các tình huống.

Bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khoẻ tính mạng về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân.

Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời điểm 4 giờ sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.

Dự báo trong 12 giờ tới, trên khu vực phía Tây Bắc bộ có gió cấp 6, giật cấp 8. Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới suy yếu và tan dần trên khu vực Thượng Lào.

Chưa bao giờ Hà Nội tiêu điều như vậy...

Sáng 8-9, nhiều người dân Hà Nội dù chuẩn bị trước tinh thần nhưng cũng bị sốc khi chứng kiến cảnh nơi mình sinh sống trở nên tan hoang. “Tôi sống ở Hà Nội gần 40 năm nay rồi, chưa bao giờ thấy Hà Nội tiêu điều như vậy. Cây gãy đổ, cửa kính vỡ, cả đường toàn màu xanh của lá và cây, cột đèn…”- ông Tuấn ở Cầu Giấy cho biết.

bao-so-3-viet-thinh.jpg
Quang cảnh xung quanh một khu đô thị ở Hàm Nghi, Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Ở trong một khu đô thị của Hà Nội ở Hàm Nghi, Nam Từ Liêm, chị Bình cũng trải qua một trạng thái tương tự.

bao-so-3-viet-thinh-1.jpg
Quang cảnh xung quanh một khu đô thị ở Hàm Nghi, Nam Từ Liêm (Hà Nội).Quang cảnh xung quanh một khu đô thị ở Hàm Nghi, Nam Từ Liêm (Hà Nội).

“Tôi cảm giác như hiện trường một bộ phim về thiên tai vậy. Không thể tin vào mắt mình những gì sáng nay. Nhiều cây không được cắt tỉa nên gãy đổ. Cũng may là nhà tôi không sao, gia đình đều bình yên cả” - chị Bình chia sẻ.

BAO-SO-3-NGOC-DIEP.jpg
Khu vực Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Văn Ngọc cây đổ chắn ngang đường.

Còn ở khu vực Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Văn Ngọc cây đổ chắn ngang đường khiến người dân không thể đi lại được.

Hơn 7 giờ sáng, trên đường Tân Xuân, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhiều cây xanh bị đổ xuống dưới đường sau khi cơn bão số 3 đi qua khiến cho giao thông thi lại gặp nhiều khó khăn.

bao-so-3-phi-hung.jpg
Nhiều cây xanh trên đường Tân Xuân, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm bị đổ xuống dưới đường sau khi cơn bão số 3.
BAO-SO-3-PHI-HUNG-PHAM-VAN-DONG.jpg
Tại đường Phạm Văn Đồng, hàng chục cây xanh liên tiếp gãy, đổ trên vỉa hè, dưới lòng đường, các công nhân đang nỗ lực dọn dẹp.
bao-so-3-duong-nguyen-khanh-toan.jpg
Phố Nguyễn Khánh Toàn. Nhiều người dân dậy sớm nhưng không thể kinh doanh được vì cây đổ chắn ngang cửa nhà. Chị Nguyễn Thị Mai cho biết, đêm qua chị đã không thể ngủ được vì sợ cây đổ vào nhà gây thương tích và thiệt hại tài sản.
bao-so-3-cay-si.jpg
Hình ảnh cây si trước Nhà thờ Lớn, Hà Nội bật gốc tối qua. Ảnh trên là cây si khi bão chưa quét qua.
bao-so-3-pho-chan-cam.jpg
Phố Chân Cầm trước Nhà thờ Lớn Hà Nội sáng nay.

Trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, do có rất nhiều cây xanh đổ. Tạm thời lực lượng chức năng đã lập barie đoạn ngã tư Trần Cung - Hoàng Quốc Việt (hướng ra Phạm Phạm Văn Đồng), tổ chức hướng dẫn phân luồng cho người dân, đồng thời xử lý các cây xanh đổ chắn ngang dưới lòng đường.

bao-so-3-phi-hung-hoang-quoc-viet-1.jpg
Trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, rất nhiều cây xanh đổ.
bao-so-3-phi-hung-hoang-quoc-viet.jpg
Lực lượng chức năng đã lập barie đoạn ngã tư Trần Cung - Hoàng Quốc Việt (hướng ra Phạm Phạm Văn Đồng), tổ chức hướng dẫn phân luồng cho người dân, đồng thời xử lý các cây xanh đổ chắn ngang dưới lòng đường.
bao-so-3-quay-banh-trung-thu.jpg
Quầy bánh trung thu tan hoang trên phố Trần Đăng Ninh - Cầu Giấy - Hà Nội.
bao-so-3-xu-ly.jpg
Các lực lượng chức năng ráo riết xử lý hậu quả.
bao-so-3-xu-ly-1.jpg
Các lực lượng chức năng ráo riết xử lý hậu quả.
bao-so-3-thanh-tu.jpg
Theo ghi nhận, hầu như tất cả các cây xanh trong khu đô thị Kim Văn Kim Lũ đều đã bị quật đổ, gãy.
bao-so-3-thanh-tu-1.jpg
Tương tự, tại khu vực đường vành đai 3, cứ cách 5-10 m lại có một cây đổ gục.
bao-so-3-thanh-tu-2.jpg
Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ không có hầm để xe oto, vì vậy nhiều năm qua, hơn 3.000 oto của cư dân sinh sống tại đây đều đậu xe tại các “bãi đỗ bất đắc dĩ” là dưới lòng đường, dưới các gốc cây. Tuy nhiên đêm qua, nhiều xe phải di chuyển tìm nơi đậu khác, hoặc đậu tại chính khu vực sân chơi chung để tránh cây đổ, gãy.
bao-so3-3-cong-hia-do.jpg
Tại Công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, rất nhiều cây xanh đổ, có đoạn cây đổ làm sập cả bức rào.
Hơn 20.000 ha lúa ở Thái Bình bị ảnh hưởng

Ghi nhận tại Thái Bình vào sáng ngày 8-9, có rất nhiều cây đổ, biển quảng cáo, mái lợp tôn bị thổi bay, nằm ngả nghiêng hai bên đường.

Các trục đường chính tại tỉnh Thái Bình như quốc lộ 10, quốc lộ 39B có đoạn cây bị bão số 3 quần cho ngã rạp, có nơi cột điện đổ gãy ngang đường, lực lượng chức năng phải huy động người và phương tiện dọn dẹp từ rất sớm.

bao-so-3-cay-do-thai-binh.jpg
Rất nhiều cây đổ, nằm ngả nghiêng hai bên đường.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình do ảnh hưởng của bão số 3, lượng mưa trung bình toàn tỉnh là hơn 250 mm. Đặc biệt, có nơi cao hơn như Nam Cường (Tiền Hải) 287,8 mm; An Hiệp (Quỳnh Phụ) 119,4 mm, thị trấn Diêm Điền (Thái Thuỵ) 236,0mm.

bao-so-3-cay-do-thai-binh-1.jpg
Rất nhiều cây đổ, nằm ngả nghiêng hai bên đường ở Thái Bình.

Sản xuất nông nghiệp theo ước tính sơ bộ ban đầu có khoảng trên 20.000 ha lúa mùa đã và đang trỗ bị đổ nghiêng, ảnh hưởng nặng. Khoảng 1.455 ha rau màu, cây vụ đông bị hư hỏng, dập nát, khoảng 635 ha cây ăn quả bị thiệt hại.

bao-so-3-cay-do-thai-binh-2.jpg
Lực lượng chức năng của tỉnh đã phải huy động người và phương tiện dọn dẹp từ rất sớm.

Các công trình đê điều vẫn bảo đảm an toàn, chưa có thiệt hại. Các khu công nghiệp, tàu thuyền trên địa bàn, đến nay theo báo cáo ban đầu chưa ghi nhận thiệt hại.

Cảnh báo nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc tập trung ứng phó với lũ rừng ngang gây mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa to đến rất to khiến mực nước sông Tích, sông Bùi đang lên nhanh có nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến địa bàn bốn huyện nêu trên.

Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP Hà Nội, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.

Phó Thủ tướng yêu cầu vận hành các hồ chứa không để lũ chồng lũ

Tại cuộc họp giao ban thứ 4 của Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3 diễn ra vào đêm qua khi bão số 3 suy yếu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình khẩn trương nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão, người mất tích.

Các địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

bao-so-3-pho-thu-tuong-tran-hong-ha-1.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp giao ban thứ 4 của Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, đêm 7-9. Ảnh: VGP

Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, điều phối cấp điện cho các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp sản xuất quan trọng.

Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc.

Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Bộ Công Thương, Bộ TN&MT chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa, không để lũ chồng lũ.

Hải Dương thiệt hại nặng sau khi bão số 3

Sau khi bão số 3 quét qua, ở Hải Dương theo thống kê đã có một người chết, năm người bị thương.

Về sản xuất nông nghiệp, có khoảng 10.000 ha lúa bị đổ; khoảng 1.200 ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600 ha cây ăn quả gãy, bị đổ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỉ đồng.

Nhiều mái nhà tôn, mái phi brô xi măng, cửa kính trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gẫy gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông.

Liên quan đến hệ thống điện, viễn thông, đã ghi nhận 26 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng.

Ngoài ra, do đứt cáp quang, 5 trạm BTS bị đổ nên ba nhà mạng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, mất liên lạc.

Riêng các sự cố công trình đê điều và thủy lợi, theo báo cao chưa ghi nhận xuất hiện sự cố, tuy nhiên do ảnh hưởng của mưa bão và hồ thủy điện Hòa Bình đang xả lũ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, sự cố công trình.

Vân Đồn: Sóng to và gió lớn khiến công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn

Ngay trong sáng nay, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã lập nhiều tổ công tác, chia thành nhiều mũi trực tiếp xuống các địa bàn, khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển để nắm tình hình, kiểm tra, khắc phục hậu quả do bão số 3. Hiện tại trên địa bàn huyện có mưa nhỏ, mưa vừa, gió nhẹ.

bao-so-3-quang-ninh-2.jpg
Sau bão số 3, nhiều tuyến đường ở Quảng Ninh ngập trong nước. Ảnh: XUÂN NGUYỄN

Công tác khắc phục hậu quả đang được các cấp, ngành triển khai tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên trên biển, sóng và gió to khiến cho công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn.

Công an tỉnh Quảng Ninh phân công 5 đoàn công tác do các lãnh đạo công an tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương bị thiệt hại do mưa bão gây ra.

bao-so-3-quang-ninh-3.jpg
Bão đã làm nhiều cây xanh đổ, ngả nghiêng ở trung tâm TP Quảng Ninh. Ảnh: XUÂN NGUYỄN

Nhiệm vụ trọng tâm các đoàn kiểm tra cần nắm bắt thông tin về tình hình hậu quả thiệt hại do bão gây ra; những địa điểm đã và có nguy cơ bị ngập úng, lũ, sạt lở do mưa lớn; những vấn đề khó khăn, vướng mắc về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị…

bao-so-3-van-don-1.jpg
Lực lượng công an tham gia khắc phục hậu quả do bão số 3. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Đồng thời, khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ công an các đơn vị, địa phương; có phương án hỗ trợ đối với những gia đình cán bộ, chiến sĩ có có giá trị tài sản thiệt hại lớn vượt qua khả năng khắc phục của cán bộ, chiến sĩ và gia đình...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm