. Lúc 23 giờ 15 phút, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết bão số 3 đã suy yếu, cường độ giảm còn cấp 8.
Dự báo trong những giờ tới, bão số 3 tiếp tục đi về phía Tây hướng huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và tỉnh Vĩnh Phúc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Quá trình di chuyển, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp và tan dần.
. Đến 22 giờ, bão số 3 còn mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Vị trí tâm bão hiện vẫn đang trên địa phận thủ đô Hà Nội.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Do ảnh hưởng của bão, đêm nay đến sáng ngày mai, các tỉnh Đông Bắc Bộ và Thanh Hoá sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-180mm, cục bộ có nơi trên 350mm.
Phía Tây Bắc Bộ: từ tối nay đến sáng 9-9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
.Lúc 20 giờ 50 tối 7-9, vị trí tâm bão số 3: Khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.8 độ Kinh Đông, trên đất liền thủ đô Hà Nội. Sức gió mạnh nhất: Cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.
. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 tại Hải Dương gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10;…
. Từ 19 giờ đến 1 giờ sáng 8-9 dự báo là thời điểm gió giật mạnh nhất
. Một số nơi ở Hà Nội bị mất điện, nhà không kiên cố bị sập…
. Bão số 3 đã làm 1 thuyền viên chết, 13 người khác mất tích. Ngoài ra còn làm 4 người chết, 78 người bị thương; hàng trăm cây xanh ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... gãy đổ.
Tính đến chiều 7-9, Hà Nội có hơn 540 cây bật gốc, gãy cành. Các sự cố đều đã được xử lý kịp thời. Các công trình nhà ở đến nay đều đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố nào.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về tình hình ứng phó, khắc phục thiên tai do bão số 3 gây ra. Tính đến cuối giờ chiều 7-9, bão số 3 đã làm trên 240 cây đổ, bật gốc (đường kính 18-80 cm), có khoảng 300 cành cây gãy đổ (đường kính 8-20 cm).
Các lực lượng của Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục thống kê số cây gãy đổ. Đồng thời yêu cầu các đơn vị duy trì cây xanh có mặt kịp thời tại các vị trí cây đổ, cành gãy để thực hiện giải tỏa, thu dọn hiện trường đảm bảo giao thông.
Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện ứng phó, sẵn sàng giải tỏa cây gẫy đổ do bão số 3 với khoảng 573 người, 80 xe máy các loại, 100 cưa máy, 100 cưa tay.
Do bão số 3 diễn biến phức tạp nên Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo thời gian tạm ngừng khai thác sân bay Vân Đồn, Cát Bi và Nội Bài.
Cụ thể, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng) kéo thời gian tạm ngừng khai thác đến 20 giờ ngày 7-9 thay vì đến 16 giờ.
Còn sân bay Nội Bài kéo dài thời gian tạm ngừng khai thác đến 24 giờ ngày 7-9 thay vì đến 21 giờ ngày 7-9.
Do ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương bị mất điện trên diện rộng.
Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương.
Bản tin phát lúc 20 giờ của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho hay vị trí tâm bão số 3 đang ở vào khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.
Tại cuộc họp giao ban thứ 3 trong ngày của Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3 chiều 7-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương nằm trên đường đi của tâm bão như Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên… phải tập trung chỉ đạo, duy trì nghiêm lệnh cấm đường, duy trì lực lượng "4 tại chỗ" và phải có sự phối hợp nhịp nhàng.
Sau khi bão đã đi qua, các địa phương vùng đồng bằng cần nỗ lực cao nhất, nhanh chóng khôi phục lưới điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.
Các địa phương, đơn vị cũng nhanh chóng huy động các lực lượng tập trung hỗ trợ cho người dân có chỗ ở, cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, không để ai bị đói, bị rét.
Tại Bắc Ninh: Trước đó, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh, do ảnh hưởng của bão số 3, tính đến 18 giờ ngày 7-9, toàn tỉnh có 40 nhà cấp 4, công trình phụ bị tốc mái, hơn 1.500 ha lúa, hoa màu bị ngập đổ. Hiện không có thiệt hại về người.
Theo thống kê bước đầu, toàn tỉnh có 40 nhà cấp 4, công trình phụ bị tốc mái; 7 cột điện bị đổ gãy. Diện tích lúa, hoa màu bị ngập, đổ: 1.515 ha, trong đó: lúa 1.300ha; chuối 150ha; hoa màu khác 65ha.
Diện tích nhà màn, nhà lưới bị tốc mái: 47 nhà (huyện Gia Bình 39, Quế Võ 6, Yên Phong 2). Toàn tỉnh có khoảng 3.000 cây bị đổ, gãy; 29 lồng bè cá bị trôi dạt, hư hại.
Tại Hải Phòng: Thông tin cứu hộ tại Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), đến 16 giờ 30 ngày 7-9, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Hải Phòng đã tìm kiếm, tiếp cận và di chuyển khoảng 130 người thoát khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Cụ thể, từ 7 giờ 45 đến 16 giờ 30 cùng ngày, Trung tâm 114 tiếp nhận và xử lý 50 tin báo từ người dân bị nạn và mắc kẹt trong vùng ảnh hưởng của bão Yagi, yêu cầu cứu nạn cứu hộ.
Nhận tin, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH điều động các đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng lực lượng công an các phường, xã phối hợp và di chuyển người dân lánh nạn đến nơi an toàn.
Trong đó, lực lượng công an cứu được sáu người bị lạc tại tầng thông lưu xuống dưới hầm để xe và giúp đưa một người không thể tự di chuyển đang ngồi trên đường Thiên Lôi, giao với Đường Võ Nguyên Giáp vào toà nhà Hoàng Huy.
Cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, lúc 19 giờ, tâm bão số 3 đang ở trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/giờ.
Theo dõi trên hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam cho thấy, hiện bão số 3 đã đi qua tỉnh Hải Dương, sang địa phận tỉnh Hưng Yên, sau đó sẽ đi vào thủ đô Hà Nội.
Lúc 20 giờ 11 phút, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng phát tin cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội.
Do ảnh hưởng bão số 3, những giờ qua ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 0 giờ đến 19 giờ ngày 7-9 có nơi trên 200 mm. Đơn cử như: Cát Bà (Hải Phòng) 215 mm, Đông Triều Quảng Ninh) 224 mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 213 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 220 mm, Phủ Dực (Thái Bình) 409 mm, Xuân Thủy (Nam Định) 221 mm…
Lúc 21 giờ tối 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.8 độ Kinh Đông, trên đất liền thủ đô Hà Nội. Sức gió mạnh nhất cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 tại Hải Dương gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10…
Khi bão tiến vào đã gây mưa to, gió giật mạnh làm nhiều tuyến phố ngập cục bộ, cây cối tiếp tục gãy đổ hàng loạt.
Thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tính đến 18 giờ hôm nay (7-9), lưới điện thuộc EVNNPC quản lý tại Quảng Ninh đã khôi phục 11/21 tuyến trung áp. Hiện còn một số nơi ở Móng Cái, Vàng Danh, Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn… vẫn gián đoạn cung cấp điện.
Tại Thái Nguyên, hiện đã khôi phục 16/25 đường dây trung áp; tại Thanh Hóa đã khôi phục 11/17 đường dây trung áp; tỉnh Thái Bình khôi phục 115/124 đường dây trung áp để cấp điện trở lại cho người dân.
Từ lúc 21 giờ 10 phút, trời Hà Nội lặng gió, mưa nhỏ, sau nhiều tiếng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người dân Thủ đô tỏ ra bất ngờ trước không khí tĩnh lặng hiện tại nhưng vẫn kêu gọi nhau không chủ quan, tuyệt đối không ra đường vì lúc này là khi Hà Nội đang nằm ở chính tâm bão.
Tại một chung cư thuộc Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội), bão số 3 đã làm sập trần, gây hư hỏng nặng nề. Hiện, khu vực này chưa bị cắt điện nhưng chung cư này đã khóa thang máy để hạn chế sự di chuyển, đi lại của người dân.
Hiện tại, lúc 22 giờ, mưa đã ngớt và gió đã giảm nhẹ tuy nhiên nhiều người dân bảo nhau thời điểm này hạn chế ra đường do có nguy cơ bị cây đổ, lốc mái và cũng có thể mưa kèm theo gió mạnh kéo đến bất chợt.
Còn tại khu vực Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thời điểm 20 giờ 30 phút, gió rít to kèm theo mưa lớn khiến nhiều ngôi nhà vỡ kính, bay mái tôn... khu vực đường phố đã ngắt toàn bộ đèn đường và rất ít người tham gia giao thông.
Chị Minh Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, thời điểm mưa to gió rít mạnh rất kinh hoàng. Tại nhà chị, gió đập vào cửa kính khiến cửa rung lên bần bật. Song, mưa lớn đã khiến nước mưa men theo khe cửa chảy vào nhà khiến trong nhà cũng ướt.
“Tôi phải tận dụng chậu, thau, giẻ lau để thấm nước. Hàng xóm nhà tôi còn vỡ kính cửa sổ phát ra tiếng vỡ rất to. Nhưng vì mưa quá lớn kèm theo gió tạt nên tôi không dám ra ngoài” - chị Phương nói.
Trước sự lặng yên của Hà Nội sau nhiều tiếng có mưa lớn kèm gió mạnh, chị Phương cho biết đã đọc được bình luận trên mạng xã hội lưu ý mọi người không nên ra ngoài thời điểm này, nhất là thời điểm đêm tối, nên dù trời đã ngớt chị vẫn ở nhà.
“Đang mưa bão to mà tự dưng ngớt mưa lặng gió như vậy rất nguy hiểm, tôi hy vọng mọi người đừng nên chủ quan mà ra đường thời điểm này” - chị Minh Phương chia sẻ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, lúc 21 giờ, bão số 3 vẫn đang trên địa phận thủ đô Hà Nội. Cường độ bão lúc này tiếp tục suy yếu còn cấp 9-10, giật cấp 12.
Hiện nay, Hà Nội đã ngừng mưa, ngừng gió. Nhiều người thắc mắc, phải chăng bão đã tan hay do đang trong tâm bão nên trời chỉ tạm thời ngừng mưa gió trong chốc lát.
Trời ngừng mưa nên xe cộ bắt đầu lưu thông trở lại. Tuy nhiên, do mưa to liên tục nhiều giờ đồng hồ nhiều tuyến đường ngập nặng.
Ông Nguyễn Thọ Phúc (Phú Lương, Hà Đông) cho biết chưa bao giờ khu vực này bị ngập nặng đến như vậy. Nhiều nhà dân ở ven đường, trước giờ không bao giờ bị ngập thì lần này nước đã tràn vào nhà.
Tranh thủ lúc trời ngừng mưa, một số gia đình tất bật dọn dẹp lại đồ đạc bị gió cuốn bay tứ tung trong sân vườn.
Trong khi đó, tại nhiều khu vực của Hà Nội, mưa đã tạnh, gió thổi nhẹ, nhiều người dân đã tranh thủ xuống kiểm tra nơi buôn bán, nhà xe.
Anh Nguyễn Văn Thức, một người bán trà đá ở lối lên cầu Thanh Trì cho biết: “Nhà tôi ở Nghệ An gần biển, tôi cũng đã chứng kiến nhiều cơn bão đi qua, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão lớn và dai dẳng như thế này, nhất là khi thấy mái tôn nhà hàng xóm run lên bần bật sắp bị cuốn đi, cây bị gãy ngang”.
Tối 7-9, Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết do ảnh hưởng bởi gió bão lớn, có 6 đường dây 500 kV, 31 đường dây 220 kV, 96 đường dây 110 kV bị tách khỏi vận hành do sự cố hoặc chủ động cắt để bảo đảm an toàn, đến thời điểm hiện tại chưa khôi phục được vận hành.
Ngoài ra, nhiều đường dây và trạm biến áp phân phối bị sự cố hoặc phải cắt điện chủ động để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Ở thời điểm tối ngày 7-9, lượng khách hàng bị mất điện do ảnh hưởng bão ở một số tỉnh, TP phía Bắc như sau: Quảng Ninh: trên 95%; Hải Phòng: trên 95%, Bắc Giang: khoảng 70%, Hà Nam: khoảng 30%, Nam Định: khoảng 34%, Phú Thọ 20%.
Đối với các phụ tải quan trọng thiết yếu như bệnh viện, cấp nước sạch, thông tin liên lạc, các đơn vị đang duy trì nguồn phát bằng diesel.
EVN cho biết các đường dây bị sự cố do ảnh hưởng bão sẽ được các đơn vị Điện lực tập trung xử lý, khẩn trương khôi phục cấp điện ngay sau khi bão tan.
Cập nhật đến 22 giờ, bão số 3 chỉ còn mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Vị trí tâm bão hiện vẫn đang trên địa phận thủ đô Hà Nội.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.
Dự báo do ảnh hưởng của bão, nay đến sáng ngày mai, các tỉnh Đông Bắc Bộ và Thanh Hoá sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-180 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm.
Phía Tây Bắc Bộ: Từ tối nay đến sáng 9-9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
22 giờ 40 phút, Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu có gió mạnh kèm mưa trở lại.
Lạng Sơn có 3 người bị thương; Hưng Yên thiệt hại gần 5.800 ha cây trồng
Theo báo cáo tổng hợp từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn, tính đến 19 giờ ngày 7-9, bão số 3 đã làm 3 người bị thương nhẹ (một cháu bé 11 tuổi bị tấm lợp fibro xi măng rơi xuống đầu trên địa bàn huyện Đình Lập, 2 người bị cây đổ trên địa bàn huyện Bình Gia).
Toàn tỉnh có 321 hộ bị thiệt hại về nhà ở, trong đó 2 hộ do sạt lở đất song không ảnh hưởng đến nhà, 302 hộ bị tốc mái...
Ngoài ra, một trụ sở Công an xã, một nhà văn hóa thôn; 2 trường học và một điểm bưu điện xã bị tốc mái.
Còn tại Hưng Yên, Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn có gió giật mạnh, lượng mưa từ 13 giờ đến 16 giờ ngày 7-9 đạt trung bình gần 11,7mm.
Theo thống kê của các địa phương, đến 17 giờ cùng ngày, mưa to và gió giật mạnh làm 50 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại; 2.244 cây xanh bị gãy đổ; ước tính có gần 5.800 ha cây trồng bị thiệt hại...
23 giờ khuya 7-9, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thuỷ văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cho biết trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng của bão số 3, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Hoà Bình và Hà Nội đã có mưa rất to với tổng lượng mưa đo được 150-250 mm, đặc biệt có những điểm trên 300 mm.
Theo nhận định, trong đêm nay và ngày mai (8-9), tại các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hoá tiếp tục có mưa to đến rất to. Do đó, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh, TP Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá.
Từ nay đến ngày 9-9, trên các sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và sông Hoàng Long sẽ xảy ra một đợt lũ với mức báo động 1-2; trên sông Bưởi sẽ xảy ra đợt lũ ở mức báo động 1.
Do mưa lớn, cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại các TP, khu đô thị các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên.
Lúc 23 giờ 15 phút, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết bão số 3 đã suy yếu, cường độ giảm còn cấp 8.
Dự báo trong những giờ tới, bão số 3 tiếp tục đi về phía Tây hướng huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Vĩnh Phúc, mỗi giờ đi được 10-15 km.
Quá trình di chuyển, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp và tan dần.
Bản tin phát lúc 23 giờ 38 phút của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết 22 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm còn cấp 8-9 (62-88 km/giờ, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km/giờ, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.
Cường độ bão tiếp tục suy yếu còn cấp 6, giật cấp 8, sau đó xuống dưới cấp 6 và tan dần.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 8-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ vĩ Bắc; 104,8 độ kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/giờ.
Sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Sau khi bão số 3 quét qua, nhiều khu vực của Hà Nội rất nhiều cây xanh gãy, bật gốc, cột đèn, biển quảng cáo đổ ngổn ngang.
Tại tuyến đường Phan Đình Phùng, cây ngã tan tác, hoang tàn.
Một số hình ảnh ghi lại cảnh hoang tàn, xơ xác trên các con phố ở Thủ đô Hà Nội: