.Lúc 19 giờ, vị trí tâm bão số 3 đang ở khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.0 độ Kinh Đông, trên đất liền Hải Dương. Sức gió mạnh nhất: Cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 13. Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
. Lúc 18 giờ, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết hiện bão số 3 đang nằm ở giữa ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Bão đang gây mưa lớn, gió mạnh kèm gió giật ở các tỉnh, TP này và cả các địa phương xung quanh, trong đó có thủ đô Hà Nội.
. Chiều 7-9, báo cáo của Văn phòng Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết tàu Tiến Thành 5 (tàu cần cẩu, phương tiện thủy nội địa, thuộc Công ty Cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh) neo tránh trú bão tại Vũng Đục - Cẩm Phả bị mất tích cùng 7 thuyền viên.
Tàu kéo biển Hồng Gai (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh cảng Quảng Ninh) khi neo tránh bão tại khu vực Hang Bồ Nâu, trên tàu có 7 thuyền viên đã bị mất tích. Tàu lai Hạ Long 8 đã vớt được 1 thi thể, 6 thuyền viên còn lại của tàu đang mất tích.
. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến 17 giờ chiều nay, bão số 3 đã làm bốn người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).
Tại Thái Bình: 13 giờ ngày 7-9 tại khu vực huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình gió cấp 9-10, tiếng rít mạnh, giật trên cấp 10. Trời có mưa rải rác, có lúc mưa to.
Quan sát của PV cho thấy nhiều hàng quán, nhà cửa đóng kín, người dân tuân thủ khuyến cáo không ra khỏi nhà khi bão cập bờ.
Ông Nguyễn Kiên Trung, một hộ dân tại xã Đông Các, huyện Đông Hưng, cho biết nhiều năm rồi mới chứng kiến một trận bão đổ bộ vào Thái Bình có sức gió lớn như vậy.
“Khi nghe tin cảnh báo, từ hôm kia gia đình tôi đã hoàn thành việc chằng chống nhà cửa, gia cố các bao tải cát và dây thừng trên mái nhà lợp tôn phòng ngừa bị tốc mái nhà. Nhưng vẫn chưa yên tâm lắm, vì sức gió rất lớn” – ông Trung cho hay.
Theo Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình vào trưa cùng ngày cho biết vùng biển ngoài khơi Thái Thụy - Tiền Hải tiếp tục có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12-14, sóng biển cao 3,0-5,0 m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển cần đề phòng có nước biển dâng, với sóng lớn kết hợp với thuỷ triều, mực nước dâng tổng cộng cao 3,5 - 4,0 m.
Trên đất liền có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, trưa, chiều tăng lên cấp cấp 10, giật cấp 11-13. Từ nay đến ngày 9-9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa các nơi phổ biến 150 -250 mm.
Tại Quảng Ninh, tính đến 12 giờ ngày 7-9, để ứng phó với mưa bão, Công ty Thuỷ lợi Yên Lập đang xả tràn ba cửa với lưu lượng 160m/s để giảm mực nước hồ từ 119 triệu m3 xuống 110 triệu m3, đảm bảo an toàn công trình hồ đập.
Trước tình trạng này, Ban chỉ huy PCTT-TKCN thị xã Quảng Yên yêu cầu các địa phương lên phương án, bố trí địa điểm di dời các hộ dân khu vực hạ lưu hồ Yên Lập, ưu tiên người già và trẻ em.
Lúc 13 giờ trưa nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 107.1 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.
Hơn 13 giờ, tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), gió giật mạnh, kèm theo mưa lớn, làm hệ thống điện lưới trên địa bàn huyện Vân Đồn bị mất. Bên cạnh đó, nhiều cột thu phát sóng điện thoại bị ảnh hưởng, không thể hoạt động, khiến cho nhiều khu vực không có sóng điện thoại di động.
Mưa bão cũng khiến nhiều bè nuôi trồng thủy sản của người dân, dây nuôi hàu bị sóng, gió đánh trôi, cây xanh bị gãy đổ, mái tôn nhà dân, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn giao thông bị gãy đổ...
UBND huyện Vân Đồn đang tìm giải pháp giữ liên lạc với các địa phương để nắm bắt về tình hình thiệt hại và chỉ đạo biện pháp phòng, chống, tuyệt đối không để thiệt hại về người và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Một số hình ảnh thiệt hại do bão số 3 được ghi nhận tại khu vực xã Đồng Tiến, huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh:
Ngay sau khi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có ý kiến tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão số 3, UBND TP Hải Phòng đã ra thông báo đề nghị người dân không ra khỏi nhà trước 20 giờ tối 7-9 để bảo đảm an toàn trước bão số 3.
Đến thời điểm 13 giờ tâm bão số 3 đang trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất: Cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 16.
Báo cáo tại cuộc họp Sở Chỉ huy tiền phương Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết Hải Phòng đã huy động hơn 24.000 cán bộ để sẵn sàng phòng chống bão. Trên địa bàn TP Hải Phòng có nhiều nơi cây đã đổ, nhà cửa một số chỗ bị tốc mái…
TP Hải Phòng tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, tự bảo vệ an toàn về người và tài sản; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão theo chỉ đạo của Trung ương và TP.
Cùng với đó, tổ chức neo đậu tàu thuyền tại các nơi neo đậu, không để người trên phương tiện, lồng bè, chòi canh thủy sản; thực hiện việc tiêu thoát nước đệm, đề phòng ngập úng; khẩn trương thu hoạch diện tích rau màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch đặc biệt là khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập úng.
Cập nhập trực tiếp tại quận Đồ Sơn, hiện nay gió đã mạnh khoảng cấp 12, giật cấp 15. Cây cối đổ rạp, sóng lớn. Nhiều nhà cửa đã bị vỡ kính, vỡ tường bao.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (bão Yagi), thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, các đơn vị Cảnh sát cơ động của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã ứng trực 100% quân số, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với những điều kiện thời tiết xấu nhất.
Trung đoàn Đông Bắc (số hiệu E27) thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, là đơn vị vũ trang chiến đấu, ăn ở tập trung, đóng quân trên địa bàn ba tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Trung đoàn được phân công đảm nhiệm phụ trách bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn trên địa bàn bảy tỉnh Đông Bắc, gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn
Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) lúc 14 giờ 30 phút, liên tục là những cơn gió giật mạnh kèm theo mưa. Gió giật mạnh khiến hàng loạt cây xanh bật gốc, cột biển báo bị gãy đổ…
Tại khu vực đường bao biển Trần Quốc Nghiễn có thể dễ dàng nhận thấy từng đợt gió giật cuốn theo mưa trải dài trên mặt nước.
Người dân đều đóng cửa ở trong nhà để đảm bảo an toàn.
Chị Hà, một người dân ở đây cho biết từ nhỏ đến nay 35 tuổi nhưng chưa thấy cơn bão nào lớn như lần này.
Còn ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng lúc này mưa trắng trời, gió giật rất mạnh.
Tại huyện Mê Linh, Hà Nội, lúc 15 giờ chiều 7-9, bão chưa vào nhưng nhiều cây to bị gió giật đổ. Lực lượng phòng chống bão của huyện phải cắt cử người, phương tiện xử lý.
Lãnh đạo huyện cho biết đã phát khuyến cáo từ giờ đến 8g tối nay người dân không ra khỏi nhà.
Lúc 15 giờ chiều nay, bão số 3 đang trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng nhưng cường độ bão vẫn rất mạnh.
Hiện bão vẫn duy trì cấp bão cuồng phong, cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 16. Với cấp gió mạnh này sẽ có sức phá hoại cực kỳ lớn.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tại Quảng Ninh, hiện nay tổng số 52/52 ĐZ 110kV và 21/21 trạm biến áp tại Quảng Ninh đã tách khỏi vận hành, toàn tỉnh mất điện.
Công ty Điện lực Quảng Ninh đã huy động hơn 600 cán bộ, công nhân viên ứng trực tại các đơn vị để khắc phục sự cố ngay sau khi cơn bão tan.
Tại Hải Phòng, Điện lực Hải Phòng cho biết, hiện mất điện ở 6 đường dây 110 kV, làm mất điện toàn bộ khu vực Cát Hải; mất điện trên 50 đường dây trung thế và khoảng hơn 300 nghìn khách hàng.
Còn Điện lực Thái Bình cho biết, đã xảy ra sự cố bốn đường dây 110 kV và có 03 TBA 110 kV đang mất điện; 110 lộ đường dây trung áp mất điện; khoảng 570 nghìn khách hàng bị mất điện.
Công ty Điện lực Thanh Hoá cho biết khu vực tỉnh Thanh Hóa đang có mưa to, hiện có 2 ĐZ trung thế đang mất điện, số khách hàng mất điện là khoảng 120 nghìn khách hàng.
Công ty Điện lực Lạng Sơn cũng thông tin nhanh đến thời điểm này, đơn vị vẫn vận hành lưới 110 kV bình thưởng; sự cố 10 ĐZ trung áp, tổng số ảnh hưởng mất điện là 63.913 khách hàng (trong đó đã khôi phục 50.517 khách hàng), thiệt hại tạm thời có 01 TBA của khách hàng bị đổ và một số đường dây hạ áp bị sạt lở.
Còn theo Công ty Điện lực Nam Định, hiện nay đã bị sự cố một đường dây 110 kV (không mất điện TBA 110 kV); 35 lộ ĐZ trung áp và mất điện khoảng 265 nghìn khách hàng.
Tại Hải Dương hiện đang mất điện 04 lộ ĐZ 110kV và 04 TBA 110kV thuộc lưới điện Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương quản lý, đang mất điện 75/153 xuất tuyến ĐZ trung áp, ảnh hưởng đến 159 nghìn khách hàng trên địa bàn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đến 16 giờ chiều nay, tâm bão số 3 vẫn đang trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng.
Cường độ bão vẫn rất mạnh, duy trì ở cấp 12-13, giật cấp 16.
Bão đang di chuyển nhanh với tốc độ 20km/giờ theo hướng Tây Tây Bắc, đi sâu vào đất liền.
Cấp độ gió quan trắc được trong những giờ qua có nhiều nơi lên cấp 14, giật cấp 17.
Gió bão cực mạnh đã cuốn bay nhiều biển hiệu quảng cáo, mái tôn, khung cửa kính nhà cao tầng, quật đổ hàng loạt cây xanh tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội.
Ảnh hưởng của bão số 3, tại Hà Nội cũng đang có mưa kèm theo gió giật liên hồi.
Sở TT&TT Hà Nội truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khuyến cáo người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...
Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.
Hồi 17 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.3 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm 1 cấp, còn cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Dự báo những giờ tới bão đi sâu vào đất liền phía Đông Bắc Bộ. Quá trình di chuyển, bão giảm dần cường độ còn cấp 8, giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía ĐôngBắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0-5,0 m.
Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh-Hải Phòng sóng cao 3,0-4,0 m, từ Thái Bình-Ninh Bình 2,0-3,0 m.
Bão cũng gây ra mưa lớn nhiều nơi. Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối nay đến sáng mai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-200 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Từ chiều mai lượng mưa giảm dần, riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm.
Phía Tây Bắc Bộ từ chiều nay đến sáng 9-9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Trong tình hình bão số 3 diễn biến ngày càng rất phức tạp, chiều 7-9, Thiếu tướng Lê Văn Sao, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ đã đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các mục tiêu khu vực Hà Nội.
Tại các điểm kiểm tra, Thiếu tướng Lê Văn Sao đã động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, khoa học - kỹ thuật vượt qua khó khăn, thời tiết mưa to gió lớn của cơn bão, bảo đảm an toàn các mục tiêu theo quy định.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến 17 giờ chiều 7-9, bão số 3 đã làm bốn người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).
- Về tàu thuyền: 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải (Huyển Trang 02 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt.
- Về điện lực: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.
- Về nhà ở và cây xanh: Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, TP Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Ghi nhận thực tế tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng lúc 17 giờ 30, gió đã giảm, tuy nhiên nước dâng cao, sóng đánh tràn lên bờ.
Trong trung tâm TP, gió, mưa cũng dần ngớt, cây cối đổ hàng loạt, nhiều nhà dân bị tốc mái.
Ghi nhận của PLO chiều nay (7-9), mưa lớn kèm lốc xoáy dọc bờ biển Thanh Hóa khiến nhiều cây bật gốc, đổ gãy, trong khi đó ở các huyện vùng cao mưa lớn, lốc xoáy xảy ra tại các huyện Cẩm Thủy, Thường Xuân, Mường Lát, Bá Thước.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, cũng như ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, các huyện miền núi của Thanh Hoá đã tổ chức sơ tán dân khoảng 1.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn.
Theo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, bão số 3 khiến tàu biển Minh Ánh 01 và Minh Ánh 3 bị trôi neo, mất tín hiệu. Trong đó 12 thuyền viên và tàu Minh Ánh 3 an toàn, riêng ba người cùng tàu Minh Ánh 1 đang bị thả trôi.
Tàu cần cẩu Tiến Thành 05 thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Logistic Quảng Ninh neo tránh trú bão tại Vũng Đục - Cẩm Phả bị mất tích cùng bảy thuyền viên. Hai tàu cần cẩu khác là Tiến Thành 02, Tiến Thành 03 bị trôi dạt, mắc kẹt tại cung Cá Heo, TP Hạ Long. Trên mỗi tàu có khoảng 10 người.
Tàu Thiên Thuận Thành 01 cùng bốn người bị trôi neo, nước tràn vào buồng máy tại khu vực Hòn Vụng Gianh, Quảng Ninh. Hiện, tàu và 4 thuyền viên an toàn.
Tàu kéo biển Hồng Gai (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh cảng Quảng Ninh) khi neo tránh bão tại khu vực hang Bồ Nâu, trên tàu có 7 thuyền viên đã bị mất tích. Tàu lai dắt Hạ Long 08 đã vớt được một thi thể, sáu người còn lại chưa được tìm thấy.
Ngoài ra, một tàu cá không rõ tên bị hỏng máy, trên tàu có một người, trôi dạt tại khu vực hòn Vạn Bội - Cát Bà. Gần vị trí tàu bị nạn có tàu cảnh sát biển cách 6 hải lý sẵn sàng cơ động đi tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên do thời tiết xấu chưa tiếp cận được tàu bị nạn.
Lúc 18 giờ ngày 7-9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết hiện bão số 3 đang nằm ở giữa ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Bão đang gây mưa lớn, gió mạnh kèm gió giật ở các tỉnh, thành phố này và cả các địa phương xung quanh, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Theo ông Khiêm, rà soát các dữ liệu quan trắc cho thấy từ trưa đến nay, tại Hà Nội chủ yếu có gió mạnh cấp 4-5, kèm theo đó là gió giật mạnh lên tới cấp 9-10 theo từng đợt nằm ở vành ngoài hoàn lưu bão số 3. Tình trạng gió mạnh kèm gió giật mạnh đã gây đổ cây, đổ nhà và nhiều thiệt hại khác cho người dân.
Tiếp tục chia sẻ về diễn biến bão số 3, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho hay hiện bão đang ở cấp 11-12. Dự báo những giờ tới bão dịch chuyển theo hướng Tây, đi qua khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ để hướng về phía Tây Bắc Bộ với tốc độ 20km/giờ.
“Cảnh báo từ nay đến hết đêm, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, cả Đông Bắc Bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn chịu tác động mạnh của cơn bão số 3, nhất là gió giật rất mạnh. Từ sau đêm nay, rạng sáng mai khi bão di chuyển sâu vào đất liền thì cường độ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới, vùng thấp và tan dần” - ông Khiêm cho hay.
Khi bão di chuyển dọc các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, trong khoảng 2 giờ tới thì các tỉnh vẫn chịu tác động gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Khu vực Hà Nội từ giờ đến nửa đêm vẫn chịu tác động gió mạnh cấp 6-7 và gió giật mạnh. Với gió giật mạnh như vậy khuyến nghị người dân cần lưu ý đến hết đêm nay phải cố gắng phòng tránh trú.
Ngoài nguy hiểm về gió, cơ quan khí tượng quốc gia nhận định ngày mai miền Bắc tiếp tục có mưa lớn, có nơi trên 200 mm. Mưa lớn có thể gây ra các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đô thị, vùng trũng thấp.
Đặc biệt, vì hoàn lưu bão rộng, đĩa mây bao trùm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có nhiều ổ mây đối lưu gây mưa giông lốc, gió xoáy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân, bà con cần lưu ý.
“Chúng tôi cũng cảnh báo đêm nay, khu vực ven biển Hải Phòng, Thái Bình đề phòng hiện tượng sóng cao, nước dâng sẽ tác động đến khu nuôi trồng thuỷ sản, tàu thuyền ven bờ…” - ông Khiêm lưu ý.