“Dự kiến từ chiều đến đêm ngày 29-11, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh ven biển từ Bình Định – Khánh Hòa.
Càng gần bờ bão sẽ mạnh thêm 1-2 cấp và giảm 1 cấp khi vào đất liền. Hiện bão số 4 mới ở cường độ cấp 8, giật cấp 9-10 nhưng có tốc độ di chuyển nhanh từ 25-30 km, sẽ rất nguy hiểm cho tàu bè đang hoạt động trên biển tại khu vực bão di chuyển.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực ven biển có triều cường từ 2-3 m, và hai đợt lũ trên các sông, suối của Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”, Bà Đặng Thanh Mai, Phó giám đốc TT DBKTTV TƯ nhận định tại cuộc họp khẩn nhằm ứng phó với bão số 4 của Ban chỉ đạo PCLB TW và UBQG TKCN diễn ra chiều tối qua 28-11.
Bà Thanh cũng thông tin thêm sau cơn bão số 4 khoảng 1 tuần, sẽ có 1 siêu bão (đang hình thành ở vùng biển phía Đông Philippines) có khả năng di chuyển vào biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ban chỉ đạo PCLB TW và UBQGTK cứu nạn họp khẩn ứng phó với bão số 4
Theo TT DB KTTV TƯ, hồi 16 giờ ngày 28-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ vĩ Bắc; 115,4 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8- 9 (từ 62 - 88km một giờ), giật cấp 10- 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 16 giờ ngày 29-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 giật cấp 10-11. Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Sóng biển cao từ 3 – 5m. Biển động rất mạnh.
Từ trưa 29-11, vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Sóng biển cao từ 2 – 4m. Biển động rất mạnh. Sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên từ tối 29-11 có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 70-200mm.
Đại diện UBQG TKCN cho biết hiện tại trên vùng biển nguy hiểm do ảnh hưởng của bão (từ vĩ tuyến 10-15 và phía Đông kinh tuyến 115) vẫn còn 752 tàu/7053 lao động đang hoạt động cần phải di chuyển tránh trú bão khẩn cấp.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhất mạnh: “Bão có vẻ không mạnh nhưng rất nguy hiểm với tàu bè trên biển, tàu du lịch ven bờ. Chỉ còn 20 giờ nữa là bão đổ bộ vì thế phải kiên quyết yêu cầu, hướng dẫn các tàu trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm”. Ông Phát yêu cầu 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thực hiện lệnh cấm biển từ sáng ngày 29-11, đặc biệt là Khánh Hòa nơi có nhiều tàu du lịch hoạt động. Ngoài ra, do triều cường dâng từ 2-3 m khi bão đổ bộ nên các địa phương trong vùng ảnh hưởng mạnh của bão phải khẩn trương sơ tán người ở ven biển, đầm nuôi thủy sản, lồng bè về nơi trú bão.
Bộ trưởng Phát cũng đặc biệt lưu ý các địa phương phải có phương án cứu hộ, cứu nạn đối với lũ quét, ngập lụt sau bão vì cơn bão năm 2012 đổ bộ vào Phú Yên đã từng khiến hàng chục người thiệt mạng do lũ, ngập lụt.
Vào sáng ngày 29-11, đoàn công tác của Ban chỉ đạo PCLB TW và UBQG TKCN sẽ có mặt tại Phú Yên để chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão.