Chiều tối 29-11, bão số 4 đổ bộ Bình Định - Khánh Hòa

Càng gần bờ bão sẽ mạnh thêm 1-2 cấp và giảm 1 cấp khi vào đất liền. Hiện bão số 4 ở cường độ cấp 8, giật cấp 9-10, tốc độ di chuyển 25-30 km/giờ, rất nguy hiểm cho tàu bè. Do ảnh hưởng của bão số 4, các khu vực ven biển có triều cường 2-3 m, các sông suối của Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ có hai đợt lũ lớn” - bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nhận định tại cuộc họp khẩn chiều tối 28-11.

Bà Thanh cũng thông tin thêm: Sau cơn bão số 4 khoảng một tuần sẽ có một siêu bão (đang hình thành ở vùng biển phía Đông Philippines) có khả năng di chuyển vào biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 28-11, vị trí tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 80 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/giờ), giật cấp 10-11. Đến 16 giờ ngày 29-11, tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.

Do ảnh hưởng của bão, từ trưa 29-11 vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Sóng biển cao 2-4 m, biển động rất mạnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Bão có vẻ không mạnh nhưng rất nguy hiểm với tàu bè trên biển, tàu du lịch ven bờ. Chỉ còn 20 giờ nữa là bão đổ bộ vì thế phải kiên quyết yêu cầu, hướng dẫn các tàu trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm”. Ông Phát yêu cầu ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thực hiện lệnh cấm biển từ sáng 29-11, khẩn trương sơ tán người ở ven biển, đầm nuôi thủy sản, lồng bè về nơi trú bão.

Sáng 29-11, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phòng chống, lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn sẽ có mặt tại Phú Yên để chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống lụt bão.

Công điện hỏa tốc

Tối 28-11, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBTƯ) - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện hỏa tốc gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang cùng các bộ, ngành liên quan. Theo đó, để chủ động đối phó với bão số 4, Ban Chỉ đạo PCLBTƯ-Ủy ban Quốc gia TKCN yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành theo dõi, kiểm đếm các phương tiện đang hoạt động trên biển. Tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Đặc biệt, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang có tàu hoạt động ở khu vực giữa và nam biển Đông cần phối hợp với bộ đội biên phòng kiên quyết kêu gọi các tàu di chuyển vào bờ gần nhất hoặc tìm nơi trú tránh, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp với bão số 4 trong chiều 28-11, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các lực lượng cứu hộ hỗ trợ sơ tán khẩn cấp đưa người dân các vùng trọng yếu đến nơi an toàn. Cũng tại thời điểm trên, Bình Định vẫn còn 2.650 tàu cá với 20.501 ngư dân hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão.

 N.ANH  - T.LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm