Bão số 2 tiến gần Móng Cái

Theo dự báo, đến 10 giờ sáng nay (19-7), vị trí tâm bão ở trên đất liền phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (118-149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Sau đó, vùng tâm bão đi vào khu vực biên giới Việt - Trung, rồi đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tức là từ 62 đến 74 km/giờ, giật cấp 10. Chiều nay, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía tây Bắc Bộ.

Phó thủ tướng đến vùng bão sẽ đổ bộ

22 giờ ngày 18-7, tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Chính phủ đã họp trực tuyến với 13 huyện, thành của tỉnh Quảng Ninh về công tác ứng phó bão số 2.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Đây là cơn bão rất mạnh, cường độ cấp 11-12, giật 13-14 khi cập bờ nên không thể chủ quan được. Phó Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của nhân dân; tiếp tục duy trì thông tin, giao thông, tiếp tục rà soát kiểm tra khu dân cư để hoàn thành di tản dân; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để nắm bắt, kịp thời ứng cứu nếu xảy ra sự cố; tiếp tục phổ biến thông tin cho người dân… “Ở đâu đó có người có thể chưa nhân được thông tin, vì thế phải tiếp tục thông tin”, Phó Thủ tướng cũng lưu ý đảm bảo an toàn về điện trong bão, tránh xảy ra tai nạn chết người vì điện.

 
Hơn 23 giờ ngày 18-7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải họp với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo phòng chống bão số 2. Ảnh: T.Phú

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm 22 giờ ngày 18-7, Quảng Ninh đã hoàn thành việc kêu gọi tàu bè về nơi trú ẩn an toàn, thực hiện cấm biển tại vịnh Hạ Long và các khu du lịch Cô Tô, Quan Lạn; tiến hành di dân khỏi vùng nguy hiểm; triển khai các phương án chống úng ngập, sạt lở hầm lò, công trình hồ đập, đê điều; chuẩn bị người, phương tiện, vật tư để cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố. Tỉnh Quảng Ninh cũng thành lập sở chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bão số 2 ngay tại Móng Cái do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu trực tiếp chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết: Hơn 17.000 tàu thuyền, bè cùng lao động trên đó đã được kêu gọi, hướng dẫn về nơi tránh trú bão an toàn. Cuối giờ chiều, UBND tỉnh đã quyết định di dời trên 1.000 hộ dân ngay trong đêm 18-7. Hạ thấp độ cao hoặc chằng chống hệ thống cột ăng ten, cột thông tin viễn thông và di dời dân sinh sống quanh cột có nguy cơ ngã đổ. Hơn 2.000 khách du lịch đang ở trên các đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu cũng đã được đưa về đất liền.

Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng quân sự, biên phòng đưa lực lượng ra ngay các huyện phía Đông của tỉnh để kịp thời hỗ trợ, phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của trung ương khi có sự cố. Công an tỉnh tăng cường lực lượng để đảm bảo an ninh cho dân khi bão đổ bộ. Các sở Công Thương, Y tế, GTVT… chuẩn bị các phương án cho các tình huống xấu.

Tại Móng Cái, đến thời điểm 22 giờ trời bắt đầu có mưa. Hiện bão số 2 vẫn giữ cấp 14, giảm một cấp sau khi đi qua bán đảo Lôi Châu, cách Móng Cái 200 km về hướng Đông Nam. Dự kiến 10-12 giờ sau bão đổ bộ, tức khoảng 8-10 giờ sáng 19-7. Móng Cái sẽ nằm trong vùng tâm bão. Toàn bộ Quảng Ninh chịu ảnh hưởng cấp gió cấp 10. Bão số 2 sẽ gây lượng mưa lớn có nơi đạt 400-500 mm, khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ có mưa 100-200 mm.

Chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại Móng Cái, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định đây là cơn bão mạnh mà 10 năm nay ông mới được trực tiếp chứng kiến, vì thế Quảng Ninh phải sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất. “Những gì có thể làm được lúc này để sơ tán dân phải làm ngay, nhất là khu nhà yếu, khu dân cư ven biển” - Bộ trưởng Phát nói. Trước đó, bộ trưởng yêu cầu tỉnh không để thiệt hại về người, hạn chế thiệt hại.

Đến 22 giờ 30 tại Móng Cái đã tổ chức di dời gần 1.000/2.023 hộ dân ở vùng xung yếu, vùng ngập, vùng nguy hiểm. Công tác di dời đang tiếp tục thực hiện trong đêm 18-7.

Người dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh chuẩn bị bao cát đề phòng sự cố vỡ đê. Ảnh: Đỗ Phương

Hải Phòng, Thái Bình đã sẵn sàng ứng phó

Trước đó, chiều tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã về chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão tại TP Hải Phòng.

Theo báo của Ban Chỉ huy PCLB TP Hải Phòng, tại Cát Hải: tới chiều tối 18-7, huyện đảo này đã thực hiện sơ tán hơn 1.000 dân vùng trũng tại đảo Cát Hải đến nơi trú tránh an toàn, đưa phụ nữ và trẻ em tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại thị trấn Cát Bà lên bờ. khoảng 500 người dân sống trên thuyền bè, khu vực trũng tại các phường Bàng La, Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), cũng được sơ tán tới những nhà dân kiên cố gần đó. Tàu thuyền đã chạy vào bờ neo đậu hoặc kéo lên bờ.

Đến cuối ngày 18-7, ngành GTVT Hải Phòng đã sẵn sàng công tác chuẩn bị phòng, chống cơn bão số 2. Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đức Thọ cho biết đến trưa 18-7, toàn bộ các chủ phương tiện thủy thực hiện nghiêm lệnh cấm biển; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, phục vụ công tác đột xuất khi có yêu cầu.

Tại Thái Bình, từ ngày 18-7, các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố huy động toàn lực lượng tổ chức trực ban, trực chiến 100% quân số để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trước, trong và sau khi bão đổ bộ. Lực lượng hậu cần kiểm tra bố trí đủ phương tiện, vật tư, thông tin liên lạc phục vụ công tác ứng phó với bão số 2.

Thái Bình đã tổ chức di dời hơn 3.000 người vào nơi an toàn.

Tại huyện Tiền Hải, hơn 700 tàu đánh cá, tàu cát… của các hộ dân trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào nơi trú bão an toàn, neo đậu chắc chắn. Tại xã Đông Minh - xã có đường bờ biển dài nhất huyện Tiền Hải xã bố trí lực lượng trực tại các cụm, sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra.

Thái Bình sẵn sàng “đối đầu” với cơn bão.

NHÓM PV

Bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tối 18-7 bão số 2 cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 90 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 15-16. Trong 12 đến 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Như vậy, khoảng gần sáng và sáng 19-7, vùng tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt - Trung, sau đó đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần. Trong đêm 18-7, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 13-14. Sóng cao 5-6 m. Các nơi khác ở đồng bằng và đông bắc Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to.

Bão số 2 tiến gần Móng Cái ảnh 3
 

Đường đi của bão số 2 (theo Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương)

Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định.

Philippines: 54 người thiệt mạng do bão Rammasun

Theo Cơ quan ứng phó thiên tai Philippines, ngoài 54 người chết, bão Rammasun cũng làm 100 người khác bị thương và ba người mất tích. 26.259 ngôi nhà bị hư hại. Thiệt hại do cơ sở hạ tầng lên đến 20,5 triệu USD, thiệt hại nông nghiệp hơn 100 triệu USD.

Bão cũng gây mất điện diện rộng từ ngày 15-7, với bốn tỉnh hiện vẫn chưa có điện đầy đủ, trong khi Metro Manila phải cắt điện luân phiên do thiếu hụt nguồn cung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm