Trước diễn biến bất thường và phức tạp của cơn bão muộn nhất trong nhiều thập niên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện và trực tiếp họp khẩn, chỉ đạo cho các bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bão.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đã đến các khu vực dự kiến bão đổ bộ để kiểm tra, đôn đốc ứng phó bão.
Khẩn trương chống bão
Ngay từ sáng 25-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống bão ở Sóc Trăng...
Theo báo cáo, các tàu, thuyền của ngư dân tỉnh này đã vào bờ hoặc trú tránh an toàn, công tác di dời dân cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng, chống bão của tỉnh Sóc Trăng và nhắc nhở địa phương cần quan tâm hơn nữa đến diễn biến của bão để có phương án đối phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ông cùng đoàn đã đến thăm bà con ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, động viên bà con yên tâm tránh bão, chờ khi nào hết bão mới về nhà.
Sau đó, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đến Bạc Liêu kiểm tra việc phòng, chống bão ở tỉnh này. Bạc Liêu cũng cơ bản hoàn thành việc di dời dân đến nơi tránh, trú an toàn. Tỉnh cũng cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ, nhằm theo dõi và kịp thời thông tin đến người dân.
Tại đây, ông cũng yêu cầu Bạc Liêu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
Người dân Cà Mau trú tránh bão tại trường học. Ảnh: N.TÂN
Kiểm tra tại Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp trước hết phải đảm bảo an toàn cho máy móc thiết bị, vận hành hệ thống..., nêu cao trách nhiệm hỗ trợ địa phương, giúp đỡ người dân sơ tán khi bão đổ bộ.
Kiểm tra tại Khu du lịch Nhà Mát, Bạc Liêu - nơi tập trung rất đông cơ sở du lịch,... Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn về người và tài sản để người dân yên tâm di chuyển đến nơi tránh trú.
Chiều cùng ngày, ông tiếp tục có chuyến khảo sát thực địa tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Tại đây, Phó Thủ tướng kiểm tra khu dân cư và khu neo đậu tàu thuyền cũng như các phương án ứng phó bão của địa phương này.
Đây là địa phương có khả năng bão đổ bộ trực tiếp nên người dân chấp hành nghiêm việc di dời, trú tránh bão. Một số người còn thuê xe lên TP.HCM trú ở nhà người thân.
Cũng trong ngày 25-12, đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cũng đã đến Kiên Giang, Cà Mau kiểm tra công tác phòng, chống bão số 16. Tại đây, ông yêu cầu địa phương chú trọng công tác di dân, các phương án khắc phục sự cố; tiếp tục tuyên truyền nhân dân và du khách thực hiện nghiêm lệnh cấm về giao thông trên biển, nhất là khu vực đảo Phú Quốc; tập trung lực lượng cơ giới, lực lượng vũ trang địa phương giúp nhân dân đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa.
619.719 người dân đã được di dời đến các điểm trú tránh bão tại các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng của bão số 16. |
Không được chủ quan
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến cuối ngày 25-12, tất cả tàu thuyền đã vào nơi neo đậu. Toàn bộ người dân sống trên tàu thuyền lồng bè tại các tỉnh, TP ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau cũng đã đưa lên bờ. Hơn 140.000 căn nhà được chằng chống.
Ngoài việc cấm biển, một số địa phương cũng kiên quyết cấm tàu thuyền đi lại trên sông. Nhiều tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhận định tuy bão có giảm cấp, phạm vi ảnh hưởng giảm nhưng vẫn ở mức mạnh cấp 8 - cấp 10 và có thể kèm theo giông lốc mạnh cục bộ, còn rất nguy hiểm. Vì vậy các địa phương cần tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, không chủ quan, phải tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung công điện của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó phải chủ động có phương án bảo vệ các tuyến đê biển xung yếu trước khi bão đổ bộ, bố trí lực lượng, phương tiện tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng huy động. Đồng thời chuẩn bị phương án khôi phục hạ tầng ngay sau bão nhất là hạ tầng điện, thông tin liên lạc, nhà dân…
Động đất 3,2 độ Richter ở biên giới Việt-Lào Ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát động đất TP Điện Biên Phủ (Điện Biên), xác nhận vào lúc 15 giờ 2 phút ngày 25-12, một trận động đất có cường độ 3,2 độ Richter đã xảy ra ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Ông Sơn cho biết theo dữ liệu thông tin do Viện Vật lý Địa cầu cung cấp, trận động đất này có độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Tâm chấn động đất nằm ở trên biên giới Việt Nam-Lào, khu vực xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, Điện Biên; thời gian dư chấn kéo dài khoảng ba giây. Tại khu vực TP Điện Biên Phủ và lòng chảo Mường Thanh, người dân cũng cảm nhận được sự rung lắc nhẹ. Theo ông Sơn, do tâm chấn trận động đất nằm ở khu vực biên giới với địa hình chủ yếu là đồi núi, cường độ nhỏ và thời gian dư chấn không dài nên không có khả năng gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là trận động đất thứ bảy xảy ra từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên. |