Bão Trà Mi quét qua Philippines, ít nhất 46 người chết

(PLO)- Số người thiệt mạng và mất tích ở Philippines do cơn bão Trà Mi đã lên 66, gần 240.000 người đang trú ẩn tại các trung tâm sơ tán.

Hãng thông tấn PNA của Philippines đưa tin tính đến chiều 25-10 cơn bão Trà Mi đổ bộ vào bờ biển đông bắc Philippines đã làm ít nhất 46 người thiệt mạng, 7 người bị thương và 20 người vẫn còn mất tích.

Cơ quan phòng vệ dân sự Philippines cho biết số người chết và bị thương được báo cáo là do lở đất, lũ lụt và các sự cố liên quan cơn bão Trà Mi.

Cơn bão Trà Mi đổ bộ vào Philippines gây ngập lụt nhiều nơi. Ảnh: REUTERS

Theo chính phủ Philippines, gần 240.000 người đang trú ẩn tại các trung tâm sơ tán, trong khi 7.510 hành khách bị kẹt tại các cảng biển và 36 chuyến bay bị hủy, theo hãng tin Reuters.

Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. chỉ thị cho tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan đảm bảo việc cung cấp hỗ trợ không bị gián đoạn cho các khu vực bị ảnh hưởng do cơn bão Trà Mi.

"Tôi cam kết với người dân của chúng ta: Sự trợ giúp đang trên đường đến bằng đường bộ, đường hàng không và thậm chí là đường biển" - Tổng thống Marcos viết trên mạng xã hội X.

Cơn bão Trà Mi đổ bộ vào đảo chính Luzon của Philippines hôm 24-10.

Trưa 25-10, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết từ chiều 24 đến sáng 25-10, bão Trà Mi (bão số 6) di chuyển tương đối ổn định với tốc độ nhanh 15-20 km/giờ, tâm hướng về khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Ông Lâm cho biết các diễn biến tiếp theo cho thấy trong khoảng 24-48 giờ tới, cường độ bão còn mạnh lên, cường độ cực đại khi bão ở trên phía Đông quần đảo Hoàng Sa có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 13-14.

Cũng theo ông Lâm, hiện có hai kịch bản xảy ra đối với bão Trà Mi. Kịch bản thứ nhất (khoảng 60%) là khi bão vào đến khu vực quần đảo Hoàng Sa có xu hướng di chuyển chậm lại, cường độ yếu dần do bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đẩy bão xuống phía Nam.

Sau đó bão Trà Mi có khả năng suy yếu còn khoảng cấp 7-8, di chuyển ra phía ngoài và duy trì tương đối lâu dẫn đến trên khu vực Giữa và Nam biển Đông hình thành một dải hội tụ nhiệt đới gây mưa kéo dài cho khu vực Trung Bộ.

Kịch bản thứ hai ít khả năng hơn (khoảng 30%), khi bão vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, dù suy yếu do ảnh hưởng bộ phận không khí lạnh nhưng bão tiếp tục di chuyển vào bờ và suy yếu trên khu vực đất liền của Việt Nam.

Ông Lâm nhấn mạnh: “Cả 2 kịch bản đều dẫn đến mưa lớn tại Trung Trung Bộ”.

AN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới