Chiều 11-10, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cho biết như trên.
Theo ông Hòa, hạng mục nhà ga Bến Thành và đoạn đi ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP được thi công theo phương pháp đào hở. Vì vậy, 39 cây xanh nằm trong ranh giới dự án buộc phải bứng lên, di dời, chăm dưỡng và 36 cây phải đốn hạ.
Ông Hòa thông tin ở khu vực Công viên 23-9 và phía đường Phạm Ngũ Lão có 27 cây được bứng dưỡng và 24 cây phải đốn hạ.
Đến chiều 11-10, một số cây ở Công viên 23-9, phía giáp đường Phạm Ngũ Lão đã được mé nhành, bứng lên và bọc lại gốc để đưa đi chăm dưỡng.
Ở khu vực đường Lê Lợi sẽ đốn hạ 12 cây và bứng dưỡng 12 cây nằm trên dải phân cách giữa phần đường dành cho xe hỗn hợp và ô tô theo chiều xe từ chợ Bến Thành đi về Nhà hát TP.
Một số cây nằm trên dải phân cách của đường Lê Lợi theo hướng từ chợ Bến Thành đi Nhà hát TP mới bị đốn hạ, bứng dưỡng.
Hàng cây nằm trên dải phân cách theo hướng từ Nhà hát TP đi chợ Bến Thành vẫn được giữ nguyên.
Một số cây dầu nằm trên vỉa hè các góc đường Pasteur - Lê Lợi cũng sẽ được giữ lại.
Theo ông Hòa, tiêu chí đốn hạ 36 cây xanh ở hai khu vực trên là với các cây viết là loại cây bị sâu bệnh, mục, đục ở thân và cành nhánh, bọng gốc... Với cây lim sét là loại có thân cây cong, phần rễ nổi đội vào vỉa bồn và vỉa hè, cây bị mục cành, cây cao từ trên 3 m phân thành 2-3 thân cong queo, uốn lượn, ngả ra mặt đường.
Những cây lim sét phân thành 2-3 thân trên cao và cong queo, nghiêng ngả sẽ buộc phải đốn hạ.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, đến năm 2020, khi tuyến metro số 1 hình thành sẽ xây dựng quảng trường và phục hồi mảng xanh trước khu vực chợ Bến Thành, đường Lê Lợi.
Hiện Sở GTVT đang xem xét phương án dựng rào chắn để đào hở ở hạng mục nhà ga Bến Thành và đoạn metro đi ngầm trên.
"Phương châm của Sở là hạn chế rào chắn, thi công tới đâu mới cho dựng rào chắn tới đó và điều hòa, bảo đảm giao thông ở khu vực trung tâm tốt nhất vì lẽ công trình diễn ra tới 36 tháng" - ông Lâm nói.