Sáng 30-9 cầu Sài Gòn dành cho tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được hợp long sau gần ba năm xây dựng.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đây là thời điểm đánh dấu dự án chuyển sang giai đoạn mới cực kỳ quan trọng với sức ép về tiến độ và trình độ công nghệ càng cao hơn.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong (thứ hai, từ phải qua) cùng các đại biểu xúc bê tông hợp long cầu Sài Gòn sáng 30-9.
Tuyến metro số 1 được TP nghiên cứu từ những năm cuối của thế kỷ trước nhưng phải đến năm 2008 mới có đất để làm depot, xác định rõ hướng, tuyến, công nghệ xây lắp và chạy tàu. Tháng 2-2008, TP chính thức khởi động dự án bằng việc xây dựng depot Long Bình ở quận 9.
Sau khi bấm nút khởi công depot Long Bình ngày 21-2-2008, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân ôm chầm lấy nhau chúc mừng cho dự án chính thức bắt đầu.
Đến 28-8-2012, khởi công xây dựng toàn tuyến dài 19,7 km. Điều thú vị là khi đó Bí thư Lê Thanh Hải và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng được giao là hai người đầu tiên bấm nút khởi công. Hơn bốn năm sau ông Thăng làm bí thư thay ông Hải - hai lớp lãnh đạo kế tiếp nhau xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại.
Ở cấp chỉ huy, quản lý trực tiếp dự án metro 1 đã qua ba lớp lãnh đạo. Sáng 30-9, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, lớp lãnh đạo thứ hai của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (sau ông Nguyễn Đô Lương) đến cầu Sài Gòn với tư cách cựu chỉ huy và là người sẽ sát cánh cùng Ban xây dựng hạ tầng giao thông, vận tải công cộng TP.
Ông Bùi Xuân Cường (bên phải) trên cầu metro Sài Gòn sáng 30-9.
... và đây, lớp lãnh đạo thứ ba, ông Lê Nguyễn Minh Quang (bên trái) người chưa là đảng viên.
Ngày 6-4-2015, đốt dầm chữ U đầu tiên được đổ bê tông trên công trường ở phường Long Bình, quận 9. Mỗi đốt dầm điển hình rộng hơn 11 m, cao hơn 2 m, nặng 42 tấn sẽ được liên kết vĩnh viễn với 13 đốt khác trên hệ đà giáo di động để tạo thành một nhịp cầu cạn hoàn chỉnh dài khoảng 35 m. Với 12 km cầu cạn của tuyến metro số 1 sẽ có 4.563 đốt dầm chữ U được đúc (tương đương 372 nhịp) và lao lắp lên các đà trụ trong vòng hai năm.
Ngày 6-4-2015, đốt dầm chữ U đầu tiên được đổ bê tông.
Tháng 6-2015, việc lao lắp các đốt dầm lên hệ đà trụ ở ngoài công trình bắt đầu
Bên thành biên mỗi đốt dầm đều ghi rõ ngày được đúc ở Long Bình và mã số đốt dầm
Theo kỹ sư Nguyễn Huy Thục, Hội cầu, đường, cảng TP giữa các đốt dầm đều có mấu nối âm - dương, sau khi treo lên hệ đà giáo di động các mấu này ăn khớp vào nhau và được dán keo epoxy và căng cáp bên trong để tạo thành những phiến dầm dài 35 m, rộng hơn 11 m, cao hơn 2 m.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang đến nay đã lao lắp được hơn 60% khối lượng của 12 km cầu cạn, 229/361 nhịp dầm đã được lao lắp, kết cấu bền vững...
Dọc theo xa lộ Hà Nội hệ trụ, dầm cầu đang được hình thành
Cầu Sài Gòn được làm bằng bê tông cốt thép, kết cấu dầm hộp, đúc hẫng liên tục với bốn trụ, ba nhịp. Hai trụ ở hai đầu là điểm tiếp giáp giữa cầu vượt sông và cầu cạn của tuyến metro.
Cầu chính vượt sông Sài Gòn của tuyến metro chạy song song với cầu đường bộ Sài Gòn 1, 2
Khoang thông thuyền của cầu metro tương thích với cầu đường bộ (cao 10,5 m, rộng hơn 102 m) đảm bảo cho tàu thuyền qua lại dưới sông bình thường.
Cũng theo ông Quang, đến nay đã triển khai thi công 11 ga, trong đó tám ga đã hoàn tất đến tầng ke ga, ba nhà ga đã xong tầng đón khách.
Các chuyên gia nước ngoài trao đổi công việc trên tầng ke ga Thảo Điền sáng 30-9
Tầng đón khách của ga Thảo Điền đã hoàn thành cơ bản chuẩn bị chuyển sang giai đoạn lắp đặt thiết bị kỹ thuật, phần nội thất...
Theo ông Dương Hữu Hòa, Trưởng ban quản lý dự án 1 (Ban 1), trên tuyến metro số 1 còn bốn cầu đặc biệt có khẩu độ nhịp lớn là cầu Văn Thánh, cầu Điện Biên Phủ, cầu vượt xa lộ Hà Nội và cầu qua rạch Rạch Chiếc.
Tại ba cầu metro vượt cầu, đường bộ Ban 1 sẽ thực hiện đúc hẫng đến đâu thì mới làm rào chắn đến đó để tránh sự cố xảy ra vơi người đi xe máy, ô tô bên dưới và giảm thiểu ùn tắc...
Rào chắn trên đường Điện Biên Phủ để làm cầu metro vượt qua đây.