Bất động sản công nghiệp thêm nhiều nguồn cung

(PLO)- Từ năm 2024, TP.HCM sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hàng loạt khu công nghiệp nằm trong kế hoạch và quy hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa có kết luận về kế hoạch triển khai đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) TP.HCM giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Đây được xem là cơ hội rất tốt cho phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp phát triển.

TP triển khai chín KCN mới

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu trong năm 2023 cơ quan chức năng cần hoàn thành việc xây dựng chính sách để triển khai thực hiện đề án trên. Trong đó bao gồm việc tích hợp phương án phát triển hệ thống KCN vào quy hoạch TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp. Ảnh minh họa: Q.HUY

TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp. Ảnh minh họa: Q.HUY

“Giai đoạn 2024-2030, triển khai hai KCN Phạm Văn Hai I và II tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh với tổng quy mô 668 ha sau khi Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN của TP” - văn bản của Văn phòng UBND TP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Hoan nêu.

Ngoài ra, từ năm 2024, TP cũng sẽ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các KCN đã có quyết định thành lập nhưng chưa triển khai. Trong đó bao gồm các KCN Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng.

Tại sáu tỉnh, TP trọng điểm phía Nam, ghi nhận giá thuê trung bình BĐS KCN đạt 152 USD/m2 cho chu kỳ thuê 50 năm, tỉ lệ lấp đầy lên đến trên 84%, cao hơn mức bình quân 70,9% của cả nước.

Đồng thời, giai đoạn đến năm 2030, TP cũng triển khai các KCN đã có trong quy hoạch phát triển KCN TP nhưng chưa được thành lập gồm hai KCN Hiệp Phước 3, Vĩnh Lộc 3.

Cơ hội cho BĐS công nghiệp

“Theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 563 KCN với tổng diện tích 210.900 ha. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 406 KCN đi vào hoạt động” - ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Group, thông tin.

Theo ông Thắng, việc có nhiều KCN chưa đi vào hoạt động và kế hoạch sắp tới sẽ triển khai cho thấy dư địa phát triển BĐS KCN là rất lớn.

TP.HCM - đầu tàu kinh tế là nơi dẫn đầu cả về giá thuê lẫn tỉ lệ lấp đầy nhưng nguồn cung BĐS KCN lại khan hiếm nên thông tin nhiều KCN sắp được triển khai là tín hiệu tốt với phân khúc này.

Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp - Savills Việt Nam, đánh giá ngành công nghiệp và sản xuất ở Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu trong thu hút dòng vốn ngoại với sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về đất công nghiệp và nguồn cung xây sẵn chất lượng cao.

“Tuy nhiên, hiện nay việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành một bài toán khó cho các doanh nghiệp khi tỉ lệ lấp đầy luôn đạt mức cao. Điều này gây ảnh hưởng tới việc cho thuê các diện tích lớn. Trong khi đó, nguồn cung mới của thị trường không thực sự nhiều” - ông John Campbell phân tích.

Nguyên nhân được ông John Campbell chỉ ra là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng khiến chi phí bồi thường cộng với giá đất ở Việt Nam đã tăng nhiều trong thời gian gần đây. Điều này vô hình trung tạo nên thách thức đối với các chủ đầu tư muốn thành lập các KCN mới hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp.

“Để có thể hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vấn đề thủ tục đầu tư, pháp lý và quy trình phê duyệt dự án cần được đẩy nhanh hơn” - ông John Campbell nêu giải pháp.

Để phát triển BĐS KCN, ông John Campbell cho rằng các chủ đầu tư luôn kỳ vọng tiến độ, quy trình bồi thường và giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đồng thời có thể được tạo điều kiện nhận giấy phép, bản đồ quy hoạch tổng thể, giấy chứng nhận xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian sớm nhất có thể.

Dời thời gian trình đề án chuyển đổi thí điểm
năm khu chế xuất, khu công nghiệp

Đối với Đề án chuyển đổi thí điểm năm khu chế xuất, KCN Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp hai nội dung.

Thứ nhất, chủ động làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển TP để thống nhất nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi thí điểm năm khu chế xuất, KCN; thực hiện song song với việc nghiên cứu các chính sách để triển khai chuyển đổi các khu chế xuất, KCN. Thời gian hoàn thành là tháng 6-2024.

Thứ hai, phối hợp với Văn phòng UBND TP tham mưu văn bản Ban cán sự đảng UBND TP trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy về việc dời thời gian trình đề án chuyển đổi thí điểm năm khu chế xuất, KCN đến năm 2024, thay vì tháng 6-2023. Việc này nhằm có thêm thời gian nghiên cứu và đề xuất các chính sách phục vụ cho chuyển đổi các khu chế xuất, KCN cho phù hợp, khả thi và đúng quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm