Bất động sản Đà Nẵng khó khởi sắc trong năm 2021

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hà Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Trung Tín, cho rằng du lịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là tại Đà Nẵng.

“Hoạt động kinh doanh của các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng là đòn bẩy cho BĐS du lịch. Tuy nhiên, du lịch của TP vẫn còn ảm đạm do dịch COVID-19 nên việc sốt đất trở lại là điều rất khó. Khi nào du lịch sôi động trở lại mới có thể thu hút đầu tư, phục hồi thị trường BĐS được” - ông Tuấn nói.

Nhiều sàn giao dịch, kiốt bất động sản tại Đà Nẵng đóng cửa vì không có
giao dịch. Ảnh: TẤN VIỆT

Chạy đua môi giới đất lẻ ở đô thị

Nhiều năm là nhân viên môi giới cho một công ty BĐS lớn ở Đà Nẵng kiếm được không ít tiền, ông Quốc (ngụ huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) nay chuyển sang làm môi giới tự do.

Ông Quốc kể thời điểm cuối năm 2020, khi nghỉ việc ở công ty cũ, ông đã muốn chuyển nghề. Tuy nhiên, khi lên các hội nhóm Zalo về BĐS, thấy người dân vẫn đang có nhu cầu mua đất ở riêng lẻ trong khu dân cư, ông đã tích cực kết nối và môi giới đến nay được gần chục nền đất/nhà ở.

“Đất dự án giờ rao khản cổ không ai mua nhưng nếu có nền đất lẻ chính chủ nào cần bán thì mình tìm ngay người có nhu cầu mua và ngược lại. Những người mua đều là tiền có sẵn, có vay ngân hàng thì cũng rất ít. Đất chính chủ sang tên ngay nên thuận mua vừa bán. Thời gian chốt các nền đất hoặc nhà cấp bốn rất nhanh chóng” - ông Quốc nói.

Từ lời ông Quốc nói, chúng tôi đã thử vào các hội nhóm Zalo về BĐS tại Đà Nẵng và nhận thấy các giao dịch đất lẻ ở đô thị đang thật sự thay thế đất nền dự án. Các cò đất chạy đua nhau rao tin “đất chính chủ tìm người mua” hoặc “cần tìm đất chính chủ...”. Dù giao dịch thực tế không nhiều nhưng nhu cầu vẫn có.

Theo khảo sát của PV, đất ở riêng lẻ hoặc nhà cấp bốn trong kiệt, hẻm vùng ven Đà Nẵng đang được tìm mua nhiều hơn cả. Một nền đất diện tích 80-100 m2 ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang có giá dao động 1-1,2 tỉ đồng. Tại quận Cẩm Lệ, một nền đất như vậy có giá 1,4-1,6 tỉ đồng. Mức giá này đã có giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm 2020.

Theo ông Đoàn Thanh Phong, Giám đốc kinh doanh Công ty BĐS Funi BamBoo, Đà Nẵng hiện tại không có dự án BĐS mới. Các giao dịch như nói trên dù rất khiêm tốn nhưng đều xuất phát từ nhu cầu ở thật sự hoặc mua để đó, chứ không có tâm lý lướt sóng.

“Khi người dân có tiền nhàn rỗi, thay vì đầu tư vào chứng khoán hay những kênh khác thì họ sẽ đầu tư vào đất ở chính chủ. Mua những dòng sản phẩm đó thì dù chịu biến động như thế nào, kể cả dịch bệnh thì giá trị cũng khó giảm. Người mua cũng không phải chịu áp lực trả nợ ngân hàng” - ông Phong phân tích.

Nhà đầu tư sẽ quay về miền Trung

Ông Phạm Văn Sung, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần BĐS Ecoreal, đánh giá thời gian tới giá đất có thể tăng theo từng khu vực, từng tỉnh/thành chứ không tăng hay giảm theo mặt bằng chung thị trường. Cuối năm 2020, nhiều nhà đầu tư tập trung tại các dự án ở miền Bắc và miền Nam. Tôi nghĩ thời gian tới những thị trường này sẽ bão hòa. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ quay về miền Trung mà Đà Nẵng là nơi có thể đem lại lợi nhuận tốt cho họ. Thị trường BĐS tại Đà Nẵng trong năm 2021 giá sẽ bình ổn. 

Bất động sản vẫn khó khởi sắc

Nói về BĐS Đà Nẵng trong năm qua, ông Phong cho hay thị trường có dao động, có thời điểm xuống rồi lại lên nhưng mức chênh lệch không nhiều. Sau khi rớt giá vì dịch bệnh, hiện giá đất vẫn đứng im hoặc có chỗ đang tăng nhưng rất chậm.

Theo ông Phong, thị trường BĐS Đà Nẵng trong năm nay chưa thể khởi sắc được bởi sau các đợt dịch COVID-19 thì tâm lý của nhà đầu tư đang dè dặt. Thực tế là sau khi kiểm soát được đợt dịch thứ nhất, giá BĐS tăng khá nhanh nhưng đến đợt dịch thứ hai ở Đà Nẵng thì giá đất đã chững lại ngay.

“Sau khi Đà Nẵng khống chế dịch, giá BĐS không tăng nhanh như trước nữa vì nhà đầu tư không biết khi nào dịch sẽ quay trở lại. Rất khó để mạnh dạn đầu tư nhiều tiền vào một dự án BĐS nào đó với tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này. Không thể kiểm soát được các rủi ro thì họ không muốn đầu tư” - ông Phong phân tích.

Ông Phong cho rằng đến khi nào dịch bệnh thật sự đi qua, Đà Nẵng kích hoạt được du lịch thì may ra thị trường BĐS mới khởi sắc. Vị này khẳng định: “Giá đất hiện chắc chắn không giảm nhưng có tăng cũng rất chậm. Có lẽ phải sang năm 2022 thì may ra mới có dấu hiệu hồi phục mạnh được”.

Trước một số thông tin đồn thổi rằng BĐS Đà Nẵng sẽ sớm sốt trở lại, ông Nguyễn Hà Anh Tuấn cho hay tình hình thị trường hiện vẫn rất ảm đạm.

“Thị trường BĐS sau tết chưa có gì gọi là sốt, vẫn giậm chân tại chỗ. Việc tung tin đồn thổi như vậy chỉ là chiêu trò của các cò đất. Họ thổi giá để thu hồi vốn sau thời gian dài ôm hàng không bán được. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư đã rao bán cắt lỗ sâu giá trị sản phẩm cũng không có người mua” - ông Tuấn nhận định.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Sung, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần BĐS Ecoreal, cho hay giá đất nền tại Đà Nẵng đang đứng và chưa có khu vực nào có thể gọi là sốt trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, từ sau đợt dịch thứ hai ở Đà Nẵng, các công ty BĐS tại đây tập trung phát triển dự án ở những tỉnh/thành khác nên thời gian ngắn sắp tới, việc sốt đất tại Đà Nẵng là không thể xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm