Mong manh cơ hội giảm lãi suất vay mua nhà

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngành nghề kinh tế gặp khó khăn. Người kinh doanh, lao động ở nhiều lĩnh vực đã bị giảm thu nhập đáng kể. Trong đó, có không ít doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, người dân đang hoạt động, mua nhà… bằng tiền vay từ ngân hàng.

Người vay nợ gồng mình chống chọi

Chị Nguyễn An, chủ một spa tại quận 9 (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi thuê mặt bằng kinh doanh của một chung cư với giá 14 triệu đồng/tháng. Mùa dịch ế khách quá nên muốn thương lượng chủ nhà giảm xuống 10 triệu đồng/tháng. Vốn đầu tư ban đầu cả tỉ đồng, trong đó gần 600 triệu đồng vay ngân hàng. Nếu không hoạt động nữa thì không có tiền trả nợ”.

Tương tự, chị Nguyễn Hiền cho biết đang kinh doanh thời trang ở quận Tân Phú, chồng chị làm môi giới bất động sản (BĐS). Thu nhập trung bình mỗi tháng gia đình chị tối thiểu cũng được 70 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, nguồn thu nhập của chị giảm đến 50%.

“Thu giảm mạnh nhưng chi phí không giảm. Trước đó, chúng tôi vay ngân hàng gần 4 tỉ đồng mua ba căn hộ đầu tư và để ở. Hiện giờ căn đang ở mỗi tháng trả nợ gần 10 triệu đồng cho ngân hàng, căn thứ hai may là cho thuê được, còn căn thứ ba ở quận 2 vẫn đang chật vật tìm khách. Nếu tình trạng này kéo dài thêm 3-4 tháng nữa thì sợ là tài chính trong nhà sẽ thực sự khó khăn” - chị Hiền nói.

Để giảm bớt gánh nặng lãi vay, chị Hiền muốn bán bớt một căn hộ nhưng thời điểm này người mua cũng ngại đi xem nhà khiến việc bán không dễ dàng.

Là người bị giảm thu nhập đến 60%, anh Huy (ngụ quận Tân Phú) đang làm nhân viên ở một hồ bơi buồn bã nói: “Gia đình tôi có khoản vay 1 tỉ đồng tại ngân hàng để mua đất, định xây nhà. Thế nhưng bây giờ lương, thưởng bị cắt giảm thế này, tôi sợ kế hoạch xây nhà sẽ đổ bể, thậm chí phải bán cả đất để cắt nợ”.

Rất khó để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà. Ảnh minh họa: THÙY LINH

Mong manh cơ hội giảm lãi vay

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại có phòng giao dịch trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chia sẻ: “Mỗi chi nhánh của từng ngân hàng sẽ lựa chọn đối tượng khách hàng khác nhau. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng của từng chi nhánh trong trận dịch này cũng khác nhau”.

Chi nhánh của vị giám đốc này chủ yếu phục vụ cho vay đối với khách hàng mua nhà, xây nhà. Vị này dự đoán vài tháng nữa sẽ thấy rõ sự ảnh hưởng do nhóm đối tượng vay mảng xây dựng, đầu tư BĐS bắt đầu đuối sức.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhận định đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của DN BĐS, thậm chí có thể khiến DN bị mất thanh khoản. Các DN và cả giới đầu tư, người mua nhà đang vay nợ ngân hàng đều rất cần những chính sách hỗ trợ để vượt qua dịch bệnh.

Nói về khả năng ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh phân tích: “Trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động từ dịch COVID-19 thì rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng. Ngân hàng cũng chính là DN nên khó có thể cùng một lúc hỗ trợ mọi ngành, mọi đối tượng. Ngân hàng chỉ có thể ưu tiên hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch”.

Tuy nhiên, theo ông Minh, sau khi Ngân hàng Nhà nước đồng loạt hạ lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng đã công bố mức giảm lãi suất huy động không chỉ ngắn hạn mà cả dài hạn. Đây là cơ sở để các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ lãi suất cho vay.

Bảng lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng vừa cập nhật cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ một đến dưới sáu tháng đều được hạ xuống dưới mức trần 4,75%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng mới có lãi suất trên 7%/năm. Ông Minh cho rằng mức giảm này vẫn còn quá ít và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12, 13 tháng (mốc để điều chỉnh lãi suất thả nổi) vẫn ở mức cao. Vì vậy, cơ hội để các ngân hàng đồng loạt hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn là rất khó xảy ra.

Chưa có ngân hàng giảm lãi vay mua nhà

Hiện chưa có ngân hàng nào ra thông báo giảm lãi suất cho người vay mua nhà bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay: Lãi suất thả nổi đối với khách hàng vay mua nhà được tính theo công thức lãi suất tiền gửi lãi cuối kỳ của kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ 3%-4,5%. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi của hai kỳ hạn này vẫn trên 7%, do đó lãi suất cho vay mua nhà hiện dao động trong ngưỡng 10,5%-12%/năm. Một khi lãi suất đầu vào của kỳ hạn 12, 13 tháng vẫn cao thì khó có thể hạ lãi suất cho vay được.

“Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người vay mua nhà bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có thể chúng tôi sẽ tính toán đến phương án như giãn nợ để giảm bớt áp lực cho người vay” - vị này nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm